02:33 | 10-05-2016

Hiện đại hóa nền hành chính từ hạ tầng đến con người

Là một trong 4 xã triển khai thí điểm mô hình một cửa, một cửa liên thông, thời gian qua, việc giải quyết các TTHC tại xã Đồng Lộc (Can Lộc) đã đạt được những kết quả tích cực, tạo sự hài lòng cho người dân. Có mặt tại bộ phận giao dịch một cửa của xã, điều chúng tôi ghi nhận được là không khí cởi mở, thân thiện.

Mô hình một cửa, một cửa liên thông đã giúp bà con giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho các TTHC. Hiện nay, hệ thống một cửa, một cửa liên thông của Đồng Lộc đã tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa ở 5 lĩnh vực: văn hóa, LĐ-TB&XH, tư pháp, đất đai, các thủ tục liên quan đến ngành công an.

hien dai hoa nen hanh chinh tu ha tang den con nguoi

Cán bộ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông xã Thạch Bằng (Lộc Hà) hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên thông.

Bà Nguyễn Thị Phương - một người dân chia sẻ: “Trước đây, khi đến làm thủ tục về bảo hiểm cho trẻ em thì phải đi lòng vòng qua nhiều nơi xin xác nhận với nhiều loại thủ tục, ít nhất cũng phải mất trên 10 ngày mới làm xong. Nhưng nay nhờ áp dụng hệ thống máy tính hiện đại nên chỉ cần 1 tuần là xong”.

Theo báo cáo của BCĐ Công nghệ thông tin tỉnh, đến cuối tháng 3/2016, có trên 95% cơ quan cấp tỉnh, huyện; trên 65% cấp xã triển khai việc nhận, gửi văn bản điện tử qua mạng, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện có trang điều hành tác nghiệp trực tuyến, cổng, trang thông tin điện tử, công khai bộ TTHC, lịch công tác cũng như các thông tin về mọi mặt đời sống của địa phương, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cập nhật, tra cứu.

Ngoài ra, tỉnh đã cung cấp được hơn 401 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, phục vụ việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, để giảm thời gian, chi phí đi lại cho các địa phương, hiện nay, tỉnh đã hoàn thành hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối từ tỉnh đến 13/13 huyện, thị, thành phố, liên thông với Chính phủ và các bộ, ngành, phục vụ tốt các hội nghị trực tuyến trong tỉnh và toàn quốc.

Đến nay, 85% cán bộ cấp xã đã được phổ cập kỹ năng công nghệ thông tin, 100% cán bộ cấp tỉnh, huyện chuyên trách công nghệ thông tin được chuẩn hóa kỹ năng, nghiệp vụ. Cơ bản cán bộ cấp xã đều sử dụng thành thạo các phần mềm dùng chung về gửi nhận văn bản, xử lý văn bản và một số phần mềm thông dụng.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện đại hóa nền hành chính cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên hiện nay, nhiều xã vẫn chưa đủ hệ thống máy tính và các thiết bị để phục vụ việc tiếp nhận và xử lý các TTHC, nhất là tại một số xã vùng núi huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang...

Các địa phương đều phải trông chờ vào các dự án hỗ trợ hàng năm của tỉnh, Chính phủ. Nhiều đợt phổ cập kỹ năng tin học cho cán bộ cấp xã đã được tổ chức, tuy nhiên, hiện nay, phần lớn đội ngũ này chỉ mới thực hiện thành thạo các phần mềm đơn giản mà chưa thực hiện được các phần mềm áp dụng trong từng lĩnh vực cụ thể. Đây là một trong những điểm mấu chốt khiến cho việc triển khai nhân rộng mô hình một cửa, một cửa liên thông còn gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, theo Trưởng phòng Quản lý công nghệ thông tin Lê Văn Dũng, dù đã triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc, nhưng hiện nay, còn một bộ phận cán bộ vẫn sử dụng cách làm thủ công thông thường. Ngay cả người dân và doanh nghiệp nhiều nơi khi đến giao dịch vẫn chưa mặn mà với các tiện ích về công nghệ thông tin. Minh chứng rõ nét nhất là dù hiện nay tỉnh đã cung cấp được khoảng 401 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tuy nhiên, mức độ ứng dụng vào thực tế giải quyết công việc chỉ nằm ở mức 10-15% tổng số hồ sơ.

Chính vì vậy, bên cạnh đầu tư hệ thống hạ tầng thì việc thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho cả cán bộ, người dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng các tiện ích công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC là một yếu tố quan trọng để hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh.

Theo baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận