Đứng vững trong “giông bão”
Hiểu đúng nghĩa, GTCLQG chính là Giải thưởng Chất lượng Doanh nghiệp Quốc gia. GTCLQG của Việt Nam được mô phỏng theo mô hình GTCLQG của Hoa Kỳ với 7 tiêu chí đánh giá chất lượng của doanh nghiệp, bao gồm: Vai trò lãnh đạo; Hoạch định chiến lược; Định hướng vào khách hàng; Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; Định hướng vào nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động; Kết quả hoạt động.
Theo đó, chất lượng doanh nghiệp không chỉ thể hiện là sản xuất ra sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn, mà còn đánh giá toàn diện hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. GTCLQG là một giải thưởng danh giá đánh giá sâu sắc, toàn diện mọi mặt của doanh nghiệp.
Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 hoành hành nhưng giới chuyên gia đánh giá đó chính là phép thử với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tham gia GTCLQG nói riêng.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhiều doanh nghiệp đạt GTCLQG đã trụ vững và phát triển ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất. Lãnh đạo một doanh nghiệp đạt GTCLQG chia sẻ: “Nhớ lại thời điểm dịch bệnh, chưa bao giờ lãnh đạo Công ty có ý định cắt giảm nhân sự - mặc dù có phải nghỉ luân phiên - bởi chúng tôi biết người lao động chính là linh hồn của doanh nghiệp. Đời sống anh em có tốt thì mới yên tâm làm việc và tạo ra lợi nhuận bền vững.
Việc đạt được GTCLQG là niềm động viên rất lớn cho toàn thể Công ty, cũng là nguồn cổ vũ tinh thần giúp anh em hăng say làm việc và sáng tạo. Thời gian tới, với những định hướng rõ ràng, chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng để tiếp tục trở thành chủ nhân của Giải thưởng uy tín này”.
Cần lan tỏa mạnh mẽ hơn
Là thành viên trong Hội đồng GTCLQG, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, với những doanh nghiệp tham gia Giải thưởng, dù có đạt giải hay không thì GTCLQG cũng chính là tấm gương sáng để doanh nghiệp tự soi chiếu. Từ những câu hỏi được đặt ra trong 7 tiêu chí đánh giá, tự doanh nghiệp sẽ nhận thấy mình đang nằm ở vị trí nào và cần phải cố gắng ra sao.
“Trong quá trình làm việc, tôi cũng đã tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp và gửi cho họ mẫu tiêu chí đánh giá, quy trình tham gia GTCLQG. Một số doanh nghiệp ban đầu khá tâm đắc, tuy nhiên sau khi về nghiên cứu lại thấy mình chưa đủ khả năng để tham gia, nhưng họ cho biết, sẽ lấy các tiêu chí trong GTCLQG để tiếp tục phấn đấu.
Từ các minh chứng trên có thể thấy, kể cả với doanh nghiệp tham gia hay không tham gia thì GTCLQG đã thực sự tác động đến cộng đồng doanh nghiệp, là mục tiêu để doanh nghiệp chinh phục. Và khi doanh nghiệp nghĩ được như vậy, họ chính là các “ứng viên tiềm năng” của GTCLQG.
Đối với những doanh nghiệp đã đạt được GTCLQG, nếu doanh nghiệp làm tốt hiệu ứng quảng bá thì rõ ràng thương hiệu, tiếng tăm của doanh nghiệp sẽ được tăng lên và tiến xa hơn trên con đường sản xuất kinh doanh. Cụ thể, những doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia sẽ được đề cử tham gia và có cơ hội đạt được Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương", ông Toàn chia sẻ.
Cho đến nay, GTCLQG đã thu hút hàng trăm nghìn doanh nghiệp tham gia, nhiều doanh nghiệp vinh dự đạt giải trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng sự lan tỏa của Giải thưởng vẫn chưa được như mong muốn. Bởi vậy, cần nâng cao công tác tuyên truyền, quảng bá cho hoạt động của Giải thưởng cũng như hoạt động đào tạo chuyên gia, đánh giá, tập huấn cho doanh nghiệp tham dự.
Nhận thức được vấn đề trên, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã có những thay đổi phù hợp. Trước đây Hội đồng sơ tuyển GTCLQG chỉ có ở các địa phương (giao cho Sở Khoa học và Công nghệ địa phương) phụ trách, sau đó trình lên Hội đồng Quốc gia và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các doanh nghiệp đạt Giải, nhưng bây giờ ngoài Hội đồng sơ tuyển tại các địa phương thì các Bộ, ngành cũng có thể tìm, sơ tuyển giới thiệu doanh nghiệp tiêu biểu. Đây chính là điểm mới để ngày càng nhiều doanh nghiệp hiểu sâu sắc hơn nữa giá trị của GTCLQG, giúp nâng tầm vị thế của Giải thưởng.
Theo vietq.vn