07:23 | 26-06-2018

Hội nghị giao ban KH&CN Vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIII

giaobanvung 1

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được về KH&CN của Vùng. Hoạt động KH&CN của các tỉnh trong Vùng đã có nhiều đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều vấn đề đã được nghiên cứu, tạo lập cơ sở khoa học cho các cấp uỷ Đảng, Chính quyền làm tốt hơn công tác quản lý, điều hành, hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nổi bật nhất là đóng góp từ hoạt động KH&CN của Vùng trong công tác tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, giúp đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; tập trung nghiên cứu, tuyển chọn, thử nghiệm các giống mới, giống lai có năng suất cao và chất lượng tốt đưa vào sản xuất, phù hợp với điều kiện từng địa phương; nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN theo chuỗi giá trị. Các tỉnh đã quan tâm nhiều hơn tới hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án nhằm cải tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, làm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Theo Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), giai đoạn 2016-2018, ngành KH&CN cả nước đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong hoạt động KH&CN. Điển hình là phát triển KH&CN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; kiện toàn cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) 2017… Trong bối cảnh đó, các Sở KH&CN vùng Bắc Trung Bộ đã tích cực chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện công tác quản lý, phát triển KH&CN trên địa bàn, giúp hoạt động KH&CN có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu và phát triển KH&CN góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ nói chung. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động KH&CN của các địa phương trong Vùng cũng còn tồn tại một số hạn chế, nhất là trong việc lựa chọn các nhiệm vụ mang tính liên vùng nhằm giải quyết các vấn đề lớn còn ít; nhiệm vụ nghiên cứu triển khai còn dàn trải; việc thu hút các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cũng còn chưa nhiều…

giaobanvung 2

Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau trao đổi, đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW Khóa XI về “Phát KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; triển khai thực hiện Luật KH&CN 2013, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2020. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến phát triển KH&CN của Vùng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Vùng theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ, thời gian qua nhận thức về vai trò, vị trí của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ đã có những bước chuyển động đáng mừng. Bộ trưởng đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm của Lãnh đạo các Sở, đồng thời ghi nhận sự vào cuộc của các đơn vị trực thuộc Bộ trong việc xem xét, xử lý các đề nghị của địa phương. Bộ trưởng lưu ý, trong thời gian tới, các tỉnh cần tăng cường liên kết vùng trong các hoạt động lựa chọn triển khai các nhiệm vụ KH&CN trọng tâm, có thế mạnh của vùng, địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác và phát triển các sản phẩm có lợi thế của vùng, của địa phương. Đặc biệt là ưu tiên lấy doanh nghiệp làm trung tâm để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng cao, giúp giải quyết được vấn đề đồng bộ theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương và vùng.

Theo http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận