Nhờ các chính sách khuyến khích, cây ăn quả có múi đang ngày càng khẳng định vị thế trong lĩnh vực nông nghiệp Hà Tĩnh.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển. Đặc biệt, tạo điều kiện phát triển cây ăn quả có múi gắn với phát triển kinh tế đồi rừng. Trong đó, bưởi Phúc Trạch và cây cam được xác định là những giống cây trồng chủ lực.
Đến nay, cam, bưởi... đã bước đầu cho thấy tiềm năng, hiệu quả kinh tế, thích ứng trên nhiều vùng đất cao cạn, đất đồi vườn. Đặc biệt, tại các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nhiều gia đình đã thoát khỏi nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
Hương Khê hiện có khoảng 2.149 ha bưởi Phúc Trạch, sản lượng đạt 11.371 tấn, giá trị sản xuất đạt 192,497 tỷ đồng.
Tại vựa cây ăn quả Hương Khê hiện có 2.149 ha bưởi (sản lượng 11.371 tấn, giá trị sản xuất đạt 192,497 tỷ đồng) và 1.707 ha cam các loại (sản lượng 5.795 tấn, giá trị sản xuất đạt 77,194 tỷ đồng).
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh cho biết: "Nhờ áp dụng thành công kỹ thuật thụ phấn bổ sung nên tỷ lệ đậu quả trên cây bưởi Phục Trạch dần hồi phục và tăng nhanh. Không dừng lại ở đó, chất lượng quả ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, huyện đã và đang phối hợp xây dựng thương hiệu cam Khe Mây. Hiện tại, giá trị sản xuất cây cam trên 1 ha đất trồng trọt ngày càng tăng, từ 36 triệu đồng năm 2008 lên 82 triệu đồng năm 2017."
Đối với Can Lộc, thời gian gần đây, huyện đã tích cực khai thác lợi thế vùng trà sơn, phù hợp phát triển cây ăn quả. Đến nay, toàn huyện có hơn 1,1 nghìn ha cam bưởi các loại. Đáng nói, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGap, ứng dụng tưới nhỏ giọt vào sản xuất.
Cùng với cam Khe Mây, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Yên, thương hiệu cam Thượng Lộc đã hình thành và được bảo hộ sở hữu trí tuệ, ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Để phát triển cây ăn quả, huyện cũng đã xây dựng các HTX sản xuất cây giống, ứng dụng công nghệ bảo tồn phát triển nguồn giống từ cây đầu dòng, mang đặc trưng của vùng trà sơn Can Lộc.
Cam Thượng Lộc ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Theo Sở NN&PTNT, sản xuất cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh thời gian qua liên tục được mùa, được giá, thị trường tiêu thụ tốt, đưa lại thu nhập cao cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 7.032 ha cam (tăng hơn 3,2 lần so với năm 2008), xếp thứ 6 trong toàn quốc, sản lượng đạt trên 30.500 tấn. Cây bưởi Phúc Trạch có 2.858ha, sản lượng trên 14.400 tấn, bước đầu hình thành chuỗi liên kết có quy mô tiêu thụ hàng năm trên 2.000 tấn.
Một trong những điểm nhấn tạo nên việc phát triển mạnh mẽ của cây ăn quả trên địa bàn là nhờ tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên cao các cơ chế, chính sách, nguồn lực cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN.
Cam bù Hương Sơn vẫn thơm nức tiếng
Hàng năm, tỉnh dành từ 40-50% kinh phí chương trình KH&CN cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, triển khai gần 100 đề tài khoa học. Theo đó, trong lĩnh vực cây ăn quả, đã có nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được ứng dụng vào sản xuất như: Sản xuất giống cam từ mắt ghép; bảo tồn quỹ gen cam bù đặc sản; chuyển giao thành công kỹ thuật thâm canh, phương pháp thụ phấn bổ sung, bao quả bưởi Phúc Trạch trên diện rộng…
Thời gian tới, bên cạnh nâng cao diện tích và sản lượng, Hà Tĩnh cần chú trọng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập từ cây ăn quả.
Theo baohatinh.vn