Chính sách tạo bước “đột phá”
Trải qua bao thăng trầm, nhưng khi con hươu có tên trong danh sách sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh thì tại các vùng miền núi Hương Sơn, Vũ Quang và vùng trà sơn Can Lộc, Thạch Hà… nghề nuôi hươu phát triển và sôi động trở lại. Từ nhu cầu của thị trường và chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương, nhiều mô hình nuôi hươu từ nhỏ lẻ đến gia trại quy mô lớn ngày một tăng, mang lại thu nhập cho người dân và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới.
Sơn Lâm (Hương Sơn) là nơi “quy tụ” nhiều mô hình nuôi hươu lấy nhung nhất nhì Hương Sơn. Gia trại chăn nuôi hươu của gia đình chị Hương ở xóm Lâm Đồng là một điển hình về chuyển phương thức nuôi từ nhỏ sang lớn của người dân nơi đây. Chị Hương cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi nhiều nhất cũng chỉ 5-7 con cắt lộc lấy nhung, mỗi năm cũng chỉ kiếm được hơn chục triệu đồng. Năm 2012, từ chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, tôi mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng, trong đó, huyện hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua thêm 50 con hươu giống. Bây giờ, tôi có cả đàn hươu 70 con, mỗi năm được 10 kg nhung, doanh thu trên 100 triệu đồng; bán con giống được 110 triệu đồng (trừ chi phí cũng thu lãi 100 triệu đồng/năm).
|
Theo anh Phan Xuân Đức - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, con hươu thực sự giúp người dân Hương Sơn thoát khỏi cái nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Chỉ tính riêng năm 2014, toàn huyện thu hoạch từ 8 - 9 tấn nhung hươu, trị giá trên 110 tỷ đồng. Nhằm khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi hươu, huyện có chính sách hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi cơ sở chăn nuôi mới với quy mô trên 50 con; 10 triệu đồng đối với cơ sở quy mô từ 10 con trở lên. Nhờ vậy, phong trào nuôi hươu lấy nhung trên địa bàn ngày càng phát triển.
Bây giờ, không chỉ ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa mà tại các vùng bán sơn địa như Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà cũng có chính sách khuyến khích người dân phát triển đàn hươu. Vùng trà sơn huyện Can Lộc có hộ ông Hoàng Bá Tứ - ở xóm Sơn Thủy (Mỹ Lộc); anh Nguyễn Huy Nhân và chị Nguyễn Thị Yến (Thượng Lộc) cũng đã đầu tư nuôi hàng chục con hươu, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Nuôi một vài con thì ở Can Lộc, Đức Thọ cũng đã có hàng trăm hộ tham gia.
Từ những chính sách hợp lý của tỉnh và các địa phương, trong những năm qua, phong trào nuôi hươu nái, nuôi hươu lấy nhung có bước đột phá mạnh mẽ. Tổng đàn hươu tăng nhanh, cuối năm 2014 đạt 35.000 con, tăng gần 47% so với năm 2011. Đặc biệt, đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 345 cơ sở chăn nuôi hươu cái từ 10 con trở lên, doanh thu từ 100 triệu - 1 tỷ đồng/năm, tập trung chủ yếu ở Hương Sơn (220 cơ sở), trong đó, 9 cơ sở 50 con trở lên.
Kỳ vọng “đầu ra” bền vững
Chăn nuôi hươu phát triển đồng nghĩa với sản lượng nhung ngày một tăng cao, do đó, đảm bảo “đầu ra” ổn định là hết sức cần thiết, tránh tình trạng giá cả bấp bênh như những năm trước, gây thất thu cho người chăn nuôi.
Ông Bùi Quang Hoàn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hàng năm, Công ty CP Dược Hà Tĩnh thu mua từ 0,6 - 0,8 tấn nhung hươu để sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng và Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Công nghệ Y sinh học thể thao Việt Nam (Hà Nội) sản xuất thực phẩm chức năng Cuhamin. Tuy nhiên, doanh nghiệp thu mua nhung hươu cho các hộ chăn nuôi còn ít, chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng nhung hàng năm. Hiện nhung hươu chủ yếu được tiêu thụ thông qua bán lẻ cho tiểu thương hoặc người dân mua để dùng hay làm quà biếu.
Để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào chế biến sản phẩm nhung hươu, năm 2014, tỉnh ban hành chính sách về tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thu mua nhung hươu trên địa bàn tỉnh, có hợp đồng tiêu thụ ổn định với các nhà máy chế biến nhung hươu, hoặc hệ thống phân phối nhung hươu trong và ngoài nước từ 2 năm trở lên, mức thu mua tối thiểu 300 kg/năm, được hỗ trợ 50% kinh phí mua trang thiết bị bảo quản, dự trữ phục vụ tiêu thụ, mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Đây thật sự là tín hiệu vui cho người dân nuôi hươu nhằm ổn định thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng với việc đảm bảo “đầu ra”, dự án Trung tâm Giống hươu Việt Nam vừa được khởi công tại huyện Hương Sơn tạo điều kiện cho người dân phát triển nuôi hươu theo chuỗi giá trị liên kết, chế biến thành các sản phẩm từ hươu có giá trị kinh tế cao…
Ông Dương Tất Thắng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh cho biết: Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn quỹ gen giống hươu Hương Sơn, đồng thời, xây dựng thị trường và quảng bá sản phẩm từ hươu thành thương hiệu độc quyền trong nước và quốc tế; cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thực phẩm chức năng... góp phần nâng cao hiệu quả nghề nuôi hươu và thu nhập cho nhân dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện cùng với việc bảo tồn, xây dựng thương hiệu hươu sao được chú trọng thì nghề nuôi hươu ở Hà Tĩnh lại tiếp tục “lên ngôi”.
Theo baohatinh.vn