09:52 | 11-09-2020

Dùng DNA và gia phả để điều tra vụ án: Phương pháp gây nhiều tranh cãi

Cho đến tháng 4/2019, Parabon Nanolabs vẫn là công ty di truyền học pháp y nổi tiếng nhất hành tinh. Từ trụ sở chính ở Reston, Virginia, Parabon thường xuyên giúp cảnh sát phá án, chẳng hạn như vụ sát hại một cặp vợ chồng người Canada vào năm 1987, và vụ một phụ nữ trẻ bị tấn công tình dục và bị giết vào những năm 1960.
Dấu vết của DNA tại hiện trường vụ án được dùng để tìm nghi phạm thông qua họ hàng bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu phả hệ.
Nhưng tất cả những thành tích đó đều liên quan đến các vụ án cũ. Rắc rối phát sinh khi Parabon lần đầu giúp giải quyết vụ án xảy ra vào ngày 17/11/2018 tại một nhà thờ Mormon ở Utah, nơi một thiếu niên đã tấn công thô bạo một cụ bà. Những tưởng đây sẽ là thành tích tiếp theo của Parabon, ai dè vụ án này lại biến thành trở ngại lớn cho sự phát triển của công ty cũng như ngành di truyền học pháp y.
Kết hợp các mẫu DNA với cây gia phả là cốt lõi của di truyền phả hệ pháp y. Quy trình này dựa trên các quy tắc thống kê đơn giản của di truyền học. Cha mẹ và con cái, hoặc hai anh chị em, chia sẻ 50% DNA; còn ông bà và cháu chia sẻ 25%. Ngay cả những người họ hàng xa cũng chia sẻ một phần nhỏ DNA.
Parabon tạo nên danh tiếng của mình bằng cách so sánh DNA của nghi phạm với các cơ sở dữ liệu DNA. Dựa vào mức độ tương đồng của mẫu DNA thu được với các DNA trong cơ sở dữ liệu, Parabon dựng lại cây gia phả để truy tìm họ hàng của nghi phạm. Đây là đầu mối giúp cảnh sát điều tra tìm được tội phạm trong trường hợp DNA của chính nghi phạm không có trong các cơ sở dữ liệu.
Trong vụ án ở Utah, Parabon tìm đầu mối bằng cách dùng mẫu DNA của nghi phạm để đối chiếu với cơ sở dữ liệu các xét nghiệm DNA có tên GEDMatch. Bất kỳ ai cũng có thể tải kết quả xét nghiệm DNA của chính mình lên các cơ sở dữ liệu như GEDMatch để tìm người thân thất lạc.
Vào thời điểm đó, GEDMatch cho phép các cơ quan thực thi pháp luật truy cập hồ sơ để giúp giải quyết các vụ giết người và tấn công tình dục. Nhưng vụ việc ở Utah không phải là một vụ giết người hay tấn công tình dục và do đó, không thuộc phạm vi được truy cập dữ liệu theo chính sách của GEDMatch. Kẻ tấn công đã để lại dấu máu tại hiện trường và thám tử phụ trách vụ án, Mark Taggart, đã thỏa thuận riêng với người sáng lập GEDMatch, Curtis Rogers, để được truy cập vào cơ sở dữ liệu DNA. Parabon lần theo các kết quả so sánh DNA và phát hiện đối tượng tình nghi là một cậu bé tuổi teen - họ hàng của một cư dân trong khu vực. Taggart đã bắt giữ cậu bé này.
Ngay lập tức, vụ án gây phản ứng dữ dội trong các nhà phả hệ, các chuyên gia và cả trong công chúng về vấn đề quyền riêng tư và việc vi phạm thỏa thuận của GEDMatch với người dùng.
Rất nhanh chóng, Parabon mất đi nguồn dữ liệu. Đây là một bước ngoặt đối với công ty, và thậm chí đối với di truyền pháp y. Kể từ đó, GEDMatch hạn chế tiếp cận dữ liệu, và giờ đây Parabon buộc phải tìm hướng đi khác.
Những người di cư bị giam giữ tại biên giới Hoa Kỳ. Chính phủ lấy DNA của một số người xin tị nạn.
Phản ứng tiêu cực này khác hẳn phản ứng với một vụ án tương tự diễn ra chỉ cách đó một năm.
Vào tháng 12/2017, cơ quan điều tra bang California mới tìm thấy một số bằng chứng DNA có thể giúp lật lại vụ án Golden State Killer, một kẻ hiếp dâm và giết người hàng loạt trong những năm 1970 và 1980. Họ tìm đến Barbara Rae-Venter, nhà phả hệ học di truyền điều hành một doanh nghiệp sử dụng GEDMatch để giúp khách hàng tìm người thân thất lạc.
Rae-Venter đã so sánh DNA và tìm thấy hai hồ sơ trên cơ sở dữ liệu GEDMatch có khả năng là anh em họ của nghi phạm. Thông tin này được sử dụng để truy ngược về đời ông bà cố của họ để tìm ra các thế hệ con cháu tiếp theo, tập trung vào khu vực California ở khoảng thời gian xảy ra vụ án.
Sau hai tháng, Rae-Venter giao cho cơ quan điều tra bang California tên của ba người. DNA của một người trong số đó trùng khớp với mẫu DNA thu được, và vào ngày 24/4/2018, cảnh sát đã bắt giữ Joseph DeAngel. Đây làvụ án hình sự đầu tiên được giải quyết bằng kỹ thuật di truyền phả hệ.

Kể từ sau khi DeAngelo bị bắt (và đã bị kết án tù chung thân vào tháng trước), các nhà phả hệ di truyền pháp y đã giúp giải quyết các vụ án hóc búa tương tự.
Nhà di truyền học Ellen McRae Greytak, trưởng bộ phận tin sinh học tại Parabon, nói: “Chúng tôi khá ngạc nhiên về việc mọi người phản ứng tích cực thế nào đối với Golden State Killer và phản ứng tiêu cực ra sao đối với vụ án này [vụ án ở Utah]." Cô chỉ ra một nghiên cứu trên PLoS Biology1 cho thấy , 90% người Mỹ ủng hộ việc cảnh sát sử dụng di truyền phả hệ pháp y.
Tai tiếng của của hồ sơ di truyền pháp y cũng phát triển không thua kém gì tiềm năng của nó. Các nhà đạo đức học đã nêu lên những lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng hồ sơ di truyền để nhắm vào người Uyghurs, một nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi ở các tỉnh phía tây bắc Trung Quốc. Hay như trong năm qua, chính phủ Mỹ đã khởi động hai chương trình lấy mẫu DNA của những người nhập cư bị giam giữ và một số người xin tị nạn. Những dữ liệu này có thể được sử dụng để phát triển công nghệ phân tích kiểu hình DNA, một cách dự đoán màu da, màu mắt, nguồn gốc và các đặc điểm khác của một người, với mục tiêu nhận dạng họ chỉ từ một mẫu di truyền. Các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại rằng những dữ liệu như vậy có thể bị sử dụng cho các mục đích vi phạm quyền con người, bao gồm việc giám sát và truy tìm họ hàng của một cá nhân dựa trên trên sắc tộc, tôn giáo, quan điểm hoặc các quyền được bảo vệ khác như tự do ngôn luận.
Những mối quan tâm về luật pháp, đạo đức và xã hội cùng với những khó khăn của Parabon đã khiến các chuyên gia trong ngành tự hỏi tương lai của ngành di truyền pháp y sẽ đi về đâu.
Curtis Rogers (trái) và John Olson, hai người đồng sáng lập cơ sở dữ liệu GEDmatch.
Trong khi báo chí có cái nhìn tích cực với di truyền pháp y, các nhà đạo đức học lại có quan điểm khác.
Nhà đạo đức học Matthias Wienroth tại Đại học Northumbria ở Newcastle, Vương quốc Anh, nói, bạn có thể từ bỏ một số quyền riêng tư bằng cách tải hồ sơ DNA của mình lên các trang web như GEDMatch, nhưng những trang web này có thể làm giảm quyền riêng tư của một số người họ hàng xa của bạn. Thật vậy, xét nghiệm DNA tại nhà phát triển đã khiến một số cơ sở dữ liệu phả hệ di truyền trở nên lớn đến mức một bài báo Science năm 2018 ước tính rằng các cuộc điều tra có thể xác định 60% người Bắc Mỹ gốc Âu, ngay cả khi họ chưa bao giờ thực hiện xét nghiệm DNA.
“Chúng tôi cũng băn khoăn, liệu những kỹ thuật này có hợp lệ về mặt khoa học hay không. Không ai nói về thất bại - tất cả những gì tôi từng nghe là về thành công,” Wienroth nói. Anh chỉ ra thực tế rằng, trong vụ Golden State Killer, cảnh sát California ban đầu truy tìm các đầu mối từ một nhánh khác của cây phả hệ, trước khi họ nhận ra sai lầm và chuyển sang tập trung vào DeAngelo.
Nhưng Greytak không coi đó là một thất bại. Theo cô, phả hệ di truyền không bao giờ nên được coi là câu trả lời cuối cùng trong một vụ án. Thay vào đó, cô coi nó như một công cụ giúp cơ quan thực thi pháp luật tạo ra các đầu mối.
Nhưng dù sao thì những đầu mối tiềm năng đó đã bốc hơi với những thay đổi trong chính sách của GEDMatch, và lấy đi một trong những nguồn thu nhập chính của Parabon.
https://khoahocphattrien.vn/

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận