00:49 | 13-05-2021

Hướng dẫn công tác bầu cử trong trường hợp diễn biến dịch Covid-19 phức tạp

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần.


- Hội đồng Bầu cử quốc gia vừa có hướng dẫn liên quan tới công tác chuẩn bị bầu cử khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bà có thể thông tin về việc cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch?

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của ủy ban bầu cử (UBBC) các cấp, quy trình tổ chức thực hiện bầu cử đã được Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình đó, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành một số văn bản để hướng dẫn các nội dung về bầu cử trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện nay, để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, nhiều tỉnh, thành phố đã tạm dừng một số hoạt động cũng như loại hình dịch vụ không thiết yếu. Đồng thời, các trường đại học, cao đẳng đã chuyển sang hình thức học trực tuyến. Cũng vì những lý do nói trên, lượng lớn người lao động và sinh viên, học viên rời thành phố lớn để về quê.

Điều này đã dẫn đến những biến động nhất định trong danh sách cử tri được niêm yết, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát thẻ cử tri và thực hiện quyền bầu cử của cử tri trong ngày 23/5 sắp tới.

22 xã, thị trấn tại huyện Thạch Hà đã hoàn tất việc niêm yết danh sách ứng cử viên trong sáng 3/5.


Theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, UBBC các cấp phải chỉ đạo tổ bầu cử phối hợp chặt chẽ với cán bộ thôn, tổ dân phố khẩn trương thực hiện việc rà soát danh sách cử tri trong quá trình phát thẻ cử tri.

Trong đó lưu ý các trường hợp cử tri có yêu cầu đặc biệt, như: ốm đau, già yếu, khuyết tật hoặc thuộc diện cách ly để phòng, chống dịch bệnh.

Lúc này, tổ bầu cử cần xác nhận lại nguyện vọng của cử tri (nhất là đối với cử tri tạm trú trên địa bàn) về việc sẽ bỏ phiếu bầu cử ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri hay ở nơi khác.

Trường hợp cử tri xác nhận bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì tổ bầu cử phát thẻ cử tri để người dân thực hiện quyển bầu cử.

Trường hợp cử tri đề nghị được bỏ phiếu ở nơi khác thì tổ bầu cử hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục về việc bỏ phiếu ở nơi khác theo quy định tại Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015.

Trường hợp đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu (7h ngày 23/5/2021) mà tổ bầu cử vẫn không thể liên hệ được với cử tri để phát thẻ cử tri (do cử tri có tên trong danh sách không có mặt tại nơi đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú), tổ bầu cử thông báo đến UBND cấp xã để xóa tên người đó trong danh sách cử tri.

Trường hợp cử tri đã được phát thẻ cử tri nhưng sau đó di chuyển đến nơi ở khác và vì lý do dịch bệnh mà không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã có tên trong danh sách cử tri; chậm nhất 24h trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, người dân mang thẻ cử tri đã được phát đến UBND cấp xã nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu để đề nghị được bổ sung vào danh sách cử tri và thực hiện quyền bầu cử tại nơi mới. UBND cấp xã nơi nhận được đề nghị có trách nhiệm thu lại thẻ cử tri đã được cấp trước đó, bổ sung danh sách cử tri và cấp thẻ cử tri mới để người dân tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu phù hợp trên địa bàn. Đồng thời thông báo ngay đến UBND cấp xã nơi đã phát thẻ cử tri cũ để thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác.

Các đại biểu tuân thủ nghiêm biện pháp phòng dịch trước khi bước vào hội nghị tiếp xúc cử tri


Đối với trường hợp đã có tên trong danh sách cử tri nhưng chưa nhận được thẻ, nay lại có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu tại địa phương khác, tuy nhiên do điều kiện phòng, chống dịch bệnh nên không thể quay về khu vực bỏ phiếu mà mình đã có tên trong danh sách cử tri để xin cấp giấy chứng nhận tham gia bỏ phiếu ở nơi khác, cử tri có thể đến UBND cấp xã nơi mình có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu để đề nghị được bổ sung vào danh sách cử tri và thực hiện bỏ phiếu trên địa bàn. UBND cấp xã phải tạo điều kiện thuận lợi để cử tri được bổ sung tên vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu phù hợp trên địa bàn và thông báo ngay đến UBND cấp xã nơi cử tri đã có tên trong danh sách cử tri trước đó để cập nhật thông tin về việc cử tri bỏ phiếu ở nơi khác.

Hội đồng Bầu cử quốc gia đề nghị các tổ chức phụ trách bầu cử có biện pháp chỉ đạo, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình biến động của cử tri trong danh sách cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị số lượng phù hợp các hòm phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu trong ngày bầu cử; bổ sung các con dấu “Đã bỏ phiếu" kèm theo hòm phiếu phụ, bảo đảm thuận tiện cho công tác tổ chức để cử tri không thể đến được phòng bỏ phiếu thực hiện quyền bầu cử.

Hà Tĩnh khẩn trương rà soát, cách ly và xét nghiệm đối với người về từ 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội (ảnh Đình Nhất).


- Vậy, việc kiện toàn các tổ chức phụ trách bầu cử có thành viên phải cách ly y tế sẽ diễn ra như thế nào, thưa bà?

Trường hợp các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương có thành viên là người tiếp xúc gần với người Covid-19 (hoặc F1, F2) dẫn đến phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà thì tùy tình hình, điều kiện thực tế và nhân sự cụ thể, các địa phương chủ động rà soát, bổ sung, thay thế thành viên tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử để vừa đảm bảo đủ số lượng theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, vừa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.

Khẩn trương tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho thành viên tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử mới được bổ sung, nhất là thành viên tổ bầu cử; có cơ chế, phương án sẵn sàng huy động, trưng tập thêm nhân sự phù hợp, có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về bầu cử tham gia giúp việc, hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử.

Cơ sở cách ly tại khu ký túc xá Mitraco (thị xã Kỳ Anh) (ảnh Hòa Dũng).


- Bà có thể cho biết quy trình tổ chức bỏ phiếu ở cơ sở cách ly tập trung sẽ ra sao?

Căn cứ vào điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương và quy mô, số lượng cử tri tại cơ sở cách ly tập trung, UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung xem xét, quyết định ghép danh sách cử tri ở cơ sở cách ly tập trung vào khu vực bỏ phiếu thích hợp. Bổ sung thêm thành viên tổ bầu cử đảm bảo đủ số lượng theo quy định, trong đó chú ý bổ sung thành viên là những người đang làm nhiệm vụ trong cơ sở cách ly tập trung, có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về bầu cử tham gia vào tổ bầu cử và tổ chức tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên mới bổ sung.

Tổ bầu cử, thành viên tổ bầu cử được phân công nhiệm vụ tổ chức để cử tri trong khu cách ly tập trung thực hiện việc bỏ phiếu; có trách nhiệm chuẩn bị hòm phiếu phụ, phiếu bầu cử, con dấu “Đã bỏ phiếu” và các điều kiện đảm bảo cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu tại cơ sở cách ly tập trung.

Đối với những nơi không thể chuyển ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh thì sau khi hết giờ bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử tại cơ sở cách ly tập trung được phép thực hiện việc kiểm phiếu theo quy định tại Điều 73 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND và báo cáo kết quả kiểm phiếu cho tổ trưởng tổ bầu cử bằng cách thức phù hợp.

Thành viên tổ bầu cử chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin về kết quả kiểm phiếu.

Sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp khử khuẩn, tiệt trùng, cách ly… cần thiết, thành viên tổ bầu cử chuyển hòm phiếu phụ, phiếu bầu cử đã được niêm phong cùng biên bản kết quả kiểm phiếu về tổ bầu cử.

Trường hợp cơ sở cách ly tập trung, địa bàn phải thực hiện phong tỏa có số lượng cử tri quá lớn hoặc có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung, địa bàn bị phong tỏa cân nhắc, có thể quyết định thành lập bổ sung khu vực bỏ phiếu riêng tại cơ sở cách ly tập trung, địa bàn bị phong tỏa sau khi báo cáo và được sự phê chuẩn của UBND cấp huyện. Trên cơ sở đó quyết định thành lập tổ bầu cử để chủ động phụ trách công tác bầu cử tại khu vực bỏ phiếu theo quy định.

Theo Báo Hà Tĩnh

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận