14:35 | 26-05-2022

Họp Hội đồng khoa học công nghệ xác định nội dung và dự toán kinh phí hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND năm 2022

Trước thực trạng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại Hà Tĩnh gây ra tình trạng hôi thối và ô nhiễm môi trường; các loại bệnh dễ phát sinh trên Cà chua và các loại cây họ bầu bí; sản xuất các loại giống cây dược liệu theo truyền thống... Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh đề xuất thực hiện các nhiệm vụ:

1. Nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ vi sinh vật và enzyme sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường các lò mổ tại Hà Tĩnh.

Mục tiêu: Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường tại các lò giết mổ; Áp dụng thử nghiệm thành công xử lý môi trường tại 3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại Hà Tĩnh

Thông qua hồ sơ thuyết minh và thực trạng các lò giết mổ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng đánh giá việc triển khai nhiệm vụ rất cần thiết. Sản phẩm của nhiệm vụ góp phần xử lý ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình giết mổ, tạo môi trường trong sạch cho công nhân làm việc và môi trường xung quanh. Có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn được dịch bệnh... Tuy nhiên, Hội đồng đề nghị đơn vị chủ trì bổ sung thực trạng, số liệu các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó xác định nội dung và các giải pháp triển khai thực hiện, đề xuất phương án nhân rộng.

2. Nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm vi sinh từ chủng Pseudomonas.spp phòng trị bệnh thối rễ, héo xanh, đốm lá, thán thư và sương mai trên họ cà chua và bầu bí tại Hà Tĩnh.

Mục tiêu đề xuất: Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công chế phẩm sinh học chứa vi khuẩn Pseudomonas spp có khả năng phòng và trị bệnh thối rễ, héo xanh, đốm lá, thán thư, phấn trắng và sương mai trên họ cà chua và bầu bí. Phối hợp với các địa phương xây dựng 03 mô hình thử nghiệm chế phẩm (01 mô hình trên cà chua, 02 mô hình trên Bầu bí)  với quy mô: 2 ha.

Hội đồng đánh giá, chế phẩm vi sinh từ chủng Pseudomonas.spp sẽ giúp Hà Tĩnh có thêm sản phẩm KH&CN ứng dụng trong đời sống sản xuất cho người nông dân, nâng cao ý thức sản xuất an toàn, hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học trong phòng trừ bệnh hại cây trồng, sản xuất thân thiện với môi trường. Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ đó phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

3. Nhiệm vụ: Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô sản xuất giống cây Chà là và cây Địa liền nhằm cung cấp nguồn giống dược liệu tại Hà Tĩnh.

Mục tiêu đề xuất: Xây dựng thành công quy trình nhân giống invitro, sản xuất giống cây Chà là lấy quả nhằm cung cấp thêm nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dược liệu và giá trị dinh dưỡng cao; quy trình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật và phát triển sản xuất đối với giống cây Địa liền.

Cây Địa liền là một trong 28 cây dược liệu bản địa được chú trọng phát triển ở các vùng quy hoạch trồng cây dược liệu của cả nước. Hiện nay, nguồn giống chính của các vùng trồng là củ giống từ vụ trước để lại cho vụ trồng sau, thực tế này dẫn đến việc tồn trữ giống hàng năm gặp nhiều khó khăn và tốn kém, làm giảm hiệu quả kinh tế. Nhân giống vô tính bằng phương pháp nuôi cấy mô là phương pháp rất ưu việt, sản xuất cây giống sạch bệnh với số lượng lớn, giúp bảo quản và lưu giữ giống tốt mà ít tốn kém hơn, đồng thời chủ động được nguồn giống phục vụ sản xuất ở quy mô lớn... Hội đồng thống nhất cao với cây Địa liền. Còn với cây Chà là, Hội đồng đề nghị bổ sung thêm thông tin về tác dụng, hiệu quả, thích nghi với điều kiện thời tiết, giảm số lượng cây giống Chà là...

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng đề nghị đơn vị chủ trì tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Hội đồng, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện thuyết minh và gửi lại cho Hội đồng thẩm định, nếu đáp ứng, Hội đồng đề nghị cho triển khai.

PC

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận