09:24 | 22-01-2019

“KH&CN năm 2019 phải tốt hơn 2018”

KH&CN có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội năm 2018
Tại Hội nghị các đại biểu đã nghe báo cáo tổng kết hoạt động KH&CN năm 2018 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 do Thứ trưởng Phạm Công Tạc trình bày, trong đó nhấn mạnh đến những đóng góp của KH&CN trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, năng lượng, công nghệ sinh học, y tế…

Anh 15b 1208

Ví dụ lĩnh vực y dược đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh. Trong điều trị, lần đầu tiên đã nghiên cứu và làm chủ được quy trình sản xuất trong nước một số thuốc bằng công nghệ sinh học như: thuốc Pegcyte dùng trong điều trị giảm bạch cầu, hỗ trợ bệnh nhân điều trị ung thư, một số thuốc thuộc nhóm tim mạch, tiểu đường, chống thải ghép. Các thuốc có chất lượng tương đương so với thuốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ, giúp chủ động nguồn cung ổn định cho thị trường trong nước với giá thành chỉ bằng 50% của sản phẩm nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu cho cộng đồng bệnh nhân tim mạch tiểu đường là các căn bệnh mạn tính chiếm tỷ lệ lớn nhất hiện nay…
Bên cạnh các kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội báo cáo cũng nêu lên những hạn chế của ngành trong năm qua như: việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các kết quả phát triển công nghệ từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp còn hạn chế, thị trường KH&CN phát triển còn chậm, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đối mặt với thách thức cũng như tận dụng được cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 còn chưa được như kỳ vọng…
Thách thức lớn nhất vẫn là thể chế, chính sách
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe 9 ý kiến đại diện cho 3 khu vực: địa phương, doanh nghiệp và bộ/ngành. Điểm nổi bật tại Hội nghị là các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm ứng dụng KH&CN vào trong thực tiễn từ việc tham mưu xây dựng cơ chế chính sách đến sự phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trong và người nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Anh 2a 1094

Theo ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh, nhận thức được vị trí, vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên Hà Tĩnh đã tập trung tham mưu cho UBND tỉnh rất nhiều văn bản về phát triển KH&CN, đặc biệt là 6 nghị quyết của HĐND về phát triển KH&CN (về phát triển công nghệ sinh học, doanh nghiệp KH&CN, phát triển tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo…). Hiện nay, Hà Tĩnh có 3 đơn vị công lập đã chuyển đổi 100% sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giảm được 20 biên chế, bình quân tăng trưởng 20%/năm và đang hướng tới thành lập doanh nghiệp KH&CN. Đây là thành quả của việc Hà Tĩnh đã đề ra nhiều biện pháp trong phát triển KH&CN của địa phương. Mặc dù vậy, ông Đỗ Khoa Văn cho rằng hiện nay hoạt động KH&CN trong cả nước nói chung và ở địa phương nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Câu hỏi mà ông trăn trở là tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa có một chương trình mục tiêu quốc gia về KH&CN? Vì vậy, trong thời gian tới cần có một sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về thể chế, chính sách để tạo nguồn động lực mới cho KH&CN.
Với thành tích đạt trăng trưởng cao nhất cả nước năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, thành tích đó chính là nhờ Bắc Giang đã quyết liệt đầu tư cho KH&CN để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng KH&CN vào phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương (vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế…), ứng dụng KH&CN trong việc nâng cao hiệu quả chỉ số quản lý hành chính công… Với mong muốn đưa các sản phẩm đặc sản của địa phương vươn xa hơn nữa ở thị trường thế giới, Bắc Giang kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ địa phương tiếp cận với công nghệ sấy lạnh quả vải thiều để nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm này ra thị trường thế giới.
Ý kiến đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tập trung vào vấn đề cần phải có chiến lược trong việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ doanh nghiệp. Tiêu chuẩn kỹ thuật không chỉ được xem là một thủ tục để đối phó trong xuất khẩu mà phải nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất kinh doanh. Tương tự, ý kiến của Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam kiến nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Trên thực tế doanh nghiệp không quan tâm đến có bao nhiêu thủ tục hành chính được cắt giảm mà là quan tâm đến việc hoàn tất các loại thủ tục hết bao nhiêu thời gian và bao nhiêu chi phí, bởi hiện nay chúng ta còn khoảng cách rất xa giữa thủ tục xuất/nhập khẩu của Việt Nam và ASEAN…
Cần thay đổi tư duy mạnh mẽ hơn nữa

Anh 1f 1041

Toàn cảnh Hội nghị

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chính các đại biểu đã nêu đầy đủ nhất về vai trò, thành tựu cũng như những hạn chế của KH&CN hiện nay. Phó Thủ tướng lưu ý, dù chúng ta rất tự hào về những kết quả đạt được trong năm qua và nhiều năm trước đây, nhưng không được quên Việt Nam vẫn là một nước có thu nhập trung bình thấp, không được quên chúng ta vẫn là một nước nghèo. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với tất cả các bộ, ngành địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ năm 2019 là phải đặt quyết tâm “năm 2019 phải tốt hơn năm 2018”. Phó Thủ tướng cũng nêu 6 vấn đề ngành KH&CN cần quan tâm là:
1) Cần có nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp/sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường trong nước và thế giới tốt hơn.
2) Đối với các địa phương nên tập trung tham mưu cho UBND, HĐND trong lĩnh vực KH&CN nhằm hiểu rõ hơn về vai trò của KH&CN, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tránh trường hợp cứ nói đến CMCN 4.0, 5.0 mà không biết cụ thể là cái gì?
3) Cần có hệ thống đánh giá một cách đồng bộ để nắm được trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong cả nước, từ đó có những chính sách hỗ trợ đúng và trúng.
4) Cần thay đổi tư duy trong việc thiết kế và xây dựng các chương trình sản phẩm quốc gia. Nếu trước đây Nhà nước tập trung đầu tư vốn, công nghệ cho một sản phẩm trở thành sản phẩm quốc gia, thì nay cần lựa chọn những sản phẩm đã thành công của doanh nghiệp để đầu tư cho bình đẳng với khối doanh nghiệp và nhà nước.
5) Bộ KH&CN cần tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
6) Cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực, nhằm xây dựng nguồn nhân lực KH&CN hiện đại, đủ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Theo http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận