07:36 | 02-05-2018

Giải thưởng Tạ Quang Bửu - Điểm sáng vinh danh khoa học Việt Nam

giaithuong 2

Hai nhà khoa học được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017

Nói đến GTTQB chúng ta không thể không nhắc đến GS Tạ Quang Bửu (1910-1986), người đặt nền móng cho khoa học cơ bản ở Việt Nam. Ông đã từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ông cũng từng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng các tổ chức khoa học ở Việt Nam. Trong suốt cuộc đời, ông phấn đấu không ngừng nghỉ cho việc quảng bá khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản. Ngay từ khi ở chiến khu trong kháng chiến chống Pháp và sau này cho đến tận cuối đời, ông luôn tìm đọc các tài liệu mới nhất về khoa học để phổ biến kiến thức cho công chúng, kể cả về những lý thuyết hiện đại nhất thời bấy giờ. Nhiều ngành khoa học cơ bản ở Việt Nam không thể phát triển như ngày nay nếu không có sự quan tâm sâu sát của ông đến việc xây dựng các ngành đó từ khi còn trứng nước.
Đã từ lâu, giới khoa học mong muốn có một giải thưởng khoa học mang tên ông nhằm vinh danh các nhà khoa học tiêu biểu. Giải thưởng đó phải là một giải thưởng của Nhà nước mới xứng đáng với những công lao của ông đóng góp cho sự phát triển nền khoa học Việt Nam. Với sự vận động của một số nhà khoa học và Tạp chí Tia Sáng, năm 2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã ký Quyết định số 2635/QĐ-BKHCN ngày 26/8/2013 thành lập GTTQB nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản, có đóng góp thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và KH&CN Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho KH&CN của đất nước hội nhập và phát triển.
Vì đây là một giải thưởng khoa học nên Bộ KH&CN đã tham khảo ý kiến các nhà khoa học để có một quy chế theo các thông lệ quốc tế. Cơ cấu Giải thưởng hàng năm bao gồm từ 1 đến 3 giải thưởng chính và 1 giải thưởng nhà khoa học trẻ (dưới 30 tuổi, tính đến thời điểm kết thúc nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng) dành cho tác giả của công trình khoa học xuất sắc. Việc đánh giá các công trình được xét theo các tiêu chí: i) Giá trị khoa học của công trình; ii) Chất lượng của tạp chí khoa học có công trình được đăng tải, được xác định thông qua chỉ số tác động và các xếp hạng quốc tế tại thời điểm công bố công trình; iii) Công trình khoa học được đánh giá phải là công trình nghiên cứu cơ bản, được thực hiện tại Việt Nam và có thời gian công bố (tính theo thời điểm công bố của tạp chí) trong khoảng thời gian 5 năm tính đến thời điểm kết thúc nộp hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.
So với các giải thưởng ở Việt Nam có tầm cỡ quốc gia, đây là giải thưởng duy nhất có Hội đồng xét chọn chỉ gồm các nhà khoa học tiêu biểu, không có sự tham gia của các nhà quản lý thuần túy. Thành phần Hội đồng gồm Chủ tịch các hội đồng ngành của Quỹ NAFOSTED (do cộng đồng các nhà khoa học bầu chọn) và một số nhà khoa học có uy tín thế giới. Cơ cấu như vậy đảm bảo cho Hội đồng đủ khả năng đánh giá các công trình xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học khác nhau. Điều này rất quan trọng vì uy tín của giải thưởng có bền vững hay không phụ thuộc vào việc giải thưởng có được trao cho những công trình xứng đáng hay không.
Quá trình xét chọn giải thưởng gồm hai bước: Bước thứ nhất, các Hội đồng ngành của NAFOSTED xét chọn công trình xuất sắc nhất trong ngành mình để đề cử lên Hội đồng giải thưởng. Bước thứ hai, Hội đồng giải thưởng so sánh các đề cử của các Hội đồng ngành để xem công trình nào thực sự xuất sắc ngang tầm thế giới để trao tặng giải thưởng. Các công trình được xem xét kỹ lưỡng qua uy tín của tạp chí và nội dung khoa học nổi trội của công trình dựa trên ý kiến đánh giá (phản biện) của các chuyên gia bên ngoài được các Hội đồng mời. Mỗi công trình đều được gửi xin đánh giá của các nhà khoa học đầu ngành trong nước và các nhà khoa học có uy tín trên thế giới. Quy trình này sẽ giúp giảm thiểu tối đa việc xem xét theo cảm tính mà rất nhiều giải thưởng khác ở Việt Nam mắc phải.
GTTQB được trao lần đầu tiên năm 2014, đến nay đã có 11 nhà khoa học thuộc nhiều ngành khoa học khác nhau ở mọi miền của đất nước được vinh danh (bảng 1).

Bảng 1. Danh sách các nhà khoa học được trao tặng GTTQB từ năm 2014-2017.

giaithuong

Các công trình được xét tặng GTTQB cho đến nay đều nằm trong danh mục các tạp chí hàng đầu trong từng chuyên ngành và mỗi công trình đều có những kết quả khoa học xuất sắc. Giải thưởng được cộng đồng khoa học Việt Nam hưởng ứng nhiệt liệt và là một nguồn cổ vũ lớn lao đối với các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản tiến hành những nghiên cứu khoa học mang tầm thế giới.
Năm 2018 là năm thứ 5 tiến hành trao GTTQB. Đây cũng là dịp nhìn lại những điểm yếu cần sửa đổi, bổ sung trong quy chế, quy trình xét và trao giải thưởng. Cho đến nay, các ứng viên phải tự làm hồ sơ “xin” giải thưởng. Điều này thực sự không tôn trọng các nhà khoa học của chúng ta và cũng không theo thông lệ quốc tế. Có quá ít nhà khoa học trẻ tham gia đăng ký giải thưởng vì chỉ có nhiều nhất một giải thưởng trẻ mỗi năm và cũng vì còn có sự hiểu nhầm giữa chất lượng giải thưởng chính và giải thưởng trẻ. Cần có những quy định hay hướng dẫn cụ thể phân biệt chất lượng công trình khoa học cho giải thưởng chính và giải thưởng trẻ. Các nhà khoa học trẻ là tương lai của chúng ta và chính họ mới cần đến sự khích lệ, tôn vinh của Nhà nước nhiều hơn những nhà khoa học đầu đàn của Việt Nam để họ có thể kiên trì theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Vì vậy, nên tăng số lượng giải thưởng trẻ lên để hàng năm mỗi ngành khoa học có một giải thưởng trẻ.
Công tác tuyên truyền về GTTQB cũng chưa thật sự hiệu quả. Các phương tiện truyền thông đại chúng còn ít đưa tin về Lễ trao giải thưởng cũng như về các nhà khoa học được trao giải thưởng. Các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Chính phủ chưa bao giờ đến dự và trao GTTQB mặc dù khoa học được coi là then chốt đối với sự phát triển của đất nước và các nhà khoa học được giải thưởng chính là những anh hùng đi đầu trên mặt trận KH&CN.

http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận