01:50 | 05-01-2016

Kết quả hoạt động nổi bật 10 năm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN 2004-2014

Đặt vấn đề

Mười năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tại Hà Tĩnh đã gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Các đề tài, dự án KH&CN cơ bản được tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xoá đói, giảm nghèo ổn định chính trị xã hội địa phương… Theo kết quả tổng hợp, trên 70% các đề tài, dự án KH&CN được ứng dụng tốt vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh, cung cấp luận cứ khoa học giúp các nhà quản lý hoạch định chủ trương, chính sách, lập kế hoạch, quy hoạch phát triển chung của tỉnh; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, nhất là trong một số lĩnh vực như thông tin truyền thông, khai thác chế biến khoáng sản, nông nghiệp, y tế, giáo dục, …

Kết quả đạt được

Giai đoạn 2004-2014 có 148 đề tài, dự án KH&CN được triển khai trên địa bàn, trong đó có 18 đề tài, dự án cấp Nhà nước, 130 đề tài, dự án cấp tỉnh. Các đề tài, dự án được triển khai khá toàn diện trên các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, công nghiệp dịch vụ, tài nguyên và môi trường, công nghệ cao và các lĩnh vực khác. Các đề tài, dự án đã bám sát mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, đã lý giải được khá nhiều vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội, đã tích cực nghiên cứu, du nhập, khảo nghiệm các đối tượng cây con mới, các mô hình quản lý, mô hình kinh tế mới, đã tạo được chuyển biến tốt trong việc động viên được các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tích cực ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống nhất là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế... Kết quả thể hiện trên các lĩnh vực:

* Lĩnh vực Văn hóa xã hội, Y tế, Giáo dục và Quốc phòng an ninh:

Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học để xây dựng các chủ trương chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh, cung cấp luận cứ cho công tác quy hoạch cán bộ; xây dựng chính sách thu hút nhân tài. Các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ trì cấp huyện thuộc diện tỉnh uỷ quản lý; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở trên địa bàn; phát huy vai trò giai cấp công nhân, lao động và công đoàn trong sự nghiệp đổi mới; phát triển trung tâm học tập cộng đồng. Đổi mới phương thức đào tạo theo hướng xã hội hóa giáo dục; sắp xếp lại hệ thống các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đảm bảo chất lượng dạy và học; đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học môn Giáo dục công dân trong các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở trên quan điểm chuẩn hóa đạo đức xã hội; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ... nhằm giải đáp những yêu cầu của đời sống xã hội trong sự nghiệp đổi mới.

Trong lĩnh vực Y tế đã nghiên cứu, xác định được một số bài thuốc và phương pháp điều trị có hiệu quả bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng, bệnh đái tháo đường, chữa ngoài tử cung, xơ hóa cơ delta, cao huyết áp, rối loạn tiền mãn kinh ở phụ nữ … Nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền dân tộc với y học hiện đại trong việc điều trị và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Các kết quả nghiên cứu cũng đã tạo tiền đề cho việc bảo tồn, phát triển, khai thác và bào chế nguồn nguyên liệu dược liệu làm thuốc. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng tốt vào thực tiển, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Điển hình như: nghiên cứu và bào chế thành công bài thuốc Amossear điều trị bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng; nghiên cứu xác định phương pháp bảo tồn vòi tử cung trong điều trị bệnh nhân chữa ngoài tử cung...

Trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, dịch vụ: kết quả hoạt động nghiên cứu triển khai giai đoạn 2004-2014 cũng đã góp phần quan trọng để phát triển văn hóa, du lịch, đã xác định được hệ thống các giải pháp để phát triển du lịch, kết hợp hài hòa giữa du lịch sinh thái với du lịch tâm linh. Nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp để bảo vệ, tôn tạo và phát huy những giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể như: nghiên cứu các giá trị văn hoá dòng họ trong việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Ca trù Hà Tĩnh phục vụ xếp hạng văn hóa; nghiên cứu giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể chùa Hương Tích -Hà Tĩnh phục vụ du lịch; nghiên cứu bảo tồn giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn; xác định địa danh Hà Tĩnh xưa và nay; nghiên cứu phát huy các giá trị văn hóa làng Trường Lưu trong việc xây dựng mô hình điểm làng văn hóa-du lịch và phục vụ hoàn thiện hồ sơ xếp hạng. Các kết quả nghiên cứu đã coi trọng sự tác động qua lại giữa đời sống con người với đời sống tâm linh góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá quê hương.

* Lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp

Giai đoạn 2004-2014 các đề tài, dự án KH&CN trong lĩnh vực này đã tập trung tuyển chọn, du nhập, khảo nghiệm và triển khai thực hiện trên diện rộng các giống cây trồng vật nuôi mới. Nhiều giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng, điển hình như: giống lúa xuân sớm P290, xuân trung NX30, P6, XT28, X33, HT9, HT13 cho năng suất 56-65 tạ/ha, khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh hại, gạo thơm ngon đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện nay đang cho phát triển ra trên diện rộng. Các giống lúa xuân muộn và hè thu như PC6, HT1, HT6, QR1, RVT, OM 4218, OM 4488, OM 547, VTNA2... có chất lượng gạo ngon, năng suất từ 54-58 tạ/ha cũng đã được du nhập, khảo nghiệm và ứng dụng tốt vào sản xuất. Tập đoàn các giống lạc có năng suất cao như L14, L17, L18, L23, L26, L19, TB25... đã thay thế cơ bản các giống lạc địa phương. Giống ngô nếp VN6, ngô lai VN61, giống khoai lang nhật, khoai sọ KS4, giống sắn mới HTL09 có năng suất và chất lượng cao (70 tấn/ha) ... cũng đã được du nhập, khảo nghiệm và từng bước phát triển.

Các giống rau, hoa chất lượng cao như giống bắp cải chịu nhiệt Green helmet, Bí xanh tre việt, dưa chuột Nhật Bản, dưa chuột Thái Lan, mướp hương Trang nông, Cà rốt F1, hoa Lily Sorbon, Lily Golder tycom, hoa loa kèn White fox, hoa Phong lan .v.v... đã được du nhập và tổ chức sản xuất. Song song với việc du nhập, khảo nghiệm các giống mới đó là việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật, các công nghệ mới để tổ chức sản xuất thông qua các mô hình, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Nhiều mô hình ứng dụng KH&CN đã thực sự phát huy hiệu quả, điển hình là mô hình sản xuất rau củ quả an toàn tại xã Tượng Sơn (Thạch Hà), Kỳ Hoa (Kỳ Anh) cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/2vụ; mô hình sản xuất hoa lily, hoa loa kèn, hoa cúc tại xã Thạch Môn (Thành phố Hà Tĩnh), xã Bắc Sơn (Thạch Hà) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/vụ.

Trong lĩnh vực chăn nuôi đã chú trọng nghiên cứu phát triển các đối tượng có nhiều lợi thế của tỉnh như: lợn, bò, hươu, gia cầm. Kết quả các đề tài, dự án KH&CN đã thực sự phát huy tốt hiệu quả vào sản xuất và đời sống, đã góp phần to lớn trong việc xác định hướng đi mới cho ngành chăn nuôi tỉnh nhà đó là chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết quả nghiên cứu đã chuyển giao thành công công nghệ chăn nuôi lợn của Thái Lan theo hướng công nghiệp chất lượng cao, đã du nhập được hàng trăm con giống tốt cùng với công nghệ chăn nuôi hiện đại của Thái Lan. Kết quả dự án đến nay đã được ứng dụng và nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Công tác sind hóa đàn bò kết hợp với việc cải thiện tầm vóc đàn bò nái nền địa phương trong thời gian này đã được KH&CN quan tâm. Kết quả đàn bò phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã được thực tiễn xác nhận là bước đi đúng. Trong chăn nuôi gia cầm đã tiến hành du nhập, khảo nghiệm và phát triển các giống gà siêu trứng như VCN-G15, Ai cập, các mô hình nuôi bồ câu ... Các mô hình chăn nuôi đã thực sự phát huy tốt hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Trong lĩnh vực thuỷ sản, đã chú trọng du nhập các công nghệ và đối tượng nuôi mới có chất lượng cao về địa phương như: ốc Hương, cá Mú, cá Dò, cá Vược, Tôm hùm, Tôm thẻ chân trắng … áp dụng các công nghệ nuôi lồng, nuôi trong ao lót bạt, nuôi công nghệ cao ... Trong chế biến thủy sản cũng được nghiên cứu, ứng dụng để nâng cao giá trị, đa dạng hóa sản phẩm. Nhiều mô hình đã được khẳng định và phát huy tốt vào thực tiển sản xuất, điển hình như mô hình nuôi cá mú, cá vược bằng lồng, mô hình nuôi nghêu Bến tre, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát công nghệ cao .... đã mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Điển hình là các mô hình: mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao tại xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) cho thu nhập 2-3 tỷ đồng/ha/năm (2 vụ); mô hình nuôi nghêu Bến tre tại xã Mai Phụ (Lộc Hà) cho thu nhập 250-300  triệu đồng/ha/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Kết quả từ các mô hình là cơ sở để khẳng định và giúp cho nhân dân trong vùng phát triển các đối tượng nuôi trồng mới với các công nghệ mới cho thu nhập cao.

Ngoài ra hoạt động KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đã chú trọng nghiên cứu giải quyết các vấn đề về nâng cao đời sống cho nhân dân các vùng khó khăn, đưa các ngành, nghề mới về nông thôn, thông qua việc triển khai xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng KH&CN ở các địa phương, điển hình như: mô hình trồng mây nguyên liệu (6/11 huyện) với giống mây nếp KM83 để phục vụ cho nghề thủ công mỹ nghệ; mô hình nuôi ong lấy mật tại Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê đã tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động nông thôn; các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha đã được triển khai nhân rộng.

Hoạt động KH&CN giai đoạn 2004-2014 thực sự đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lương thực từ 42 vạn tấn (năm 2004) lên 50,6 vạn tấn (năm 2013). Giá trị sản xuất nông nghiệp từ 16,6 triệu đồng/ha (năm 2004) lên 62 triệu đồng/ha (năm 2013). Tỷ trọng chăn nuôi tăng nhanh, sản lượng khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản phát triển mạnh.

* Lĩnh vực Công nghiệp, dịch vụ, Tài nguyện và môi trường

Hoạt động nghiên cứu triển khai KH&CN đã chú trọng công tác đổi mới, cải tiến công nghệ ở các doanh nghiệp hiện có; du nhập, phát triển các công nghệ mới, các ngành nghề mới; nghiên cứu các biện pháp để tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, .. đã góp phần đưa ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tỉnh nhà ngày càng phát triển. Các đề tài, dự án nghiên cứu gắn liền với sản xuất của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, đã góp phần tăng giá trị sản xuất, điển hình như: dự án Sản xuất ống cống bê tông theo công nghệ rung ép của Thái Lan, đã thành công trong việc chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất ống cống bê tông có chất lượng cao phục vụ các công trình xây dựng; dự án Du nhập công nghệ xây dựng lò gạch liên tục kiểu đứng thân thiện với môi trường đã xoá dần tập quán sản xuất thủ công gạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí đốt các lò gạch; đề tài Nghiên cứu rút ngắn thời gian chế biến nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời, đã ứng dụng thành công công nghệ tấm thu năng lượng mặt trời cung cấp nhiệt cho bể chợp sản xuất nước mắm, rút ngắn thời gian chế biến, giảm chi phí lao động, chất lượng nước mắm được nâng cao.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Kết quả nghiên cứu đã xác định được trữ lượng, chất lượng, đặc tính công nghệ và các lĩnh vực ứng dụng khoáng chất sericit khu vực Sơn Bình huyện Hương Sơn; xác định được trữ lượng, chất lượng và mức độ nhiễm mặn các mỏ cát vùng đồng bằng ven biển Hà Tĩnh; đã đo đạc, phân tích tính toán tổng lượng dòng chảy và tổng lượng nước do mưa rơi hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh, tính lượng nước ngoại lai gia nhập vào lãnh thổ Hà Tĩnh, đã đánh giá diễn biến mặn các cửa sông do ảnh hưởng của thủy triều, xây dựng bản đồ đẳng trị mưa trên địa bàn Hà Tĩnh. Đã thiết lập ngân hàng dữ liệu về điều kiện tự nhiên, địa hình địa chất, tình trạng ô nhiễm nước sinh hoạt, dự báo các nguy cơ tai biến thiên nhiên như nứt, trượt, sạt lở đất, ngập lụt ... từ đó đề xuất các giải pháp để phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai ... Điển hình trong lĩnh vực này đó là kết quả nghiên cứu trữ lượng, chất lượng và đặc tính khoáng chất sericit khu vực núi Sơn Bình – Hà Tĩnh; đánh giá trữ lượng, chất lượng và mức độ nhiễm mặn các mỏ cát vùng đồng bằng ven biển Hà Tĩnh, là cơ sở khoa học để xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên đó phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Kết quả đánh giá ô nhiễm asen và đề xuất giải pháp xử lý đã được ứng dụng rộng rãi để xử lý asen trong nước sinh hoạt phục vụ nhân dân trong vùng bị ô nhiễm.

* Các lĩnh vực khác:

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã chú trọng nghiên cứu phát triển các chủng nấm ăn, nấm dược liệu; Nghiên cứu phát triển công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất các giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng nguyên liệu, sản xuất giống cây ăn quả sạch bệnh, sản xuất hoa…; Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm bảo vệ cây trồng vật nuôi, xử lý môi trường; Bảo tồn và khai thác quỹ gen các giống cây trồng có giá trị;

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin hướng nghiên cứu tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng các phần mềm phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, trợ giúp cho công tác phòng chống bão, lụt, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn tỉnh, ứng dụng hệ thống quản lý M.Office, I.Office để nâng cao năng suất và chất lượng công vịêc…; Trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới đã tiến hành du nhập và áp dụng thành công công nghệ Compozit phục vụ cho đóng tàu và sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao như cánh cống, bàn, ghế… Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng tốt vào sản xuất và đời sống như: sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu đã được ứng dụng phổ biến trong nhân dân; sản xuất cây lâm nghiệp, cây ăn quả đầu dòng đã được ứng dụng phổ biến tại các cơ sở sản xuất giống cây trồng trong tỉnh; hệ thống M-Office đã được ứng dụng phổ biến trong các cơ quan Nhà nước trong tỉnh.

Giới thiệu một số đề tài, dự án KH&CN điển hình ứng dụng tốt vào thực tiển

1. Đề tài: Nghiên cứu điều trị bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng bằng  thuốc y học cổ truyền tại Hà Tĩnh, do Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh chủ trì thực hiện từ năm 2006. Kết quả đề tài đã đã nghiên cứu thành công bài thuốc y học cổ truyền Amossear điều trị bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng. Amossear có tác dụng cắt cơn đau và làm giảm các triệu chứng khác do viêm loét dạ dày - hành tá tràng trong khoảng thời gian 22 ngày. Amossear có tác dụng làm giảm mức độ hoạt động của viêm và làm liền sẹo ổ viêm loét niêm mạc dạ dày- hành tá tràng, không gây độc hại, dể sử dụng và sử dụng an toàn, tiện lợi và giá thành rẻ. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã mở ra một hướng mới trong điều trị viêm loét dạ dày – hành tá tràng, góp phần cải thiện và nâng cao sức khoẻ cho người dân. Thuốc Amossear hiện nay đã được bảo hiểm y tế Hà Tĩnh đặt hàng và nằm trong danh mục thuốc điều trị bệnh nhân viêm loét dạ dày hành tá tràng tại Bệnh viên Y học cổ truyền tỉnh.

2. Đề tài: Nghiên cứu sắp xếp hợp lý hệ thống các trường phổ thông và mầm non Hà Tĩnh, do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh chủ trì thực hiện từ năm 2004. Kết quả đề tài đã phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục – đào tạo ở mỗi địa phương và toàn tỉnh, trong đó đã đi sâu phân tích, đánh giá cơ sở hạ tầng, điều kiện phục vụ dạy học ở các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn Hà Tĩnh. Dự báo nhu cầu học tập đối với cấp học phổ thông và mầm non của các địa bàn dân cư toàn tỉnh đến năm 2010 và 2015. Đề xuất quy hoạch, bố trí lại mạng lưới các trường phổ thông và mầm non của tỉnh theo một lộ trình hợp lý, đáp ứng yêu cầu qua từng giai đoạn. Kết quả đề tài đã được ngành Giáo dục và đào tạo ứng dụng trong việc sắp xếp lại hệ thống các trường phổ thông và mầm non trên địa bàn toàn tỉnh, từ chỗ 816 trường (bao gồm: mầm non, tiểu học, THCS, THPT) nay sắp xếp lại còn 727 trường, đáp ứng yêu cầu phát triển Giáo dục và đào tạo.

3. Đề tài: Thực trạng và giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn Giáo dục công dân ở các trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì thực hiện từ năm 2010. Kết quả đề tài đã đánh giá đúng thực trạng công tác giảng dạy và học tập môn Giáo dục công dân ở các trường THPT trên toàn tỉnh, từ đó đề xuất được các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học  môn Giáo dục công dân, góp phần vào việc giáo dục nhân cách cho học sinh. Kết quả đề tài đã được các Trường THPT trên toàn tỉnh ứng dụng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập môn giáo dục công dân, tăng cường công tác giáo dục nhân cách cho học sinh.

4. Đề tài Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Ca Trù Hà Tĩnh, do Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch chủ trì triển khai từ năm 2007. Kết quả đề tài đã làm rõ quá trình hình thành, những bước thăng trầm, nét đặc trưng tiêu biểu của Ca Trù Hà Tĩnh gắn với tổ nghề, giáo phường Ca trù trên các phương diện âm nhạc, văn chương tư tưởng, phong tục tập quán, lễ nghi tín ngưỡng và sức lan toả của Ca trù Cổ Đạm -Hà Tĩnh. Qua công trình nghiên cứu đã sưu tầm được hàng trăm câu hát ca trù và phục dựng lại được các không gian diễn xướng, hình thức biểu diễn môn nghệ thuật này góp phần khôi phục lại các loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian cổ truyền ở các địa phương để không ngừng nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân. Kết quả nghiên cứu đã góp phần cung cấp các tư liệu quý cho Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Ca trù người Việt là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

5. Đề tài: Nghiên cứu phát huy các giá trị văn hóa làng Trường Lưu trong việc xây dựng mô hình điểm làng văn hóa-du lịch, do Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch chủ trì thực hiện từ năm 2011. Kết quả đã điều tra, đánh giá hiện trạng các di sản văn hóa của làng Trường Lưu, triển khai phục chế một số phong sắc tiêu biểu đã bị hư hỏng hiện có ơ làng; Xây dựng hệ thống giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của làng Trường Lưu theo hướng phát triển du lịch; xuất bản 2 cuốn sách giới thiệu về các giá trị văn hóa phi vật thể của làng văn hóa Trường Lưu. Kết quả đề tài đang tiếp tục phát huy vào việc xây dựng bộ Hồ sơ đăng ký xếp hạng Di sản văn hóa.

6. Dự án: Ứng dụng tiến bộ KHCN trong tổ hợp chế biến và chăn nuôi lợn siêu nạc do Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh chủ trì thực hiện từ năm 2005. Kết quả dự án đã tiến hành du nhập, hoàn thiện công nghệ, đào tạo kỹ thuật từ Thái Lan. Sau 2 năm triển khai, tổng số lợn nái đạt 1250 con, lợn thành phẩm 18.000 tấn, doanh thu 24 tỷ đồng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, quy trình chăn nuôi được phổ biến đến tận ngưòi dân, đã tạo việc làm ổn định cho 200 lao động ở Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, nhất là đảm bảo tốt vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Kết quả của dự án đã được ứng dụng rộng rải trên phạm vi toàn tỉnh với quy mô ngày càng tăng. Đến năm 2013 toàn tỉnh có 127 cơ sở chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn, trong đó có 110 mô hình tổ chức theo hình thức liên kết (64 mô hình liên kết với Tổng công ty KS&TM, 46 mô hình liên kết với Công ty CP), nâng tổng đàn lợn lên 415.000 con, sản lượng thịt xuất chuồng đạt 59.900 tấn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn có thu nhập ổn định.

7. Dự án: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên biển tại Kỳ Anh, do Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa chủ trì triển khai từ năm 2005. Kết quả dự án đã đào tạo 4 kỹ thuật viên, chuyển giao công nghệ đóng lồng, công nghệ nuôi cá bằng lồng cho các hộ nuôi trong vùng. Triển khai lắp đặt 2 lồng nhựa HDPE công nghệ Nauy tổng 600 m3 và  2 lồng bằng gố truyền thống tổng 288 m3 và triển khai thành công mô hình nuôi cá giò và cá mú bằng lồng trên biển. Sau 2 vụ nuôi, sản lượng cá thu được 8.130kg cá giò và cá mú thương phẩm. Đây là mô hình nuôi cá lồng đầu tiên tại Hà Tĩnh. Thành công của mô hình là cơ sở để nhân rộng, phát triển nghề nuôi cá bằng lồng trên sông, trên biển ở Hà Tĩnh. Trong những năm gần đây việc nuôi thuỷ sản bằng lồng bè nhất là nuôi lồng bè mặn lợ liên tục phát triển. Theo số liệu tổng hợp, hiện nay toàn tỉnh đã có hơn 200 hộ nuôi thuỷ sản bằng lồng bè, với hơn 300 lồng nuôi, tập trung nhiều ở các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Kỳ Anh.

8. Dự án Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu tại huyện Thạch Hà, do UBND huyện Thạch Hà triển khai thực hiện từ năm 2005. Kết quả dự án đã xây dựng cơ sở sản xuất và chế biến nấm tại Trung tâm nấm Thạch Hà (nay là Trung tâm phát triển nấm ăn, nấm dược liệu Hà Tĩnh), quy mô > 1000 m2; Lắp đặt thiết bị phục vụ sản xuất nhân giống nấm cấp I, cấp II;  Tiếp nhận công nghệ phân lập, nhân giống cấp I, II, III, quy trình lưu giữ bảo quản các loại giống nấm; Công nghệ nuôi trồng các loại nấm: linh chi, nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm Trân châu, nấm hương; Công nghệ chế biến nấm; Công nghệ xử lý bã thải nấm sau khi thu hoạch thành phân bón hữu cơ; Xây dựng mô hình trồng nấm tập trung với diện tích 500m2 và mô hình trồng nấm phấn tán tại 3 xã Thạch Ngọc, Thạch Long, Bình Lộc với tổng diện tích 5000m2. Hiện tại cơ sở sản xuất này đang tiếp tục mở rộng và trở thành Trung tâm nấm của tỉnh và đã có trên 100 cơ sở sản xuất nấm thương phảm, sản lượng nấm hàng năm đạt 70-100 tấn, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh. Đây là mô hình được các cấp các ngành trong tỉnh đánh giá cao về công nghệ nhân giống và tổ chức sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo nghề mới cho nhân dân.

9. Đề tài Khảo nghiệm sản xuất một số giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt du nhập vào Hà Tĩnh, do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần (Viện Cây lương thực và cây thực phẩm) và Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh chủ trì thực hiện từ năm 2009. Kết quả đề tài đã khẳng định được tính thích ứng của 4 giống: XT28, X33, DT52 (vụ Đông xuân) và OM4218 (vụ Hè thu). 3 giống XT28, X33, DT52 cho năng suất 58-65 tạ/ha, cao hơn đối chứng (Xi 23, N98) 5 – 7 tạ/ha; giống OM4218 cho năng suất 55 tạ/ha, cao hơn đối chứng (HT1) 5 tạ/ha. Chất lượng gạo thơm ngon đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Kết quả đề tài cũng đã tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống lúa XT28, X33, DT52, OM4218 cho các hộ dân tại các xã triển khai mô hình sản xuất lúa, với tổng người tham gia trên 600 lượt. Kết quả đề tài đã được nhân dân ứng dụng tốt vào thực tiển sản xuất, nhất là đối với giống XT28, OM4218. Theo thống kê vụ đông xuân 2012-2013 toàn tỉnh có gần 500 ha sử dụng giống XT28, vụ hè thu 2013 có gần 300 ha sử dụng giống OM4218 và đông xuân 2013-2014 có gần 700 ha lúa sử dụng giống XT28, đã cho năng suất tăng 12-15% so với các giống lúa khác trong cùng trà; chất lượng gạo ngon, được thị trường ưa chuộng; hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 lần so với sản xuất đại trà.

