Bản đồ số hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng được xây dựng dựa trên kỹ thuật về Quản trị tinh gọn Lean để tối ưu hóa, giúp chủ động quá trình chuyển đổi số và thực hiện công việc.
Là sản phẩm đầu tiên của quá trình thực hiện chuyển đổi số tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bản đồ số hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng (iSTAMEQ map) kết hợp sử dụng nền tảng bản đồ của Google và dữ liệu trong hệ thống các tổ chức, đơn vị hoạt động trong ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Bản đồ số được xây dựng với sự hỗ trợ từ Tổ công tác chuyển đổi số (đặc biệt là sự phối hợp từ Vụ Đo lường và Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy) với hai lĩnh vực chính là đánh giá sự phù hợp và đo lường. Ở phiên bản đầu tiên đã đưa lên khoảng 1.000 tổ chức, doanh nghiệp (đã chuẩn hoá dữ liệu).
Bên cạnh đó, Bản đồ số gợi ý cho người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, tra cứu, tìm kiếm thông tin, chỉ dẫn tới các tổ chức thực hiện dịch vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trực tuyến. Đặc biệt, việc đăng tải thông tin của tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên Bản đồ số góp phần tạo nên sự minh bạch, tăng uy tín và tạo lòng tin với người dân và doanh nghiệp.
Người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng Bản đồ số trên các thiết bị điện tử thông minh như: máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng và các loại điện thoại di động thông minh tại địa chỉ http://map.tcvn.gov.vn.
Bản đồ số Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là sản phẩm đầu tiên của quá trình thực hiện chuyển đổi số tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Bản đồ số Tổng cục chia làm hai phần, phần thứ nhất là phân hệ người dùng, đây là phần mà cơ quan, doanh nghiệp và người dân có thể truy cập. Trong phần này sẽ hiển thị thông tin cần nhập để tìm kiếm doanh nghiệp; hiển thị danh sách các doanh nghiệp tìm kiếm được; hiển thị vị trí của các đơn vị tìm kiếm được trên bản đồ. Người dùng dễ dàng nhập thông tin tìm kiếm; hiển thị danh sách các đơn vị tra cứu được; vị trí đơn vị tra cứu được thể hiện trên bản đồ số.
Trong phân hệ quản trị giúp cho quản trị viên, các cán bộ quản trị dữ liệu của Tổng cục có thể nhập thông tin quy mô, xếp loại doanh nghiệp; chỉnh sửa, thay đổi logo, banner, cấu hình API; màn hình hiển thị các doanh nghiệp đã khai báo; thêm mới doanh nghiệp; khai báo lĩnh vực hoạt động, gắn từ khóa tìm kiếm.
Theo TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, chuyển đổi số là xu thế tất yếu.
Tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp mới giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh kế số hiện nay, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ.
Ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số này. Cụ thể, thời gian qua ngành đã có nhiều sự quan tâm về việc xây dựng các nền tảng công nghệ để phục vụ giải quyết các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN giao.
TS. Hà Minh Hiệp cho hay, Đề án chuyển đổi số trong ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đưa vào triển khai trên toàn Tổng cục, đây là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn, vì khi chuyển sang phương thức làm việc mới đòi hỏi phải thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi về nhận thức, phương thức làm việc. Trong Đề án, Tổng cục triển khai 6 nhóm công việc, một trong 6 nhóm đó là đánh giá toàn bộ và xây dựng bản đồ số trong ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
“Bản đồ số giúp chúng ta chủ động quá trình chuyển đổi số, và bản đồ số được xây dựng dựa trên kỹ thuật về Quản trị tinh gọn Lean để tối ưu hóa bản đồ số và quá trình công việc”, TS. Hà Minh Hiệp khẳng định.
Thời gian tới, để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong toàn ngành, Tổng cục TCĐLCL tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng công nghệ số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng hiện đại theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt để có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi.
Các nền tảng số, dữ liệu số và dịch vụ số có quy mô quốc gia phải được làm trước, làm tốt để nâng cao năng suất lao động cho công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Đồng thời, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động số ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng có trình độ, tay nghề cao phù hợp trong giải quyết và xử lý công việc trên các nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp hiệu quả.
Ngoài ra, thúc đẩy kết nối các nền tảng số, dữ liệu số quốc gia với nền tảng số quốc tế nhất là các tổ chức doanh nghiệp trong nước và người ngoài hoạt động liên quan đến ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Tổ chức hoạt động ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng được thiết kế theo mô hình hiện đại, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và nền tảng công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc hiệu quả hơn. Nâng cao năng lực phục vụ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm hàng hóa trong nước và nước ngoài.
Nguồn: vietq.vn