07:57 | 24-05-2016

GS-TS Lê Huy Hàm: Người giúp lúa chịu nước sâu, đất mặn

Nghiên cứu khoa học là nhu cầu

Gặp GS-TS Lê Huy Hàm tại phòng làm việc của ông tại Viện Di truyền nông nghiệp (Hà Nội), tôi khá ấn tượng với khay khoai lang đang mọc dây được xếp gọn trên bàn tiếp khách như một vật trang trí thay cho chậu cây cảnh.

Lý giải vì sao chọn khoai lang chứ không phải một loại hoa nào khác, ông cười hiền: “Với người Việt Nam, khoai lang thân thuộc như cây tre, cây lúa. Nó lại rất dễ sống, chỉ cần chút nước là nảy mầm, mọc thành dây”. Có vẻ như nhà khoa học bước ra từ đồng ruộng, lại có nhiều nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn này luôn tìm được niềm vui và cảm hứng sáng tạo từ những thứ thân thuộc như thế.

GS-TS Lê Huy Hàm: Người giúp lúa chịu nước sâu, đất mặn - 1

GS-TS Lê Huy Hàm trước bàn làm việc trang trí bằng dây khoai lang. Ảnh: V.Ngọc

Dành 30 năm trong cuộc đời để nghiên cứu nhân giống và chọn tạo giống cây trồng, GS-TS Lê Huy Hàm là một trong những nhà công nghệ sinh học hàng đầu Việt Nam với hàng trăm nghiên cứu khoa học.

Ông kể: “Năm 1975, do đạt điểm cao trong kỳ thi đại học, tôi được Nhà nước cử đi học tại trường Kishinov, Moldavia (Liên Xô cũ). Có lẽ thấy mình xuất thân từ nông thôn nên nhà trường cử theo ngành công nghệ sinh học. Sau đó, nhờ đoạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên và tốt nghiệp bằng đỏ, tôi được nhà trường giữ lại làm nghiên cứu sinh và hoàn thành việc bảo vệ luận án tiến sỹ vào năm 1986”.

Trong thời điểm đó, Việt Nam mặc dù là nước nông nghiệp, phần lớn dân số là nông dân nhưng mỗi năm vẫn phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn lương thực. Thực tế này khiến Lê Huy Hàm day dứt. Ông tự giao cho mình nhiệm vụ nghiên cứu ra những giống cây trồng phù hợp, hiệu quả để phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Công trình đầu tiên là nhân giống cây chuối bằng nuôi cấy mô tế bào. Năm 1996, phương pháp nuôi cấy mô tế bào này được áp dụng cho cả cây mía và đến bây giờ, nó vẫn được các công ty và người nông dân sử dụng.

GS Lê Huy Hàm giải thích: “Theo kinh nghiệm dân gian, muốn trồng cây chuối thì phải đào củ chuối con. Với cách làm này, nếu trồng 1 sào thì có thể tìm đủ giống, 1 mẫu cũng có thể tìm đủ, 1 hécta cố gắng sẽ tìm đủ nhưng 10 hécta thì không thể nào tìm đủ giống được. Để trồng chuối, mía phục vụ sản xuất công nghiệp quy mô lớn thì phải sử dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào”.

Ngoài tác dụng cung cấp đủ giống, phương pháp này cũng giúp vườn chuối, mía phát triển đồng đều, sạch bệnh và được trẻ hóa, cho năng suất cao. Có như vậy, chuối mới đủ tiêu chuẩn và số lượng để xuất khẩu.

“Đây là công trình đầu tiên và cũng là một trong những công trình nghiên cứu quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi, bởi nó đã để lại nhiều dấu ấn trong thực tiễn nhất” - GS Hàm tâm sự.

Giống lúa chịu được ngập, mặn

Nói về giống lúa có khả năng chịu ngập nước và mặn mà ông và các cộng sự phát triển thành công, GS Lê Huy Hàm tiếc nuối: “Giá như vào thời điểm năm 2008 chúng ta có giống lúa như thế này thì bà con nông dân Hà Nam đã không mất trắng hàng nghìn hécta”.

Dường như chính sự thấu hiểu và xót xa về những mất mát của bà con nông dân do thiên tai đã khiến ông và các cộng sự có thêm động lực để quyết tâm nghiên cứu tạo ra giống lúa mới.

“Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu tạo ra giống lúa này từ năm 2009, còn ý tưởng về nó thì đã phôi thai từ lâu. Hồi đó khi bắt tay vào làm, chúng tôi đã bị phản đối vì cho rằng đang làm nghiêm trọng hóa vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng Viện Nghiên cứu di truyền vẫn cứ làm” - GS-TS Lê Huy Hàm kể về thời gian cách đây 7 năm, khi giống lúa OM22, SHPT1, SHPT2 mới chỉ có trong suy nghĩ.

Ông Trần Hùng Lĩnh - Trưởng bộ môn Sinh học phân tử, Viện Di truyền nông nghiệp, thành viên nhóm nghiên cứu giống lúa ngập mặn - cho rằng nghiên cứu này rất có ý nghĩa đối với những vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến lũ lụt hay xâm mặn như Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long: “Ở những vùng đó, nếu lúa không có 2 gene chịu mặn, chịu ngập này thì mất mùa như chơi”.

Bài toán đặt ra cho nhóm nghiên cứu là Việt Nam đang có hàng trăm giống lúa, phải làm sao để bà con không mất thời gian làm quen với giống lúa mới, thị trường không mất thời gian để quen với sản phẩm mới.

“Chúng tôi đã phát triển công nghệ mới là đưa 1-2 gene vào giống lúa nhưng không làm thay đổi đặc tính của nó. Với người nông dân, đây không phải giống lúa mới, nó vẫn là giống cũ với năng suất, chất lượng như thế nhưng tính chống mặn, chịu lụt được nâng lên” - GS Hàm phấn khởi chia sẻ.

Không chỉ có khả năng chịu độ mặn cao lên tới 0,6% và chịu ngập 15-18 ngày, giống lúa này chống lại được nhiều bệnh như rầy nâu, bạc lá, đạo ôn thay vì chỉ kháng một bệnh như các giống khác.

Kể về kỷ niệm trong thời gian nghiên cứu và ứng dụng giống lúa mới, GS Hàm cho biết: “Khi đem giống này xuống Hải Dương, người nông dân chỉ biết đây là giống cho năng suất cao, chất lượng phù hợp chứ không nắm hết được ưu điểm của nó, cho đến khi tình cờ trên địa bàn tỉnh xảy ra một vụ lũ lụt, trong khi những giống khác chết hết thì chỉ có lúa của Viện Di truyền còn sống”.

Hiện nay, giống lúa OM22 đã được công nhận và sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long. Các giống SHPT1, SHPT2 đã được chuyển giao cho một số công ty, đang làm thủ tục công nhận sản xuất ở phía bắc. Trong khi đó, các gene, các vật liệu chống chịu mặn và ngập đã được viện chuyển giao cho các địa phương như Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình... để tiếp tục phát triển thành giống đưa vào sản xuất.

Trăn trở về đầu tư cho nghiên cứu

GS-TS Lê Huy Hàm nhận định: “Nền khoa học và công nghệ Việt Nam đang chuyển từ thuần tuý ứng dụng công nghệ tới sáng tạo ra công nghệ. Các nhà khoa học và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đều công nhận thành tựu nông nghiệp của Việt Nam đáng kính nể. Bởi lẽ, mức đầu tư cho khoa học - công nghệ của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực - dưới 0,2% GDP của nông nghiệp, trong khi các nước châu Á là 0,5%”.

Để đảm bảo an ninh lương thực, các nhà nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam luôn phải chọn tạo giống mới, giống ngắn ngày để luân canh xen vụ, gối vụ. GS Hàm giải thích: “Chúng ta chỉ có 4 triệu hécta lúa mà phải nuôi 94 triệu dân. Phải làm thế để tăng năng suất mới có đủ lương thực cung cấp cho thị trường. Từ một nước nhập khẩu 2 triệu tấn lương thực mỗi năm, giờ chúng ta đã đủ lương thực và xuất khẩu. Đây là thành công lớn, có sự đóng góp của các nhà khoa học nông nghiệp”.

Thấu hiểu giá trị của khoa học với nghề nông, GS Lê Huy Hàm luôn mong muốn Chính phủ đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học: “Mỗi giai đoạn cần một cơ chế và hệ thống quản lý đi kèm, có như vậy khoa học mới phát huy được hiệu quả”.

Bên cạnh đó theo ông, các nhà khoa học trẻ phải thực tế hơn nữa, bởi thực tế là mẹ của mọi thành công, nhất là khi năng lực nghiên cứu và khả năng tài chính của đất nước có hạn, cơ chế quản lý còn yếu, nhiều điều chưa phù hợp.

“Phải căn cứ vào điều kiện thực tế về tiềm năng khoa học công nghệ và tài chính để đưa ra một ý tưởng nghiên cứu phù hợp với khung cảnh chung và có ích với nhân dân, xã hội” - GS Hàm nói.

Theo: Báo Khoa học phát triển

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận