00:42 | 13-06-2016

Hàm lượng sắt vượt ngưỡng không gây nguy hại cho con người

Kết quả đo và phân tích từ 28/4 - 6/6 cho thấy, thông số Fe có một số lần vượt ngưỡng cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển - vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

ham luong sat vuot nguong khong gay nguy hai cho con nguoi

Người dân vẫn đến biển để xua tan sự nóng nực, oi bức ngày hè.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho hay: Qua các lần lấy mẫu nước biển để phân tích, có một số lần thông số Fe vượt ngưỡng cho phép. Theo thông tin từ cán bộ trực tiếp lấy mẫu, thời điểm lấy mẫu phân tích cho kết quả vượt ngưỡng thường có sóng lớn, biển động…

Cũng theo ông Sơn, Sở TN&MT Hà Tĩnh đang tiếp tục lấy mẫu nước để thực hiện quan trắc và phối hợp với ngành Y tế để tìm hiểu xem hàm lượng sắt vượt ngưỡng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người dân. Theo “Tổng hợp kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ trên địa bàn Hà Tĩnh” trên trang web của Bộ TN&MT có thể thấy thông số Fe tại một số bãi biển Hà Tĩnh vượt ngưỡng nhưng chỉ vượt trong thời gian 1 ngày.

Cụ thể, ngày 1/6, kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT cho thấy, bãi tắm Kỳ Ninh, Thạch Hải có hàm lượng Fe vượt quy chuẩn cho phép (bãi tắm Thạch Hải: thông số Fe là 0,52 mg/l; bãi tắm Kỳ Ninh 0,57 mg/l. Trong khi đó, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển là 0,5 mg/l). Nhưng ngày 2/6, thông số Fe của 2 bãi biển này lại nằm trong ngưỡng cho phép (bãi tắm Thạch Hải 0,34 mg/l; bãi tắm Kỳ Ninh 0,2 mg/l). Hay mới đây nhất, ngày 5/6, thông số Fe ở biển Thạch Hải lại vượt ngưỡng khi đạt 0,75 mg/l nhưng ngày 6/6 lại trở về mức an toàn khi đạt 0,3 mg/l…

Tham khảo ý kiến về những vấn đề liên quan đến thông số Fe vượt ngưỡng trong nước biển, Tiến sỹ Trần Viết Cường (Trường Đại học Hà Tĩnh) cho biết, sắt không phải chất độc nên không ảnh hưởng đến việc tắm hay các hoạt động khác trên biển nào của con người. Tuy nhiên, nó được coi là chất gián tiếp gây tác động đến môi trường thủy sinh. Thời gian đầu, khi sắt bị hòa tan trong nước với nồng độ lớn, quá trình ôxy hóa của sắt sẽ làm giảm hàm lượng ôxy và giảm độ pH trong nước biển, điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi đến đời sống động thực vật thủy sinh.

Trả lời về kết quả hàm lượng sắt quan trắc có sự thay đổi và chỉ vượt ngưỡng thường vào thời điểm biển động, sóng lớn, Tiến sỹ Trần Viết Cường cho biết, môi trường biển là môi trường có sự nhiễu động lớn gây ra bởi nhiều yếu tố như sóng, gió, thủy triều, dòng hải lưu… dẫn đến việc thay đổi nồng độ sắt khi quan trắc là chuyện dễ hiểu. Bên cạnh đó, sắt khi bị ôxy hóa sẽ tạo ra kết tủa dạng bông cặn màu vàng và thường nằm ở phần trầm tích, khi biển động, sóng lớn sẽ làm xáo trộn và dịch chuyển trong nước dẫn đến việc chúng ta có thể quan trắc được. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của sắt tới môi trường biển, cần phải có những nghiên cứu đánh giá một cách hệ thống và bài bản để đưa ra nhận định chính xác hơn.

Theo baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận