Công trình do giáo sư Kunihiko Morihiro và Akimitsu Okamoto từ Trường Cao học Kỹ thuật tại Đại học Tokyo thực hiện, công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Hóa học Mỹ, giữa tháng 7. Các nhà khoa học đã sử dụng DNA hình chiếc kẹp tóc (hairpin-shaped DNA) để tiêu diệt thành công tế bào ung thư vú, cổ tử cung và ung thư hắc tố ở chuột.
Thông thường, thuốc axit nucleic từ DNA và RNA không dùng để điều trị ung thư, do phân tử trong thuốc khó phân biệt tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh. Từ thử nghiệm trước đây, các nhà khoa học lo ngại nó vô tình ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của bệnh nhân, tức là có thể tiêu diệt cả các tế bào khỏe mạnh.
Để khắc phục tình trạng này, giáo sư Morihiro, Okamoto và các đồng nghiệp đã tạo ra các cặp DNA từ phòng thí nghiệm, gọi là oHP, phản ứng với một microRNA được tìm thấy trong một số bệnh ung thư. Sau khi đưa vào tế bào ung thư, các chuỗi DNA nhân tạo tự gắn vào phân tử microRNA và hình thành chuỗi dài hơn, kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Phản ứng này không chỉ loại bỏ tế bào ung thư, nó còn ngăn ung thư phát triển trở lại.
Dù đây là kết quả hứa hẹn, nhóm chuyên gia nhận định các thử nghiệm vẫn đang ở giai đoạn tiền lâm sàng, cần nhiều thời gian phân tích trước khi áp dụng trên người.
"Kết quả nghiên cứu là tin tốt đối với bác sĩ, giới nghiên cứu thuốc và bệnh nhân ung thư. Chúng tôi tin rằng nó sẽ mang lại lựa chọn mới trong việc phát triển thuốc và chính sách dược phẩm", giáo sư Okamoto nói.
Từ lâu, ung thư là gánh nặng sức khỏe đối với người dân toàn cầu. Trên thế giới, ước tính có khoảng 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này mỗi năm.
Do các phương pháp điều trị còn hạn chế, các chuyên gia đã được truyền cảm hứng để tạo ra liệu trình chữa bệnh bằng DNA.
"Nếu có thể tạo ra các loại thuốc mới, với cơ chế hoạt động khác với thuốc truyền thống, chúng ta sẽ điều trị được các bệnh ung thư tưởng chừng vô phương cứu chữa", giáo sư Okamoto nói.
Nguồn: vnexpress.net