Dự luật đầu tiên trên thế giới được đưa ra nhằm điều chỉnh các hoạt động nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo đã qua nhiều vòng thảo luận, sẽ được thông qua. Nghị viện châu Âu chuẩn bị thông qua một dự thảo với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư, hạn chế thông tin sai lệch và thông báo rõ cho mọi người khi công nghệ được sử dụng.
Luật trí tuệ nhân tạo do Ủy ban châu Âu đề xuất lần đầu tiên vào năm 2021, muốn phân loại các hệ thống trí tuệ nhân tạo theo nguy cơ gây hại cho con người hoặc vi phạm các quyền của con người. Và các ủy ban của Nghị viện châu Âu đã bổ sung thêm vào dự thảo về các hạn chế đối với trí tuệ nhân tạo trong nhận dạng sinh trắc học, nhận dạng khuôn mặt và trong các công việc hằng ngày của cảnh sát. Vừa qua, cuộc bỏ phiếu chung trong các ủy ban Thị trường Nội bộ và Quyền Tự do Dân sự đã có tỉ lệ phiếu bầu là 84/ 7, với 12 phiếu trắng.
Dragos Tudorache, một trong những thành viên của Nghị viện (MEP) cho biết luật này “rất có thể là bộ luật quan trọng nhất” của Nghị viện hiện tại. “Đây là luật đầu tiên về vấn đề này trên toàn thế giới, có nghĩa là EU có thể đi đầu trong việc thúc đẩy AI phục vụ con người, đáng tin cậy và an toàn”.
Đạo luật này bị các công ty công nghệ dẫn đầu trong việc nghiên cứu và phát triển AI, chủ yếu ở Hoa Kỳ, phản đối kịch liệt. Điều này sẽ làm gia tăng xung đột xuyên Đại Tây Dương về công nghệ, mà với sự tiến bộ của các mô hình AI tổng quát như ChatGPT trong năm qua đã bùng nổ trong cuộc tranh luận trên phạm vi cầu.
Cho đến nay, trước áp lực của các tập đoàn công nghệ ở Hoa Kỳ, chính quyền Biden đã tránh đề xuất bất kỳ luật mới nào cho lĩnh vực AI và thay vào đó hướng tới sự hợp tác tự nguyện trong ngành công nghiệp này, nhưng thúc đẩy kiểm soát các quy định hiện hành như luật chống lừa gạt hoặc xâm phạm quyền riêng tư chặt chẽ hơn.
Thái độ của các quốc gia trên thế giới với việc kiểm soát các tác động của công nghệ mới này rất khác nhau. Cho đến nay, Vương quốc Anh đã một cách tiếp cận tương đối tự do. Nhưng quốc gia khác như cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý đã công bố lệnh cấm tạm thời truy cập vào ChatGPT ở quốc gia này vào đầu tháng tư, sau đó khôi phục quyền truy cập vào cuối tháng.
Trận chiến vận động hành lang
Luật của EU đã gây ra một trong những trận chiến vận động hành lang căng thẳng nhất trong lịch sử Nghị viện, với các tổ chức ở cả hai phía ủng hộ hoặc phê phán bác bỏ đều lớn tiếng lên án hoặc ca ngợi dự thảo.
Lên tiếng chống lại dự thảo này, nhóm chuyên gia tư vấn của Trung tâm Đổi mới Dữ liệu có trụ sở tại Washington ước tính nó sẽ tiêu tốn của các doanh nghiệp châu Âu 10,9 tỷ Euro mỗi năm, làm suy yếu thêm ngành công nghiệp máy tính của chính châu Âu và làm chậm tốc độ đổi mới. Nhưng tại Brussels, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu ước tính chi phí hằng năm dao động từ 176 triệu Euro đến 725 triệu Euro. Ủy ban châu Âu ước tính chi phí thậm chí còn thấp hơn và lập luận rằng trong mọi trường hợp, tác hại lâu dài của AI gây ra, nếu không được kiểm soát, có thể lớn hơn nhiều so với bất kỳ chi phí ngắn hạn nào.
Dự thảo luật này sẽ được bỏ phiếu thông qua trong phiên họp toàn thể của Nghị viện từ ngày 12 đến ngày 15/6, sau đó còn nhiều tháng thảo luận giữa Nghị viện, Hội đồng và Ủy ban châu Âu.
Nhóm vận động hành lang lớn nhất của ngành công nghệ thông tin, do Digital Europe vận động (Digital Europe - tổ chức châu Âu đại diện cho ngành công nghệ kỹ thuật số với các thành viên bao gồm 98 công ty công nghệ lớn và 41 hiệp hội thương mại quốc gia – ND) đã đưa ra một tuyên bố, nói rằng dự thảo “đạt được sự cân bằng tốt nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu chi tiết hơn […]. Cũng cần nỗ lực hết sức để liên kết với các đối tác quốc tế, ví dụ như tại cuộc họp của Hội đồng Thương mại và Công nghệ sắp tới với Hoa Kỳ”.
Việc soạn thảo dự luật này của châu Âu bắt đầu vào năm 2018 và dự thảo hiện tại sẽ phân loại các ứng dụng AI theo nguy cơ gây hại – bất kể ngành hay ứng dụng. Việc sử dụng các ứng dụng mang tính rủi ro cao cho quyền con người, chẳng hạn như “chấm điểm xã hội” để đủ điều kiện nhận trợ cấp của chính phủ, sẽ bị cấm hoàn toàn. Việc sử dụng AI để thao túng hành vi của những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như trẻ em hoặc người khuyết tật cũng bị cấm. Các hoạt động khác được coi là ít rủi ro hơn, sẽ có sự kiểm soát lỏng hơn.
Nghị viện đã mở rộng danh sách các hoạt động bị cấm hoặc hạn chế bao gồm việc sử dụng nhận dạng sinh trắc học trong không gian công cộng, với cảnh sát, để được phép sử dụng nhận dạng sinh trắc học thì sẽ phải xin phép thẩm phán. Việc sử dụng AI để phân loại mọi người theo giới tính, chủng tộc, dân tộc, quyền công dân, tôn giáo hoặc khuynh hướng chính trị cũng sẽ bị cấm. Chính sách dự đoán và “nhận dạng cảm xúc” – sử dụng AI để đoán xem ai có thể hoặc đã phạm tội – cũng sẽ bị cấm.
Luật sẽ yêu cầu những nhà phát triển “mô hình nền tảng” AI – trung tâm mã hóa của các hệ thống AI – phải đăng ký trong cơ sở dữ liệu của châu Âu và buộc họ phải “đảm bảo bảo vệ mạnh mẽ các quyền cơ bản”. Các mô hình nền tảng sáng tạo, như ChatGPT, sẽ phải thông báo về việc nội dung có nguồn gốc từ AI, ngăn mô hình tạo nội dung bất hợp pháp và xuất bản các văn bản tóm tắt dữ liệu có bản quyền mà các nhà phát triển đã sử dụng khi đào tạo hệ thống AI.
Tuy nhiên, cũng có một số miễn trừ cho các mô hình AI nguồn mở hoặc nghiên cứu. Và luật thúc đẩy “sandbox” thử nghiệm, trong đó chính quyền cho phép các công ty thử nghiệm sản phẩm tiềm ẩn rủi ro trong các trường hợp được kiểm soát. Một Văn phòng AI mới của châu Âu sẽ được thành lập để giám sát hành động này, giống như các cơ quan bảo vệ dữ liệu hiện nay giám sát Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU.
Ở các quốc gia và khu vực khác, dù chưa có những dự luật riêng điều chỉnh việc nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, thì các Chính phủ cũng đã thúc đẩy nhiều chương trình, dự thảo có liên quan. Thống kê trong báo cáo Chỉ số AI năm 2023 do Đại học Stanford xây dựng cho thấy 37 chính sách, dự luật có liên quan đến AI đã được thông qua trên toàn cầu vào năm 2022. Hoa Kỳ dẫn đầu trong việc thúc đẩy quy định, thông qua 9 luật, tiếp theo là Tây Ban Nha với 5 luật và Philippines với 4 luật.
Nguồn: khoahocphattrien.vn