10. Dự án Xây dựng cơ sở sản xuất hạt giống lạc cao sản tại xã Thạch Châu-Thạch Hà- Hà Tĩnh, do UBND xã Thạch Châu chủ trì và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu đỗ chuyển giao công nghệ, triển khai từ năm 2003. Kết quả dự án đã chuyển giao công nghệ và triển khai thành công mô hình sản xuất giống lạc L14 và V79 trên quy mô 200ha tại xã Thạch Châu, năng suất bình quân đạt 35 tạ/ha. Xây dựng kho bảo quản lạc giống 200 m2 đạt tiêu chuẩn; xây dựng nhà chế biến lạc 119 m2, nhà sấy lạc 40 m2 với công suất 5 tấn/mẻ, chất lượng sản phẩm tốt tỷ lệ nảy mầm trên 90%.  Xây dựng được bộ tiêu chuẩn cơ sở cho 2 giống lạc cao sản L14 và V79. Mô hình sản xuất lạc L14, V79 và cơ sở chế biến bảo quản giống lạc đạt tiêu chuẩn đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lạc cho nhân dân. Hiện tại giống lạc L14 đã trở thành giống chủ lực trên địa bàn toàn tỉnh.

11. Đề tài: Nghiên cứu xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch tại Hương Khê - Hà Tĩnh do Viện Nghiên cứu rau quả chủ trì thực hiện từ năm 2008. Kết quả đề tài đã đánh giá hiện trạng sản xuất bưởi Phúc Trạch trên phạm vị phân bố; đã nghiên cứu, xác định nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch là do sự thay đổi bất thường của thời tiết khí hậu, canh tác không tuân thủ quy trình và sự thiếu hụt dinh dưởng trong đất, nguồn phấn hoa, từ đó đề xuất các biện pháp khắc phục. Kết quả đề tài cũng đã xây dựng thành công mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc tổng hợp, quy mô 6 ha tại xã Hương Trạch, Phúc Trạch và Hương Đô (huyện Hương Khê). Các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng và đã phát huy tốt hiệu quả trong thực tiển sản xuất, góp phần quan trọng nâng cao năng suất chất lượng bưởi Phúc Trạch, từng bước khắc phục sự suy giảm về năng suất và chất lượng bưởi Phúc Trạch trong nhiều năm qua.

12. Dự án Ứng dụng các tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất rau củ quả, hoa chất lượng cao, do Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ và Trung tâm KHKT&BVCTVN huyện Thạch Hà chủ trì thực hiện từ năm 2008. Kết quả nhiều giống rau, hoa có tiềm năng kinh tế cao đã được du nhập, khảo nghiệm và nhân rộng trên nhiều huyện thị, thành phố, điển hình như giống bắp cải chịu nhiệt Green helmet, Bí xanh tre việt, dưa chuột Nhật Bản, dưa chuột chia tai Thái Lan, mướp hương Trang nông, Cà rốt F1, hoa Lily Sorbon, Lily Golder tycom, hoa loa kèn White fox .v.v..., đã góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Điển hình là mô hình sản xuất rau chất lượng cao theo công nghệ VietGAP tại xã Tượng Sơn huyện Thạch Hà. Sau 7 tháng triển khai mô hình, kết quả thu được: đối với dưa chuột Chiatai và mướp ngọt Thái Lan năng suất đạt 50 tấn/ha và đối với giống Bí xanh Tre Việt năng suất đạt 60 tấn/ha. Chất lượng các giống rau đưa vào triển khai trong mô hình được đánh giá đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha, lãi ròng đạt >100 triệu đồng/ha. Năm 2013 Sở KH&CN tiếp tục chỉ đạo, đầu tư mở rộng mô hình tại các xã Tượng Sơn, Thạch Liên (Thạch Hà), Kỳ Hoa (Kỳ Anh) và Yên Hồ (Đức Thọ), quy mô trên 30ha.

13. Dự án Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao, do Công ty Cổ phần Bảo Sơn chủ trì thực hiện từ năm 2011. Dự án đã ứng dụng các tiến kỹ thuật trong chọn giống, khai thác và xử lý nước trong ao nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh …, xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát tại xã Xuân Phổ huyện Nghi Xuân. Kết quả đã xây dựng thành công mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trên cát vụ Xuân hè và vụ Thu Đông trên diện tích 2,3 ha diện tích mặt nước. Sản lượng thu hoạch đạt gần 70 tấn (năng suất 30 tấn/ha/năm). Mô hình đang tiếp tục triển khai nhân rộng tại các địa phương thuộc huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên.

14. Dự án Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nhân giống và nuôi ong lấy mật tại Hà Tĩnh, do Hội người mù huyện Vũ Quang và Trung chuyển giao KH&CN các huyện Hương Khê, Hương Sơn triển khai từ năm 2008. Kết quả của dự án đã chuyển giao được các tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống, chăm sóc, quản lý, khai thác mật ong cho nhân dân trong vùng; đã xây dựng thành công mô hình nhân giống và nuôi ong lấy mật tại các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, quy mô 110 hộ, bình quân 8 đàn/hộ, từ mô hình đã nhân được 1.240 đàn giống và cho thu hoạch gần 10 tấn mật; đã thành lập được 11 câu lạc bộ nuôi ong lấy mật tại 5 xã Đức Lĩnh, Sơn Thọ,  Hương Thọ (huyện Vũ Quang), Sơn Tiến (huyện Hương Sơn) và Hương Vĩnh (huyện Hương Khê), mỗi câu lạc bộ gồm 10 hộ thành viên. Kết quả của dự án đã được nhân rộng ra nhiều xã thuộc huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, nâng tổng số đàn ong lên đến hàng ngàn đàn, hàng năm cung ứng ra thị trường hàng ngàn lít mật ong. Mô hình nuôi ong lấy mật hiện đang phát huy hiệu quả tốt, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân nhất là các xã miền núi có nhiều khó khăn.

15. Dự án Ứng dụng KH&CN nuôi thử nghiệm giống nghêu Bến Tre tại xã Mai Phụ huyện Lộc Hà, do Trung tâm Chuyển giao KH&CN huyện Lộc Hà chủ trì thực hiện từ năm 2008. Kết quả của dự án đã chuyển giao công nghệ và xây dựng thành công mô hình nuôi nghêu Bến Tre thương phẩm với quy mô 4ha theo hướng nuôi thâm canh tại xã Mai Phụ huyện Lộc Hà. Sản lượng nghêu thu được là 120 tấn/4ha/vụ, lợi nhuận đạt trên 100.000.000đồng/ha/năm. Mô hình đã được nhân dân trong vùng ứng dụng triển khai nhân rộng. Theo số liệu tổng hợp của huyện Lộc Hà thì năm 2013 diện tích nuôi nghêu đạt trên 100 ha, tổng sản lượng nghêu đạt 1.400 tấn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

16. Đề tài Nghiên cứu rút ngắn thời gian chế biến nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh chủ trì thực hiện từ năm 2009. Kết quả đề tài đã ứng dụng thành công công nghệ tấm thu năng lượng mặt trời cung cấp nhiệt cho bể chợp sản xuất nước mắm đã rút ngắn thời gian chế biến từ 11-12 tháng xuống còn 6-7 tháng, giảm chi phí lao động; Xây dựng được quy trình công nghệ sử dụng tấm thu năng lượng mặt trời cung cấp nhiệt cho bể chợp sản xuất nước mắm phù hợp với điều kiện Hà Tĩnh. Chất lượng nước mắm được đánh giá là ngon hơn, độ đạm cao hơn so với sản xuất nước mắm truyền thống tại địa phương. Mô hình đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tình Hà Tĩnh, Giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2011; đạt giải khuyến khích tại Hội thi Ý tưởng xanh toàn quốc; được Bộ KH&CN, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn TNCS HCM, UBND tình Hà Tĩnh tặng Bằng khen về thành tích trong sáng tạo kỹ thuật. Kết quả đề tài hiện đang tiếp tục được chuyển giao nhân rộng tại nhiều cơ sở sản xuất nước mắm trong và ngoài tỉnh như: Thiên Cầm,Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), Cường Gián (huyện Nghi Xuân), Quân khu 4 (Nghệ An).

17. Đề tài Nghiên cứu xác định chất lượng, đặc tính công nghệ khoáng chất sericit vùng Sơn Bình núi Châu Sơn – Hà Tĩnh do Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Bắc chủ trì triển khai từ năm 2006. Kết quả đã xác định được thành phần khoáng vật, hoá học, lý học và ý nghĩa sử dụng của khoáng chất sericit, đánh giá chất lượng và đặc tính công nghệ kiểu khoáng chất sericit màu xám trắng mỏ Sơn Bình. Lập báo cáo tổng hợp về đặc tính và lĩnh vực, sử dụng, triển vọng của Sericit vùng Sơn Bình, Núi Châu Sơn, Dự báo, định hướng quy hoạch khai thác khoáng chất sericit với 3 mức triển vọng. Kết quả đề tài đã cung cấp các tài liệu có cơ sở khoa học về đặc tính công nghệ của sericit và một số lĩnh vực sử dụng nguyên liệu khoáng sericit, là cơ sở tài liệu dự báo triển vọng loại hình khoáng sản này và định hướng cho việc khai thác chế biến khoáng sản sericit trên địa bàn tỉnh. Đề tài đã góp phần quan trọng vào việc đưa ra hệ phương pháp nghiên cứu về khoáng chất sericit ở Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung, định hướng cho việc quản lý và khai thác khoáng sản sericit tại Hà Tĩnh.

18. Đề tài Đánh giá trữ lượng, chất lượng và mức độ nhiễm mặn các mỏ cát vùng đồng bằng ven biển Hà Tĩnh, do Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Bắc thực hiện từ năm 2008. Kết quả đề tài đã xác định được tổng trữ lượng cát tại 5 khu mỏ cát vùng ven biển Hà Tĩnh. Chất lượng cát khá tốt, mức độ nhiễm mặn và các hợp chất khác ít, cấp độ hạt đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng, một số điểm cát có thể khai thác làm bê tông cao cấp. Kết quả đề tài đã xây dựng 5 bản đồ địa chất - khoáng sản các khu vực mỏ cát tỷ lệ 1:25.000; xây dựng được bản đồ hiện trạng khoáng sản cát vùng đồng bằng ven biển Hà Tĩnh tỷ lệ 1: 100.000; đề xuất được các chế tài, kế hoạch quản lý sử dụng và biện pháp khắc phục độ nhiễm của cát. Kết quả đề tài sẽ cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các Ban, Ngành liên quan phục vụ công tác quy hoạch phát triển KT - XH, xây dựng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

19. Đề tài: Đánh giá hiện trạng ô nhiễm Asen và xây dựng mô hình xử lý Asen trong nguồn nước sinh hoạt tại Hà Tĩnh, do Trung tâm quan trăc và Kỹ thuật môi trường chủ trì thực hiện từ năm 2009. Kết quả đề tài đã điều tra, phân tích, đánh giá và xây dựng được bản đồ hiện trạng ô nhiễm Asen, mô tả được các vùng ô nhiễm theo địa giới hành chính. Đã xây dựng được 3 mô hình xử lý ô nhiễm Asen trong nguồn nước sinh hoạt tại xã Đức Châu, Đức Tùng (huyện Đức Thọ) và Sơn Mỹ (huyện Hương Sơn). Tổ chức phổ biến, tuyên truyền khuyến cáo và nhân rộng mô hình xử lý nước sinh hoạt bị nhiễm Asen. Kết quả đề tài đã được ứng dụng để từng bước khắc phục ô nhiễm Asen trong nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, góp phần thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Công nghệ xử lý asen trong nước sinh hoạt tiếp tục nghiên cứu sử dụng vật liệu nano và hiện đã có 150 hộ gia đình lắp đặt thiết bị sử dụng vật liệu nano để xử lý asen thuộc các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân, Đức Thọ và Hương Sơn có nguồn nước nhiễm Asen cao. Mô hình hiện đang tiếp tục được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh.

20. Dự án Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn Hà Tĩnh, do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh chủ trì thực hiện. Kết quả dự án đã tổ chức tiếp nhận công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức sản xuất thành công 3 loại chế phẩm (chế phẩm xử lý mùi hôi, chế phẩm phân hủy chất hữu cơ làm phân bón, chế phẩm kích thích tiêu hóa cho tôm cá) công suất 18 tấn/năm. Tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng chế phẩm và xây dựng các mô hình ứng dụng chế phẩm vào sản xuất: mô hình sản xuất phân ủ hữu cơ, mô hình xử lý mùi hôi chuồng trại chăn nuôi, mô hình thử nghiệm chế phẩm kích thích tiêu hóa trong nuôi tôm cá, trên qui mô 7 ha. Chế phẩm sinh học HATIMIC là sản phẩm của dự án hiện đã được ứng dụng trong xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón phục vụ sản xuất tại hầu hết địa phương trong tỉnh, nhất là tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới.

21. Đề tài Nghiên cứu ứng dụng phần mềm phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Tĩnh, do Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh triển khai từ năm 2006. Kết quả đề tài đã thành công ứng dụng công nghệ GIS vào lĩnh vực môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường. Kết quả đề tài đã góp phần hiện đại hóa công cụ quản lý nhà nước, phục vụ công tác quan trắc ô nhiễm môi trường với các thành phần môi trường như nước (nước mặt, nước ngầm, nước biển ven bờ, nước thải), không khí một cách có hệ thống, truy xuất theo thời gian nhằm thực hiện tốt công tác quan trắc, cung cấp các công cụ xử lý số liệu hiệu quả giúp cho công tác dự báo, phòng chống, khắc phục ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường tren địa bàn toàn tỉnh.

22. Dự án Ứng dụng hệ thống quản lý M.Office trong các cơ quan, công sở, do Sở KH&CN chủ trì thực hiện. Kết quả dự án đã thành công trong việc ứng dụng hệ thống M.Office vào quản lý điều hành hoạt động của Sở KH&CN đảm bảo chất lượng. Hiện đã có 32 cơ quan cấp tỉnh và 12 huyện thị, thành phố ứng dụng hệ thống M.Office trong quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng công vịêc, góp phần hiện đại hóa các thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn và hiệu quả.

Phòng QLKH

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận