Chi phí tăng 1 đồng, giá bán tăng 1.000 đồng
Bạch Long là xã độc canh sản xuất muối lớn nhất huyện Giao Thủy và là vựa muối lớn nhất miền Bắc với gần 2.000 hộ diêm dân, chiếm 80% dân số xã. Ông Trịnh Ngọc Chu - nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã muối cá Bạch Long - cho biết, muối Nam Định chủ yếu được sản xuất theo công nghệ phơi cát, dùng lao động thủ công là chính nên năng suất thấp, chi phí cao. Sản phẩm lẫn nhiều tạp chất như bùn, phù sa nên giá trị thấp, khó cạnh tranh.
Trước thực tế này, Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ muối biển (CSETT) đã hỗ trợ dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất muối sạch”, thực hiện tại xã Bạch Long từ năm 2011 nhằm xây dựng công nghệ sản xuất muối hiện đại bao gồm quy trình khép kín chế biến, sấy muối tinh chất lượng cao, không sử dụng hóa chất trong sản xuất, bảo quản. Muối được loại bỏ tạp chất bằng máy rửa do ông Bùi Sơn Long - nguyên Giám đốc CSETT - sáng chế, áp dụng nguyên lý dùng muối làm sạch muối.
Người dân thu hoạch muối. Ảnh: Phạm Bình
Theo đó, muối được đưa vào máy qua miệng hút hình phễu có cánh quạt và quay với tốc độc hơn 1.000 vòng/phút, trong lúc nước muối bão hòa được dẫn vào liên tục. Sự va chạm giữa muối, nước và thành ống hút trong quá trình quay tạo nên lực ma sát rửa sạch tạp chất bám trên muối thô. Đầu ra của máy có hệ thống mắt lưới sàng. Nước sẽ thoát qua các lỗ thoáng và quay trở lại hệ thống, còn muối hạt chạy thẳng vào kho hoặc ôtô.
“Sản phẩm qua máy rửa vượt tiêu chuẩn muối công nghiệp loại 1, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa chất. Chi phí sản xuất chỉ tăng 100 đồng/tấn nhưng giá bán tăng 100.000 đồng/tấn, nghĩa là mức tăng giá cao gấp 1.000 lần mức tăng chi phí” - ông Long nói.
Nhiều mô hình sản xuất muối tiên tiến
Ông Phạm Văn Cương - Phó Giám đốc Công ty TNHH muối và thương mại Nam Hải, đơn vị thụ hưởng của dự án - cho rằng việc sản xuất muối theo dây chuyền khép kín mang lại sản lượng và chất lượng tốt hơn. “Nếu như hàm lượng NaCl trong muối tinh trước đây chỉ đạt 97% thì nay đạt 99%, cao hơn tiêu chuẩn ngành và vượt tiêu chuẩn muối tinh quốc tế do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế quy định” - ông Cương nói.
Hiện Công ty muối và thương mại Nam Hải có một xưởng chế biến muối tinh 22.000 tấn/năm và một xưởng chế biến muối tinh sấy 10.000 tấn/năm. Với chất lượng cao, muối sạch được công ty bán ra với giá cao gấp 1,4 lần so với muối thường.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy, đến nay diện tích sản xuất muối của Bạch Long đã được mở rộng lên 230ha với sản lượng bình quân đạt 23.000-25.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 128 triệu đồng/ha. Cũng từ đây, thu nhập của diêm dân được cải thiện rõ rệt với mức tăng bình quân 7-8 triệu đồng/ha.
Ông Đỗ Hải Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định - cho biết, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất đã được sở đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng muối thương phẩm. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng và nhân rộng vào thực tế sản xuất muối.
Trong đó, có thể kể đến một số ví dụ điển hình như: Mô hình chuyển đổi vị trí chạt lọc từ đầu sân phơi cát ra giữa sân giúp giảm sức lao động trong khâu vận chuyển cát, giảm chi phí diêm cụ và tăng năng suất lao động lên 30-50%; mô hình sử dụng công nghệ muối kết tinh trên bạt PVC giúp năng suất tăng 20%, muối sạch không lẫn tạp chất, giá trị sản phẩm cao hơn 1,5 lần so với muối thường...
“Đến nay, nhiều cánh đồng muối ở các địa phương đã áp dụng những mô hình trên. Trong đó, mô hình kết tinh trên bạt đạt trên 3ha, mô hình sản xuất muối sạch đạt trên 30ha, mô hình chuyển đổi chạt lọc đạt 75ha” - ông Đỗ Hải Điền cho biết thêm.
Theo: khoahocphattrien.vn