Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phấn đấu, nỗ lực của toàn thể Đảng bộ và nhân dân, Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015 có bước phát triển khá nhanh; công tác (hoạt động) quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm đúng mức; công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục toàn diện được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng kéo theo nhiều vấn đề xã hội nảy sinh cần quan tâm giải quyết.
Tại hội thảo, đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo đến từ các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, dịch vụ công và xung đột xã hội, tệ nạn xã hội,.
Với 12 tham luận, 58 bài viết tại Hội thảo, các tác giả đã tập trung làm rõ những vấn đề xã hội đang đặt ra hiện nay nhất là những vấn đề phát sinh trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công, giải quyết các xung đột xã hội, tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời đã làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết những vấn đề đó đối với sự phát triển bền vững của Hà Tĩnh, trong đó, đã tập trung làm rõ những vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, đã làm rõ những quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, Đảng bộ và chính quyền Hà Tĩnh trong việc giải quyết các vấn đề xã hội nói trên ở Hà Tĩnh, cung cấp một cách nhìn có hệ thống quá trình phát triển nhận thức của Đảng và nhà nước ta về giải quyết các vấn đề xã hội, kinh nghiệm, cách làm hay trong giải quyết các vấn đề xã hội ở trên thế giới và các địa phương. Kết quả nghiên cứu trên đã góp phần vào việc xây dựng tư duy hệ thống, đảm bảo tính khoa học trong việc hoạch định các cơ chế chính sách để giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là những vấn đề đang đặt ra cấp bách ở tỉnh ta hiện nay.
Thứ hai, đã làm rõ vấn đề giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng và động lực tinh thần cho sự phát triển bền vững ở địa phương, phân tích một cách đa chiều, toàn diện và sâu sắc về những vấn đề liên quan đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhận diện các yếu tố tác động tích cực, tiêu cực đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều bài viết đi sâu phân tích đánh giá thực trạng, nêu bật những thách thức đang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làm cơ sở, căn cứ khoa học để đánh giá đúng thực trạng và giải pháp đặt ra trong thời gian tới.
Thứ ba, đối với việc giải quyết các xung đột xã hội, tệ nạn xã hội, đã tập trung làm rõ nguyên nhân làm phát sinh các xung đột xã hội, tệ nạn xã hội trên địa bàn; vai trò trụ cột của chính quyền cơ sở trong việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột xã hội, tệ nạn xã hội đưa ra các tiếp cận và giải pháp để giải quyết các xung đột xã hội, tệ nạn xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Thứ tư, đối với vấn đề dịch vụ công, trên cơ cở làm rõ thực trạng về cung cấp dịch vụ công ở Hà Tĩnh, các tác giả đã phân tích chỉ rõ những áp lực đặt ra đối với lĩnh vực này, đưa ra những giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy vai trò của nhà nước trong việc quản lý cung ứng đảm bảo tốt các dịch vụ công ở Hà Tĩnh tron thời gian tới.
Bằng các tham luận, thảo luận tâm huyết, sôi nổi, các đại biểu đã phản ánh nhiều góc độ khác nhau, đưa ra nhiều đánh giá chính xác, khách quan về thực trạng, chỉ rõ những nhân tố, thách thức đang đặt ra cho sự phát triển bền vững. từ đó, góp phần tìm ra các giải pháp có hiệu quả trong việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới./.
Tin, ảnh: Lê Đình Hùng