03:50 | 20-09-2017

KH&CN là nền tảng cho đổi mới sáng tạo

Việc đưa các chuyên gia hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo đến Việt Nam sẽ cung cấp những kiến thức và tư duy mới cho đội ngũ cán bộ quản lý của Bộ KH&CN, Sở KH&CN, các Bộ, ngành liên quan về bối cảnh quốc tế, các xu hướng quốc tế, bài học thực hành tốt nhất và kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quản lý KH&CN; từ đó đóng góp tốt hơn cho chất lượng và hiệu quả của các chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi thuyết trình, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh lại câu nói mà chính ông đã từng phát biểu tại buổi thuyết trình của GS Goran Roos vào tháng 8 vừa qua: “Để bắt kịp với những yêu cầu đổi mới của đất nước trong bối cảnh mới, chính chúng ta - các nhà quản lý và hoạch định chính sách KH&CN, đổi mới sáng tạo cần thay đổi trước”.

alt

Cựu Thủ tướng Phần Lan - Ngài Esko Aho tại buổi thuyết trình

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, trong các diễn đàn kinh tế gần đây, khái niệm nền kinh tế tri thức đang dần được thay đổi bằng khái niệm nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Hướng đến một nền kinh tế mà vai trò dẫn dắt dựa trên đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, mô hình tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên đã không còn thích hợp, nguồn vốn trí tuệ trở thành đầu vào quan trọng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược trong tăng trưởng kinh tế bền vững bên cạnh hai trụ cột là thể chế và hạ tầng đã được Đảng, Chính phủ và Quốc hội quan tâm tập trung chỉ đạo.
Trong điều kiện một nước phát triển với nguồn lực có hạn, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế còn thấp nhưng Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kích lệ so với các quốc gia thu nhập trung bình về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo và một số lĩnh vực nghiên cứu KH&CN có thế mạnh... Tuy nhiên, nếu so sánh với Phần Lan, chúng ta còn khoảng cách rất xa, và có lẽ xa hàng thập kỷ phát triển, cần rất nhiều nỗ lực, quyết tâm để thu hẹp khoảng cách.

alt

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi thuyết trình

Mở đầu bài thuyết trình, cựu Thủ tướng Esko Aho đánh giá cao sự thay đổi của Việt Nam trong 6 năm qua khi có dịp đến Việt Nam 3 lần. Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt trong chuyển dịch kinh tế. Điều đó cho thấy, Việt Nam đã và đang nắm bắt rất tốt các cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, để đạt được thành công hơn nữa Việt Nam có thể tham khảo câu chuyện của đất nước Phần Lan nhỏ bé xinh đẹp, 1 trong 4 quốc gia (cùng với Thụy Điển, Nhật Bản và Singapore) có sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội thế kỷ XX dựa trên đổi mới sáng tạo (ĐMST). Kinh nghiệm của Phần Lan được thể hiện ở các yếu tố:
Xác định KH&CN là nền tảng cho ĐMST
Theo ông Esko Aho, để hoạt động ĐMST thành công trước hết phải dựa vào KH&CN - đây là nền tảng cơ bản của hoạt động ĐMST. Tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau của mỗi đất nước mà xác định phát triển theo chiều ngang hay chiều sâu, nhưng căn bản cốt lõi vẫn phải dựa trên KH&CN. Rất nhiều quốc gia đã cố gắng trong hoạt động ĐMST nhưng họ không thành công như mong đợi vì có sự khác nhau về nền tảng KH&CN và đầu tư cho KH&CN.
Xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao
Một trong những yếu tố thành công của Phần Lan đó là Chính phủ luôn đầu tư cho giáo dục ngay từ sớm. Khác với một số nước ở châu Âu hay Hoa Kỳ, Phần Lan đầu tư cho giáo dục ngay từ bậc tiểu học. Ở bậc tiểu học, học sinh được học những thầy giỏi nhất, với những kiến thức đầy đủ nhất và không có sự phân biệt, khoảng cách giữa học sinh thành phố hay nông thôn, hay khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Theo ông Esko Aho, Chính phủ Phần Lan xác định giáo dục tiểu học là sản phẩm xã hội chất lượng cao, chính vì vậy trẻ em được đầu tư ngay từ rất sớm và bài bản.

alt

Toàn cảnh buổi thuyết trình

Sự kết hợp giữa khu vực công (Nhà nước) và tư (doanh nghiệp) rất tốt
Doanh nghiệp là xương sống của bất kỳ nền kinh tế nào, chính vì vậy hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là sứ mạng của mọi chính phủ. Ngài Esko Aho nêu chính kinh nghiệm của bản thân mình khi ông làm Thủ tướng Phần Lan và khi ông ở trên cương vị Phó Chủ tịch Tập đoàn Nokia. Hơn ai hết ông hiểu sự khác biệt về tư duy và logic làm việc giữa khu vực công và tư. Chỉ khi nào hai khối công - tư có thể tận dụng các điểm mạnh của mỗi bên để phối hợp đạt hiệu quả tốt thì khi đó mọi đường hướng sẽ thành công. Và Phần Lan đã làm rất tốt điều này, trở thành hình mẫu cho nhiều nước học tập.
Nghiên cứu phải gắn liền với sản xuất
Sự phối hợp chặt chẽ giữa khối nghiên cứu (các trường đại học, viện nghiên cứu) với khối sản xuất (doanh nghiệp) để đưa ra sản phẩm theo đúng yêu cầu của xã hội là một triết lý mà Phần Lan đã làm trong nhiều thập niên qua. Sự phối hợp hiệu quả này còn thể hiện ở chỗ, các sinh viên dành phần lớn thời gian của mình trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, đây là những học phần bắt buộc để họ có thể cọ sát với thực tế trước khi tốt nghiệp. Điều này giúp cả hai khối luôn có sự gắn bó chặt chẽ, sản phẩm được tạo ra luôn đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng.
Thay đổi khái niệm, nắm bắt công nghệ của tương lai - trường hợp thành công của Nokia
Theo cựu Thủ tướng Phần Lan, mấu chốt của mọi hoạt động ĐMST là mọi người có thể chấp nhận cái mới cùng sự rủi ro, bởi sự sáng tạo luôn phá vỡ mọi quy tắc thông thường. Chính vì vậy, ở một thời điểm nhất định, khi phải đứng trước những lựa chọn sinh tử, tổ chức, cá nhân cần phải biết thay đổi khái niệm đúng lúc, chấp nhận rủi ro để đạt được thành công, và Nokia chính là bài học điển hình của đất nước Phần Lan. Từ một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy, Nokia đã biết thay đổi khái niệm đúng lúc, nắm bắt đúng hướng công nghệ của tương lai và trở thành một trong những đế chế về điện thoại di động và dịch vụ viễn thông lớn mạnh nhất trên toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Phần Lan luôn ở top 10 quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI). Các chỉ số về hiệu quả của các tổ chức công, hệ thống giáo dục đại học, mức độ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, công bố và trích dẫn quốc tế, hợp tác công- tư của Phần Lan cũng luôn đứng hàng đầu thế giới.
Ông Esko Aho là chuyên gia hàng đầu của Phần Lan và EU về chính sách phát triển kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông đã trải qua nhiều vị trí chủ chốt trong Chính phủ và khu vực tư nhân như: Nguyên Thủ tướng Phần Lan (1991-1995), Nguyên Chủ tịch SITRA (Quỹ phát triển Đổi mới sáng tạo trực thuộc Nghị viện Phần Lan), Nguyên Phó chủ tịch Tập đoàn Nokia. Ông đã tham gia nhóm chuyên gia xây dựng chính sách cho EU thúc đẩy nghiên cứu và tăng cường hiệu năng cho đổi mới sáng tạo, chủ tọa nhóm nghiên cứu đề xuất chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia của Phần Lan năm 2008.

http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận