03:10 | 31-08-2021

Hội thảo khoa học “Các vấn đề xã hội và phát triển con người vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Hội thảo nhằm trao đổi và thảo luận về thực trạng các vấn đề xã hội gắn với phát triển con người ở vùng Bắc Trung Bộ trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như của vùng; các giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội nhằm góp phần thúc đẩy phát triển con người vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tham dự hội thảo, ngoài Ban lãnh đạo và các viên chức của Viện Nghiên cứu Con người, có sự góp mặt của các đại biểu khách mời, các nhà khoa học, quản lý đến từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh, Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh; Trường Chính trị Trần Phú, Trường Đại học Hà Tĩnh; đại diện Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học khác: Đại học Vinh, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Đại học Huế, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, Đại học Công đoàn Hà Nội; một số Viện Nghiên cứu trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như Viện Xã hội học, Viện Địa lý Nhân văn, Viện Khoa học xã hội miền Trung bộ.

Khai mạc Hội thảo

Ban chủ tọa Hội thảo gồm có: PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; ThS. Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh; TS. Đào Thị Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; TS. Nguyễn Đình Tuấn, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Con người, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ThS. Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh vai trò của con người, nguồn lực con người trong phát triển kinh tế xã hội của vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và bối cảnh cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ Tư. Để thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế xã hội của vùng, cần có những giải pháp mạnh mẽ trong đó vấn đề con người, nguồn lực con người cần có sự quan tâm, đầu tư bên cạnh nhiều nguồn vốn quan trọng khác.

T hS. Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh

phát biểu khai mạc

Trong báo cáo đề dẫn, TS. Đào Thị Minh Hương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người cũng nhấn mạnh việc Phát triển con người toàn diện là một trong những mục tiêu quan trọng được nêu ra trong Định hướng phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Bắc Trung Bộ là một trong bảy vùng kinh tế của Việt Nam, nằm ở vị trí cầu nối chiến lược giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Nam Bộ. Vùng Bắc Trung Bộ (gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước. Kinh tế tăng trưởng còn chậm, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực của vùng Bắc Trung Bộ đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tỉ lệ lao động thất nghiệp của vùng vẫn ở mức cao so với cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp. Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sự cố môi trường. Để giải quyết những thách thức đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội, phát triển con người của Việt Nam, của các địa phương trong bối cảnh mới, cần sự chung tay của không chỉ của các nhà xây dựng chính sách, thực hiện chính sách của chính phủ, các bộ ngành, địa phương mà cần cả sự góp sức các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu để đưa ra luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực thi chính sách phát triển.

TS. Đào Thị Minh Hương, Viện Nghiên cứu Con người phát biểu đề dẫn hội thảo

Hội thảo đã nhận được 28 bài tham luận. Ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn 7 bài trình bày thành hai phiên.

Phiên thứ nhất, Các vấn đề văn hóa, giáo dục và phát triển con người. Trong phiên này, có 3 báo cáo được lựa chọn trình bày.

Tham luận thứ nhất: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng được đào tạo tại vùng Bắc Trung Bộ trước các thách thức về việc làm trong môi trường AEC” do ThS. Trần Nguyên Hào, Trường Đại học Hà Tĩnh trình bày

ThS. Trần Nguyên Hào, Trường ĐH Hà Tĩnh trình bày tham luận tại Hội thảo

Báo cáo đã khái quát chung về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và thách thức của AEC đối với nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng tại Việt Nam nói chung, tại vùng Bắc Trung Bộ nói riêng. Diễn giả cho rằng, thách thức lớn nhất là cơ hội việc làm bị cạnh tranh bởi lao động nước ngoài sẽ di chuyển đến Việt Nam làm việc trong tương lai. Số lượng còn ít và chất lượng nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng được đào tại vùng Bắc Trung Bộ hiện nay chưa đồng đều, tồn tại nhiều hạn chế. Từ thực tế đó, báo cáo đưa ra một số giải pháp về phía các trường đào tạo và về phía sinh viên để nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn chung của AEC, có khả năng hội nhập và khả năng cạnh tranh cao về việc làm.

Tham luận thứ hai: “Vai trò của giáo dục trong vốn con người và phát triển con người - một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại vùng miền núi Bắc Trung Bộ” do TS. Nguyễn Thị Lê, Viện Nghiên cứu Con người trình bày.

TS. Nguyễn Thị Lê, Viện Nghiên cứu Con người trình bày tại Hội thảo

Từ tài liệu thứ cấp, diễn giả chỉ ra rằng tỷ lệ nghèo đa chiều có tương quan mạnh mẽ với trình độ giáo dục của chủ hộ. Theo số liệu thống kê mới nhất, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có tỉ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều cao hơn mức trung bình của cả nước (4.8/6.5). Do vậy, giáo dục được xem là chìa khóa để khu vực miền núi Bắc Trung Bộ thoát nghèo và phát triển toàn diện. Báo cáo khẳng định có nhiều khác biệt về giáo dục giữa cách tiếp cận Vốn con người và Năng lực con người. Giáo dục cần được coi là con đường thiết yếu để giúp mọi người khám phá năng lực của họ để họ có thể trở thành những gì họ muốn và học cách để được trao quyền nhằm thay đổi xã hội của họ. Miền núi Bắc Trung Bộ có thể áp dụng giáo dục theo cách tiếp cận này để hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện.

Tham luận thứ ba: “Tinh thần hiếu học - một trong những giá trị truyền thống cấu thành vốn con người trong phát triển hiện nay ở Bắc Trung Bộ” do TS. Đậu Thị Hồng, Trường Đại học Hà Tĩnh trình bày

TS. Đậu Thị Hồng - Đại học Hà Tĩnh trình bày tham luận tại Hội thảo

Hiếu học là một truyền thống và hơn thế nữa nó còn được định hình thành một giá trị của con người Bắc Trung Bộ. Giáo dục, đào tạo được đặt nền móng từ truyền thống hiếu học sẽ là điều kiện quan trọng nhất làm gia tăng chất lượng của nguồn nhân lực và đảm bảo cơ cấu về số lượng lao động một cách hợp lý trong từng ngành, lĩnh vực. Chính nhờ truyền thống ham học hỏi, vùng Bắc Trung Bộ đã xây dựng được đội ngũ trí thức, hiện nay có vai trò quyết định trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, giúp đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng nói riêng và đất nước nói chung. Thực tế đã chứng minh những thập niên gần đây, Bắc Trung Bộ đã phát huy được rất nhiều lợi thế của mình trong phát triển. Để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, cần phát huy truyền thống hiếu học nhằm giải bài toán về xây dựng và sử dụng nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao với những bước đột phá sẽ là điều kiện quan trọng cho sự bứt phá của vùng Bắc Trung Bộ.

Thảo luận tại phiên 1, hội thảo đã nhận được một số ý kiến chia sẻ của các thành viên tham dự đối với 3 tham luận đã trình bày. Một số vấn đề đáng lưu ý như một số thách thức của lao động nước ta là tính chuyên nghiệp, phẩm chất xã hội và ý thức xã hội, những yếu tố này không thể đào tạo một sớm một chiều, do vậy cần có sự quan tâm trong chương trình giáo dục đào tạo để từng bước cải thiện và làm hạn chế những yếu tố cản trở trong nguồn lực con người. Vấn đề giảng dạy đối thoại, lấy người học là trung tâm cũng cần quan tâm mức độ giáo dục như nào cho phù hợp. Mức độ giáo dục còn tùy thuộc vào trình độ của bản thân người tham gia, đòi hỏi họ có vốn kiến thức cơ bản như nào mới có thể tiếp thu, tích lũy được. Một vấn đề đã nói nhiều nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ đó là Giáo dục của chúng ta là “giáo dục chay” quá nhiều, học sách vở quá nhiều mà thiếu thực tiễn, thiếu việc học từ thực tiễn. Ngoài ra, trong giáo dục năng lực cũng cần xác định loại năng lực nào cần ưu tiên phát triển, các năng lực mang tính chuyên nghiệp, kĩ năng nghề nghiệp cần phù hợp với điều kiện mới hiện nay. Một vấn đề nữa trong giáo dục cần quan tâm đó là giáo dục nhân cách, tính kỷ luật, tôn trọng quy định pháp luật vì đó là một trong những yếu tố quan trọng của lực lượng lao động khi tham gia thị trường lao động quốc tế.

Liên quan bài tham luận về tinh thần hiếu học, có thể thấy tính hiếu học là giá trị chung của nhân loại chứ không riêng của Việt Nam. Việt Nam nói chung và vùng Bắc Trung Bộ cần gắn tính hiếu học với thực tiễn và có khả năng ứng dụng cao. Phải nhận diện giá trị những yếu tố tích cực và tiêu cực trong truyền thống để phát huy những cái có lợi tích cực cho phát triển. Tương tự trong phát huy vai trò của gia đình và dòng họ cũng vậy, cần có sự phân định để phát huy giá trị tích cực.

Về phát triển lực lượng lao động, cũng cần xem xét bối cảnh để có các chính sách thúc đẩy phát triển hợp lý, với vùng nào, khu vực nào, giai đoạn nào phát triển lực lượng lao động có trình độ thấp, lao động chất lượng cao hay nguồn nhân lực chất lượng trung. Trong bối cảnh hiện nay và thời gian sắp tới, cần tập trung đến nguồn nhân lực bậc trung để có thể tăng thị phần lao động ở nước ngoài đồng thời không bị mất thị phần trong nước. Ngoài ra, một số vấn đề sát với thực tiễn địa phương cần được xem xét thấu đáo hơn như một số vấn đề xã hội phát sinh khi nguồn lao động chất lượng cao của vùng Bắc Trung Bộ giảm đi nhiều do không được sử dụng hết tại địa phương, phải ly hương hay làm sao phát huy nguồn lực tại chỗ và có đóng góp cho sự phát triển của địa phương, của vùng.

ThS. Thái Sinh, Phó Trưởng ban văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh

phát biểu, trao đổi tại Hội thảo

Phiên thứ hai: Các vấn đề kinh tế, xã hội và phát triển con người. Trong phiên này có một số tham luận trình được trình bày:

Tham luận “Phát triển con người các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ: một vài phân tích từ chiều cạnh sức khỏe” do TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện Nghiên cứu Con người trình bày.

TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện Nghiên cứu Con người trình bày tại Hội thảo

Báo cáo tập trung phân tích những chỉ báo liên quan đến thúc đẩy phát triển con người (dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em) và thành tựu đạt được về tuổi thọ. Tuy nhiên, để làm rõ những kết quả đạt được từ chiều cạnh sức khỏe, thực trạng cơ sở y tế (bệnh viện, phòng khám, trạm y tế) và nguồn nhân lực y tế (bác sĩ) sẽ được phân tích như là điều kiện ảnh hưởng đến chiều cạnh sức khỏe trong phát triển con người ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, một số địa phương vẫn còn hạn chế về điều kiện cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng như chất lượng cơ sở khám chữa bệnh, khoảng cách từ nhà đến các cơ sở y tế xa, số giường bệnh và bác sĩ trên vạn dân thấp... Những hạn chế này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp để nâng cao sức khỏe cho người dân các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là đối với người dân sống ở những vùng còn bị hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tham luận “Các nguồn lực tăng trưởng kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và vai trò của vốn con người: một tiếp cận thực nghiệm” do TS. Hoàng Hồng Hiệp, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ trình bày.

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ trình bày tham luận

Sử dụng các mô hình kinh tế lượng trong nghiên cứu ước lượng tác động của nguồn vốn con người đến tăng trưởng kinh tế vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2008-2018, báo cáo cho thấy vốn con người có tác động khá quan trọng đến tăng trưởng kinh tế các địa phương trong vùng. Từ kết quả nghiên cứu, diễn giả đã gợi mở một số hàm ý chính sách nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của vốn con người và định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng vùng Bắc Trung Bộ trong thời gian tới: Tiếp tục nâng cao hơn nữa đóng góp của vốn con người trong tăng trưởng kinh tế toàn vùng thông qua phát triển giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nội vùng; Trung ương và các địa phương cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; các địa phương vùng Bắc Trung Bộ cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích trọng điểm vào các ngành nghề mà vùng có lợi thế so sánh, từ đó đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn FDI, các nguồn vốn tư nhân có chất lượng đầu tư vào những ngành kinh tế gắn với khai thác lợi thế so sánh đặc thù của vùng.

Tham luận “Thực trạng biến đổi đời sống của người dân Bắc Trung Bộ (từ kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam)” do ThS. Trương Thị Ly, Trường Đại học Công đoàn trình bày.

ThS. Trương Thị Ly, Trường Đại học Công đoàn trình bày tham luận tại Hội thảo

Báo cáo đưa ra một số số liệu minh chứng cho quá trình biến đổi đời sống của người dân Bắc Trung Bộ trong những năm từ 2008 đến 2018. Các chỉ báo như: sự tăng trưởng về thu nhập, sự biến đổi về chi tiêu, những biến đổi về nhà ở, đồ dùng lâu bền, tỷ lệ giảm hộ nghèo và những đánh giá chủ quan của người dân về sự biến đổi của đời sống gia đình mình cũng được phân tích và bàn luận để làm rõ sự biến đổi đời sống của người dân vùng Bắc Trung Bộ trong hơn 10 năm vừa qua. Cũng theo diễn giả, trong quá trình phát triển vùng Bắc Trung Bộ cần tiếp tục đẩy mạnh giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện để người dân cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại phiên này, Hội thảo cũng nhận được một số ý kiến phát biểu chia sẻ và làm rõ hơn một số vấn đề đã nêu, đặc biệt về vai trò của vốn con người trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Theo Worldbank, cải thiện chỉ số vốn con người rất quan trọng trong giảm nghèo. Làm rõ đặc trưng vốn con người mà cụ thể là của lực lượng lao động đã qua đào tạo có đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế của vùng; và bối cảnh nào, yếu tố nào khác dẫn tới sự đóng góp của lực lượng lao động đã quá đào tạo tới sự phát triển kinh tế của vùng để có chính sách đầu tư nhằm cải thiện, nâng cao nguồn vốn con người một cách hiệu quả nhất. Việc đầu tư vào vốn con người cần có trọng điểm theo điều kiện và thời gian thực tiễn và cần đặt trong mối liên hệ với thể chế, môi trường, xuất phát điểm của nền kinh tế, hay đặc thù ngành kinh tế.

Vấn đề giáo dục đào tạo nguồn nhân lực của vùng đáp ứng yêu cầu nhân lực trong bối cảnh mới, trong đó tập trung vào trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đặc biệt là các kĩ năng mềm như kĩ năng thuyết trình, làm việc nhóm,… Ngoài ra, vấn đề giáo dục tiếp tục/ giáo dục cho người lớn cần được quan tâm đầu tư và phát triển hơn nữa, giúp cho mỗi người được phát triển thêm về nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi, nâng cao các kĩ năng mà bản thân họ thấy còn thiếu. Loại hình giáo dục này có ý nghĩa lớn trong giáo dục kĩ năng, nhân cách, hay các kĩ năng mềm.

Trước bối cảnh và nhu cầu của dịch chuyển lao động, những thách thức đặt ra nhiều, các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ cần quan tâm làm thế nào để vẫn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và làm thế nào để địa phương không bị chảy máu chất xám, hay nói cách khác làm thế nào để lao động có thể dịch chuyển trong nội vùng hay ngoại vùng thì vẫn đảm bảo lao động bền vững.

ThS. Nguyễn Thị Huệ, Viện Nghiên cứu Con người   trao đổi tại Hội thảo

TS. Nguyễn Thị Lê, Viện Nghiên cứu Con người    trao đổi tại Hội thảo

Trong phát biểu bế mạc, PGS TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người khái quát những nội dung đã được trình bày tại hội thảo. Các tham luận cũng như các ý kiến tập trung làm rõ khía cạnh của phát triển con người, phát triển vốn con người và nguồn nhân lực của vùng Bắc Trung Bộ. Các thông tin chia sẻ rất phong phú, từ nhiều khía cạnh khác nhau cho thấy sự phát triển con người có mối liên hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế, phát triển xã hội và môi trường. Sự phát triển con người, vốn con người, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội. Để thúc đẩy sự phát triển con người, vốn con người và nguồn nhân lực cần một số các giải pháp liên quan đến đến sự đầu tư cho giáo dục đào tạo, đặc biệt là hình thức giáo dục trọn đời, giáo dục kĩ năng, phẩm chất xã hội, giáo dục nhân cách, ý thức pháp luật, tính kỷ luật, đào tạo nâng cao tính chuyên nghiệp v.v… Đồng thời nhấn mạnh quan điểm không đánh đổi các mục tiêu phát triển khác lấy sự phát triển kinh tế.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người

phát biểu bế mạc Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê gửi lời cảm ơn tới Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, các đơn vị của các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã tham gia hội thảo, các diễn giả đã quan tâm gửi bài tham luận và trình bày tại hội thảo và hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động trao đổi học thuật hơn nữa giữa Viện Nghiên cứu Con người với các cá nhân cũng như các đơn vị để các kết quả nghiên cứu được lan tỏa và có ý nghĩa đóng góp vào sự phát triển của vùng miền cũng như sự phát triển chung của cả nước.

Theo Thu Hà & Nguyễn Thắm / http://ihs.vass.gov.vn/

Một số hình ảnh tại hội thảo:

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận