08:45 | 21-10-2021

Kết quả bước đầu hoàn thiện quy trình nhân giống và thâm canh trên vườn cây cũ giống hồng vuông không hạt Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Tại Hà Tĩnh, đề tài đã triển khai các nội dung trên cây hồng vuông không hạt Thạch Hà thuộc xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà.

Kết quả năm 2021, đề tài đã đánh giá bổ sung đặc điểm nông sinh học, tuyển chọn và công nhận 5 cây đầu dòng mang những đặc tính tốt, đặc trưng về hình thái, cây đầu dòng có tuổi đời từ 25 - 30 năm, năng suất đạt từ 400 - 450 kg/cây; Xây dựng vườn cây mẹ cho 140 cây hồng vuông không hạt Thạch Hà để lấy mắt ghép phục vụ cho việc nhân giống mở rộng diện tích; Tổ chức ghép nhân giống được 4.025 cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn (năm 2020), bước đầu xác định được thời vụ ghép thích hợp từ tháng 6 đến tháng 9 (thời điểm ghép tốt nhất vào tháng 7) cho tỷ lệ sống cao nhất.

Vườn ươm cây giống

Các nghiên cứu về sử dụng phân bón lá đã xác định được phân bón lá đầu trâu 501 và AT cho kết quả tốt nhất.

Các thí nghiệm sử dụng các loại gốc ghép khác nhau đã xác định được phương pháp ghép đoạn cành trên gốc hồng dại địa phương đạt tỷ lệ cây ghép sống cao nhất (87 - 88%). Sử dụng cây gốc ghép là cây hồng cậy có tỷ lệ cây ghép sống đạt 82 - 83% và tỷ lệ cây sống tại thời điểm xuất vườn đạt 87,0 - 88,8%.

Kết quả xây dựng mô hình trồng mới 3,0 ha, áp dụng mật độ trồng 280 cây/ha, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật về phân bón, quản lý sâu bệnh hại, cắt tỉa cành và các biện pháp giữ ẩm vào mùa nắng nóng. Sau 1 năm trồng, tỷ lệ sống 100%. Các cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Họp đánh giá kết quả bước đầu tại UBND huyện Thạch Hà

Kết quả nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác thích hợp trên vườn cũ cho thấy: Tỷ lệ đậu quả và khối lượng quả hồng vuông Thạch Đài đạt cao nhất ở công thức phun Multimolif-M, năng suất đạt 22 kg/cây, tương ứng với 7,26 tấn/ha (với mật độ 330 cây/ha, khoảng cách 5m x 6m).

+ Sử dụng AT mebe đối với công tác phòng trừ sâu Kèn cho thấy độ hữu hiệu đạt 90,43% vào 10 ngày sau phun và đạt 100% (15 ngày sau phun).

+ Sử dụng thuốc AT vaccino (Nấm Trichoderma và nấm Chaetomium ) đối với bệnh thán thư cho thấy: Thuốc bắt đầu có hiệu lực giảm bệnh sau 5 ngày phun và dứt điểm bệnh tại thời điểm sau phun 15 ngày (Độ hữu hiệu 94,39%).

Áp dụng biện pháp cắt tỉa định kỳ làm trọng lượng quả trung bình tăng 4,3 g/quả, năng suất 22,20 kg/cây, đạt 111,78% so với phương thức canh tác cũ của người nông dân.

Áp dụng biện pháp giữ ẩm cho đất làm năng suất cao nhất đạt 23,78 kg/cây ở công thức sử dụng hệ thống ống nước tưới nhỏ giọt và không phủ gốc.

Kết quả xây dựng mô hình thâm canh trên vườn cây cũ với quy mô 01 ha cho thấy: việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật về phân bón, cắt tỉa cành, bổ sung nước tưới và quản lý sâu bệnh hại cho năng suất đạt 34,3 kg/cây, tăng 18% so với đối chứng.

Song song với quá trình xây dựng mô hình, đề tài cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật để hướng dẫn các hộ dân tham gia mô hình thay đổi tập quán canh tác trong việc sử dụng giống trồng từ hạt hoặc bằng phương pháp nhân giống truyền thống là giâm và chặn rễ, thay vào đó là việc áp dụng quy trình kỹ thuật nhân giống mới bằng phương pháp ghép, trồng và chăm sóc cây trồng, sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón lá, phân vi lượng một cách cân đối và hợp lý, cắt tỉa tạo tán để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Trung Võ - Viện KHKT Nông nghiệp Bắc Trung bộ

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận