Nếu được can thiệp kịp thời, theo đúng liệu trình, khả năng điều trị bệnh cong vẹo cột sống sẽ đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, tỷ lệ mắc cong vẹo cột sống chung của khối học sinh THCS ở Hà Tĩnh khoảng 6,79%. Trong đó, tỷ lệ mắc cao nhất là các khu vực miền núi với 15,51%. Vì vậy, cong vẹo cột sống ở học sinh là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Trước thực trạng đó, tháng 7/2015, Sở KH&CN Hà Tĩnh đã đồng ý cho Bệnh viện Phục hồi chức năng thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp phòng chống cong vẹo cột sống ở học sinh THCS trên địa bàn Hà Tĩnh”, do bác sỹ Nguyễn Thị Diện – Giám đốc Bệnh viện làm chủ nhiệm.
Em T.T.D (học sinh lớp 9, Trường THCS Hà Huy Tập, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Ban đầu, em cảm thấy mệt, khó thở, được gia đình đưa đi khám nhưng không phát hiện được bệnh gì. Cho đến khi được nhà trường cho đi khám sàng lọc thì mới biết em bị cong vẹo cột sống. Sau khi được khám và điều trị theo liệu trình, các bài tập và mặc áo nẹp cột sống, đến nay, không còn cảm giác mệt và khó thở như trước”.
Chị Trần Thị Thủy - phụ huynh học sinh tâm sự: “Thực tế, gia đình chưa quan tâm nhiều và thiếu kiến thức về bệnh cong vẹo cột sống của con trẻ. Nếu không có chương trình khám sàng lọc thì không chỉ con tôi mà nhiều học sinh khác cũng không được phát hiện và chữa trị sớm”.
Sau 18 tháng triển khai nghiên cứu trên tổng số 3.902 học sinh THCS tại một số trường học, ngoài việc đánh giá thực trạng tình hình cong vẹo cột sống ở học sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, nhóm thực hiện đề tài còn biên soạn thành công cẩm nang phòng chống cong vẹo cột sống ở học sinh và đề xuất các giải pháp phòng chống. Ngoài ra, các nhà khoa học còn tiến hành điều tra khảo sát, khám sàng lọc và chọn 60 bệnh nhân cong vẹo cột sống tại 8 trường THCS ở Hà Tĩnh; điều trị phục hồi chức năng, giám sát, thu thập số liệu, đánh giá kết quả điều tra cho bệnh nhân theo mẫu đã chọn và xây dựng phác đồ điều trị phục hồi chức năng tại cộng đồng phù hợp với địa phương cho trẻ em bị cong vẹo cột sống mức độ 1 và 2.
Bác sỹ Thân Thị Đan Ny - Phó Trưởng khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Phục hồi chức năng) cho hay: “Đây là loại bệnh tưởng đơn giản nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng về sau, đặc biệt đối với nữ giới. Nguyên nhân chính là do các em thiếu vận động, ngồi học không đúng tư thế hoặc bàn ghế không phù hợp với tiêu chuẩn quy định. Bệnh có 4 cấp độ, trong phạm vi đề tài nghiên cứu, chúng tôi tiến hành can thiệp cho 60 học sinh ở cấp độ 1 và 2 (cấp độ 3 trở lên phải phẫu thuật). Quá trình điều trị cho thấy kết quả tích cực.
Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nguyễn Thị Diện cho biết: “Quá trình nghiên cứu đề tài cho thấy sự hiểu biết của giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh về cong vẹo cột sống hiện nay còn rất hạn chế. Hệ quả của căn bệnh này khiến học sinh ngồi học không được ngay ngắn, cản trở cho việc đọc, viết và làm căng thẳng thị giác, cản trở tập trung trí não. Bệnh còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi, sự phát triển của khung chậu, do đó, ảnh hưởng đến việc sinh nở của nữ sinh khi đến tuổi làm mẹ sau này. Vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm, phòng bệnh cũng như phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời cho trẻ. Về lâu dài, ngành giáo dục cần xây dựng các chuẩn về kiểm soát tư thế ngồi học, trong một lớp học có thể có nhiều kích cỡ bàn ghế phù hợp với tầm vóc của học sinh”.
Dương Chiến/Baohatinh.vn