Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển chính quyền số nói riêng và CĐS nói chung, coi đây là cơ sở để thúc đẩy phát triển KT-XH. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhấn mạnh về vai trò, tầm quan trọng của CĐS nhằm đưa Hà Tĩnh đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước.
Để xây dựng chiến lược, có định hướng trong CĐS giai đoạn 2023-2030, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty hàng đầu như: VNPT, Viettel, Mobifone, FPT, đón đầu cho việc áp dụng CĐS trong mọi hoạt động của sản xuất, đời sống. Với những cách làm sáng tạo, cụ thể, năm 2023, “làn sóng” CĐS cùng với công tác truyền thông đã tạo sự lan tỏa, thu hút người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Hà Tĩnh tham gia và hưởng ứng nhiệt tình. Người dân bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ CĐS và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS.
Giờ đây, về các làng quê Hà Tĩnh, chúng ta có thể bắt gặp cảnh người dân bán sản phẩm nông nghiệp, đóng mở đèn chiếu sáng, loa phát thanh, camera an ninh... chỉ bằng smartphone.
Ông Nguyễn Trọng Từ (thôn Tam Đồng, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) cho biết: “Trong thôn, nhà nào cũng có mã QR, chỉ cần quét mã là biết được các thông tin cơ bản về gia đình. Mã QR cũng tích hợp các thông tin về vườn hộ để dễ kết nối tiêu thụ sản phẩm. Như khu vườn của gia đình tôi rộng 1.300 m 2 , quanh năm sản xuất rau màu. Các sản phẩm đều được thông tin rõ ràng khi quét mã QR nên tôi dễ dàng hơn trong tiêu thụ hàng hóa của gia đình làm ra”.
Ông Phạm Hồng Sơn - một người dân xã Hà Linh (Hương Khê) chia sẻ: “Chiếc điện thoại thông minh có thể làm được rất nhiều việc mà trước đây chúng tôi chưa biết. Không chỉ biết đến nhiều tiện ích trong thực hiện thủ tục hành chính mà chúng tôi có thể thanh toán tiền điện, tiền viện phí, học phí ngay trên điện thoại. Đặc biệt, có thể bán thứ mình có, mua thứ mình cần...”.
Cùng với thể chế, nhờ có chính sách thu hút kịp thời, hiện nay, tỉnh đang duy trì đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin cơ bản ổn định. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị đã chuyển biến mạnh mẽ về mặt ý thức, nhận thức và mức độ sẵn sàng đối với CĐS. Tại địa phương, tất cả đã thành lập các tổ CĐS cộng đồng. Mới đây, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ hoạt động của tổ CĐS cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2024-2025.
Năm 2023, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã phân bổ ngân sách phục vụ cho việc xây dựng các nền tảng số, cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng cho các lĩnh vực trên địa bàn Hà Tĩnh và các nội dung liên quan về CĐS là 130 tỷ đồng, qua đó cho thấy quyết tâm của chính quyền trong việc thúc đẩy CĐS ngay từ cơ sở.
Ông Đặng Văn Đức - Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Bưu chính viễn thông (Sở TT&TT) thông tin, đến nay, 100% DN, tổ chức ở Hà Tĩnh có sử dụng hóa đơn điện tử; các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, OCOP... có ứng dụng điện thoại thông minh, Internet băng rộng, sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở giáo dục, y tế, thương mại ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt; hầu hết các cơ sở kinh doanh bán lẻ đã ứng dụng giải pháp thanh toán trực tuyến; sản phẩm OCOP của các địa phương được đăng tải lên sàn thương mại điện tử tỉnh và của các DN...
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, DN, đối tác, hoạt động CĐS trên địa bàn Hà Tĩnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Theo báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của Bộ TT&TT công bố vào cuối tháng 7/2023, Hà Tĩnh xếp hạng thứ 37/63 về chỉ số DTI cấp tỉnh, tăng 22 bậc so với năm 2021 (59/63), xếp thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, sau các tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Đây là đánh giá phản ánh quá trình chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tập trung tổ chức thực hiện và ghi nhận những kết quả đã đạt được về CĐS trên địa bàn Hà Tĩnh. Thực tế cho thấy, những chuyển động về CĐS trong hệ thống chính quyền đã mang đến hiệu quả rõ nét, phục vụ tốt hơn, tiện lợi hơn cho người dân và DN, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Tại phường Hưng Trí (TX Kỳ Anh), thay vì chờ đến ngày tiếp dân để phản ánh các kiến nghị, đề xuất liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính thì hiện nay, người dân, DN có thể gửi ngay ý kiến của mình thông qua mã QR được niêm yết tại bộ phận giao dịch một cửa. Ông Nguyễn Đình Tài - Chủ tịch UBND phường Hưng Trí cho biết: “Việc áp dụng mã QR trong khảo sát, đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giúp ích cho người dân, DN rất nhiều. Khi thấy những khó khăn, vướng mắc hoặc chưa hài lòng trong khâu tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, DN, người dân có thể phản ánh ngay, không phải hẹn, chờ gặp lãnh đạo phường phản ánh trực tiếp. Hơn nữa, qua sự đánh giá của người dân, lãnh đạo cũng nắm bắt được tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức”.
Theo ông Dương Văn Tuấn - Phó Giám đốc Sở TT&TT, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các địa phương, các DN, tổ chức, cá nhân cần có tư duy đột phá, chiến lược dài hạn cho quá trình CĐS trong mọi hoạt động của đơn vị, địa phương bao gồm cả quản lý, xây dựng thể chế, SXKD và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ DN đẩy mạnh CĐS, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra các mô hình kinh doanh mới, các giá trị kinh tế mới, thông qua đó thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị về CĐS, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trong thời gian tới.
Nguồn: baohatinh.vn