Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Bộ sẽ có trách nhiệm hỗ trợ thiết bị và đào tạo nhân lực có đủ năng lực nhằm giúp Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm.
Theo báo cáo của Bchỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh, từ khi có Luật ATTP, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, các sở, ban, ngành cùng các cơ quan chức năng liên quan đã chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch triển khai công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn. Các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ATTP được ban hành kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng ATTP, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu - Phó ban Thường trực BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016
Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP được các cấp, các ngành đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hành của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Trong sản xuất, kinh doanh rau quả tươi sống, bước đầu đã hình thành một số vùng tập trung và đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất; nhiều sản phẩm đã được chứng nhận Vietgap. Tỉnh cũng xây dựng được 182 cơ sở giết mổ tập trung (quy mô 500 con trở lên)…
Từ năm 2011-2016, toàn tỉnh tiến hành kiểm tra trên 65.000 lượt cơ sở thực phẩm, phát hiện 12.975 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 5 tỷ đồng. Hoạt động kiểm tra, thanh tra đã giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP, góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu tại buổi làm việc
Các cơ quan chức năng cũng tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 5000/7147 cơ sở; cấp 79 giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và 80 giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP….
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác đảm bảo ATVSTP vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém như: xử lý vi phạm hành chính tại tuyến xã, phường, thị trấn chưa hiệu quả; việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi phát hiện sai phạm vẫn còn tồn tại; công tác kiểm nghiệm, xét nghiệm chưa đáp ứng; tính khả thi và hiệu lực của một số văn bản chưa cao…
Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh kiến nghị một số vấn đề xung quanh việc giám sát, đôn đốc thức hiện các văn bản pháp quy về ATTP, về bố trí ngân sách và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những nỗ lực và những chuyển biến tích cực về công tác đảm bảo ATTP mà Hà Tĩnh đạt được trong thời gian qua. Riêng về kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tỉnh là điểm sáng của toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục kiện toàn BCĐ về ATTP; quan tâm đầu tư cho các hoạt động đảm bảo ATVSTP; hình thành nên những vùng nông sản sạch, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp, hộ dân và chính quyền trong sản xuất; khẩn trương tiến hành tiêu hủy hải sản không an toàn để tạo niềm tin cho người tiêu dùng; triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc theo mã vạch…
Về công tác kiểm nghiệm VSATTP, Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm hỗ trợ thiết bị và đào tạo nhân lực có đủ năng lực nhằm giúp Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các thành viên trong đoàn và hứa sẽ tiếp tục nỗ lực, tạo những chuyển biến về công tác đảm bảo ATVSTP trong thời gian tới.
Theo baohatinh.vn