01:38 | 17-10-2016

Khẩn trương, đồng bộ ứng cứu lũ, sẵn sàng đối phó bão số 7

Chiều nay (16/10), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến về ứng phó với bão số 7 (tên quốc tế là Sarika) và mưa lũ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

khan truong dong bo ung cuu lu san sang doi pho bao so 7

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Đặng Quốc Khánh: Để chuẩn bị các phương án đối phó với bão Sirika, địa phương đã chủ động các phương án "4 tại chỗ"; chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm, trang thiết bị… Đây là cơn bão lớn nên cần sự chi viện về lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành trung ương nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ hôm nay (16/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 113,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17...

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn trung ương thông tin: bão số 7 di chuyển tương đối nhanh. Dự kiến, ngày 19/10, bão số 7 sẽ vào Vịnh Bắc bộ, cường độ khoảng cấp 12. Các tỉnh Đông Bắc đến Trung Trung bộ sẵn sàng các phương án để ứng phó khi bão đổ bộ; khu vực từ Quảng Ninh – Thừa Thiên Huế sẽ có vùng gió mạnh; vùng biển bị ảnh hưởng kéo dài từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.

khan truong dong bo ung cuu lu san sang doi pho bao so 7

Vị trí, đường đi của cơn bão số 7

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai biểu dương các địa phương đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo cấp trên trong điều kiện đang tập trung đối phó với bão số 7 cùng lúc xử lý hậu quả của áp thấp nhiệt đới của 4 tỉnh miền Trung. Đồng thời yêu cầu các địa phương kịp thời khắc phục những điểm ngập úng cục bộ, những diện tích ngập nặng phải xử lý được môi trường sau khi ngập; tiếp tục công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức hướng dẫn người dân không tham gia giao thông ở điểm nguy hiểm; hỗ trợ không để người dân đói rét.

Tại Hà Tĩnh, theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh, diễn biến mưa lũ từ 19 giờ ngày 12/10 đến 7 giờ ngày 16/10 cho thấy, đây là đợt mưa rất lớn và lượng nước tập trung trong thời gian ngắn, lên nhanh gây ngập lụt trên diện rộng; nước lũ trên một số lưu vực sông đã đạt đỉnh, một số trạm hạ lưu đang lên chậm (mực nước hồ Kẻ Gỗ 30,88m/32,5m; sông Rác 23/23,2 m lúc 7 giờ ngày 16/10).

Mưa lũ tại Hà Tĩnh đã làm 108 xã, phường với 29,798 hộ bị ngập, có nơi ngập sâu từ 2-3 m; có 4 người chết và 1 người mất tích; giá trị thiệt hại ước tính đến thời điểm hiện tại khoảng trên 171 tỷ đồng. Học sinh một số trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh nghỉ học...

Riêng với bão số 7, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng kể cả trên biển, đất liền và vùng núi phải chủ động các phương án đối phó. Đặc biệt, các tỉnh Bắc Trung bộ cần chú trọng an toàn hồ đập.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao các địa phương đã chủ động "4 tại chỗ", nắm bắt thông tin kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

khan truong dong bo ung cuu lu san sang doi pho bao so 7

Ảnh: VGP News

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện nghiêm công điện của Chính phủ về tìm kiếm người mất tích, động viên, thăm hỏi nạn nhân; rà soát, ứng cứu kịp thời cho người dân, không để bất kỳ một người dân nào bị đói, đồng thời tập trung phục hồi sản xuất.

Đối với bão số 7, đề nghị các tỉnh Quảng Ninh đến Bình Định chủ động nắm bắt thông tin và duy trì chế độ trực, thông báo tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin thường xuyên với các chủ tàu, tùy tình hình cụ thể để cấm biển; kiểm tra an toàn hồ chứa, các công trình thủy lợi, thủy điện nhằm đảm bảo hồ chứa tích nước an toàn; rà soát các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, chủ động kế hoạch di dời dân nơi không an toàn đến nơi an toàn…

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cập nhật thường xuyên cơn bão, thông tin đầy đủ để chính quyền, người dân có kế hoạch ứng phó; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát phương án, phối hợp sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; Bộ NN&PTNT chỉ đạo các tỉnh khẩn trương thu hoạch lúa mùa, bảo vệ hoa màu vụ đông xuân, dự phòng giống, chủ động rà soát kiểm tra đê điều, hồ đập thủy lợi; Bộ Công thương đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng như ứng phó, đảm bảo nhu yếu phẩm cho các vùng ảnh hưởng; Bộ Y tế chủ động phương án cấp cứu, đảm bảo vệ sinh, nước sạch, không xảy ra dịch bệnh; các cơ quan báo chí vào cuộc tích cực, cập nhật thông tin để người dân nắm thông tin, bám sát những địa bàn xung yếu để phản ánh kịp thời…

Ngay sau hội nghị trực tuyến với trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai cuộc họp nhanh do Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn chủ trì để đánh giá lại công tác đối phó với mưa lũ và bàn công tác ứng phó với bão Sarika.

khan truong dong bo ung cuu lu san sang doi pho bao so 7

Tại cuộc họp, các ban, ngành, địa phương liên quan đã tập trung làm rõ một số bất cập, hạn chế trong quá trình phối hợp, vận hành xả tràn hồ, đập; bàn phương án để đảm bảo an toàn cho công trình, giảm đến mức thấp nhất mức độ ngập lụt và thiệt hại cho vùng hạ du; công tác thông tin về tình hình, đường đi của bão số 7…

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các địa phương chủ động các phương án đối phó với tình hình bão, lũ. Trong đó, nêu cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu để tạo sự thống nhất; Sở NN&PTNT rà soát đánh giá việc xả tràn hồ, có kế hoạch, kịch bản cụ thể trên nguyên tắc an toàn hồ nhưng bắt phải đảm bảo an toàn cho vùng hạ du và thông tin rộng rãi đến người dân; các địa phương rà soát lại "4 tại chỗ" để xem khả năng ứng phó khi lũ xảy ra; đánh giá hiện trạng các công trình xây dựng trên địa bàn; có kịch bản sơ tán dân (tùy thuộc vào diễn biến); ở những vùng trọng điểm phải “cắm” cán bộ trực tiếp để xử lý tình huống xấu…

Theo baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận