Tối ngày 26/9, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du. Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Quốc hội Võ Trọng Việt; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh. Về phía tỉnh Hà Tĩnh, có Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cùng các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, đông đảo bà con Nhân dân. |
Diễn văn tại buổi lễ do Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn trình bày nhấn mạnh: "Hà Tĩnh - vùng đất “Địa linh - Nhân kiệt”, Nhân dân từ bao đời nay có truyền thống cần cù trong lao động, yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất, sống nghĩa tình, thủy chung; thời kỳ nào cũng xuất hiện những bậc anh hùng hào kiệt, danh nhân. Trong đó, tiêu biểu là Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, người đã để lại một di sản văn chương đồ sộ, nhất là kiệt tác Truyện Kiều - đỉnh cao của văn học trung đại Việt Nam, làm rạng rỡ văn hoá dân tộc và quê hương Hà Tĩnh trên trường quốc tế.
Nhấn mạnh những đóng góp to lớn của Đại thi hào Nguyễn Du và niềm tự hào về danh nhân văn hóa kiệt xuất, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: “Tròn 200 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa thế giới, ở Việt Nam và trên quê hương Hà Tĩnh, nhiều hoạt động được tổ chức với những hình thức phù hợp, ý nghĩa như: Hội thảo khoa học, công diễn kịch thơ, triển lãm tranh, tổ chức thi và trao 99 Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ VII và các cuộc thi: “Bạn đọc thuộc Kiều”, “Viết văn tế Đại thi hào Nguyễn Du"; tổng kết cuộc thi tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và Truyện Kiều...
"Hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh, tưởng niệm ngày mất Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du một lần nữa khẳng dịnh dù phải trải qua bao thăng trầm dâu bể, nhưng tên tuổi và di sản văn hóa Nguyễn Du mãi mãi xuyên thời đại, luôn là niềm tự hào lớn lao của các thế hệ người Việt Nam” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Tự hào là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh luôn ý thức được trách nhiệm, sứ mệnh phải tiếp bước xứng đáng với công lao của các bậc tiền nhân. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh luôn thể hiện rõ bản lĩnh, kiên định vững vàng, đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh của toàn dân, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
Kinh tế dần phục hồi sau sự cố môi trường và tăng trưởng cao; cơ cấu chuyển dịch tích cực; quy mô nền kinh tế gấp 1,6 lần so với đầu nhiệm kỳ, thuộc nhóm đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ; thu ngân sách đạt trung bình khá, đứng thứ 21 của cả nước. KKT Vũng Áng trở thành động lực phát triển của tỉnh. Chương trình xây dựng NTM đạt nhiều thành tựu nổi bật, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, được Thủ tướng Chính phủ cho lập Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2020 - 2025...
“Kỷ niệm 255 năm Ngày sinh, tưởng niệm 200 năm Ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh nguyện cùng Nhân dân cả nước gìn giữ, phát huy các di sản của Đại thi hào; chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục xây dựng tỉnh nhà giàu về kinh tế, vững mạnh về chính trị, quốc phòng - an ninh, đậm đà bản sắc văn hóa, Nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, thỏa nguyện ước mơ của Đại thi hào và bao lớp tiền nhân về một xã hội công bằng, dân chủ, tiến bộ, văn minh cho tất cả mọi người” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định.
Tiếp nối lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du là chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với chủ đề “Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…”.
Tiếp nối lễ kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du là chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với chủ đề “Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…”.
Chương trình có 8 trường đoạn, gồm: Khai từ, Tuổi thơ trong nhung lụa, Trôi giữa dòng đời, Non Hồng tức cảnh, Giao hưởng nhạc vũ - kịch Truyện Kiều, Đối thoại với người trong truyện, Văn tế Nguyễn Du, Ngàn năm hậu thế nhớ Nguyễn Du. Mỗi trường đoạn tái hiện lại một mốc lịch sử từ lúc Nguyễn Du lọt lòng đến những biến cố ông phải trải qua trong cuộc đời.
Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765; họ Nguyễn Tiên Điền, Nghi Xuân. Bố là Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng đầu triều; mẹ là Bà Trần Thị Tần, xuất thân từ dòng họ có truyền thống khoa bảng ở Kinh Bắc. Truyền thống dòng tộc, sự giao thoa của văn hóa xứ Nghệ - miền quê của những làn điệu dân ca ví, giặm đằm thắm, dung dị, sâu sắc với vùng đất Kinh Bắc mượt mà của dân ca Quan họ và văn hóa bác học kinh kỳ Thăng Long đã sinh thành, nuôi dưỡng Nguyễn Du trở thành một nhân cách lớn, tâm hồn lớn và tài năng vượt thời đại. Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc Việt Nam, tên tuổi và sự nghiệp của ông, đặc biệt là tác phẩm Truyện Kiều - đỉnh cao của nền văn học trung đại nước nhà đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và những giá trị cốt lõi của nhân loại, năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Gần 50 năm sau - năm 2013, Đại Hội đồng UNESCO quyết định vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng 107 danh nhân văn hóa của nhân loại. |
Theo baohatinh.vn