Ngày 18/5 tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã diễn ra cuộc hội thảo "Khoa học mở dưới các góc nhìn". Đây là cuộc hội thảo quy mô lớn thứ hai sau cuộc hội thảo đầu tiên do Bộ KH&CN tổ chức vào tháng 10/2021, ngay trước khi
UNESCO
và 193 nước thành viên bao gồm cả Việt Nam thông qua khuôn khổ quốc tế đầu tiên về Khoa học mở.
Hiểu về khoa học mở
Ông Nguyễn Võ Hưng (Viện chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN) chỉ ra, có hai cách tiếp cận phổ biến về khoa học mở. Hiểu theo nghĩa hẹp, khoa học mở bao gồm tiếp cận mở (Open Access) đối với các công bố khoa học, đặc biệt khi kết quả đó có được từ việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, và tiếp cận mở đối với dữ liệu nghiên cứu (Open Research Data).
Hiểu theo nghĩa rộng hơn, khoa học mở bao hàm tất cả những nỗ lực để quá trình nghiên cứu khoa học (Scientific Process), hay nói cách khác là quá trình lĩnh hội tri thức mới (Process of acquiring new knowledge) trở nên mở và bao trùm hơn với tất cả các tác nhân liên quan, dù ở trong cộng đồng khoa học hay bên ngoài, nhờ vào việc số hóa.
Việc tiếp cận với các bộ dữ liệu mở giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu trong một số lĩnh vực lên hàng chục lần so với việc tiếp cận dựa trên tri thức thông thường. GS. Hồ Tú Bảo kế lại, nhiều năm trước, khi đại học Harvard công bố dữ liệu bệnh án điện tử của 5.000 bệnh nhân (sau khi đã loại bỏ các thông tin cá nhân nhưng vẫn mô tả được quá trình bệnh), nhóm nghiên cứu của ông đã có đủ cơ sở để xây dựng một mô hình học máy và tiến hành một loạt nghiên cứu mới trong nhiều năm. Đó là nền tảng để họ tham gia vào các dự án y tế quan trọng hiện nay ở Việt Nam.
Trong một dự án hợp tác khác với Nhật Bản, nhóm của ông cũng được tiếp cận với một bộ dữ liệu mở về ung thư dạ dày. “Viện nghiên cứu của Nhật đã thu thập dữ liệu trong hơn 40 năm, chúng tôi mất 6 tháng để nghiền ngẫm chúng và tạo ra những mô hình chỉ mất vài phút để tính ra được kết quả [chẩn đoán]”, GS. Hồ Tú Bảo nói.
Đối với dữ liệu mở, UNESCO đã đặt ra bốn nguyên tắc để đảm bảo dữ liệu có thể phát huy được lợi ích tối đa, đó là FAIR - tức Findable (dữ liệu có thể tìm được cho người và máy), Accessible (dữ liệu có thể truy cập được), Interoperable (dữ liệu có thể tương thích khi lưu trữ, xử lý, phân tích) và Reusable (có thể tối ưu hóa việc dùng lại dữ liệu thông qua các trường mô tả dữ liệu rõ ràng).
Theo UNESCO, các loại dữ liệu có thể mở ra cho rộng rãi người nghiên cứu bao gồm: các dữ liệu văn bản, chữ số, ký hiệu mô tả đối tượng, điều kiện hoặc tình huống bất kỳ; các dữ liệu quang phổ, giải trình tự bộ gen và kính hiển vi điện tử; các dữ liệu quan sát (viễn thám, địa lý, kinh tế, xã hội); các dạng dữ liệu khác do người hoặc máy tạo ra, và các dạng biểu diễn số của tài liệu.
Thực tế, các nhà quản lý Việt Nam cũng đã gắn kết một phần tư tưởng của “khoa học mở” vào các quyết sách của mình. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 khuyến khích phát triển các kho dữ liệu khoa học dùng chung và các nhóm dữ liệu mở. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, hầu như chưa có bất kỳ trường đại học hay viện nghiên cứu nào đưa ra các chính sách cụ thể về công khai dữ liệu nghiên cứu.
Các dữ liệu số của
cơ quan nhà nước
và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cũng được phép chia sẻ, sử dụng miễn phí cho mục đích nghiên cứu, tìm hiểm, công việc. Thực tế, năm 2023 được chọn là “Năm dữ liệu số quốc gia” với một loạt các sáng kiến, kế hoạch hành động đang được thực thi, liên quan đến những kho dữ liệu khổng lồ của đất nước.
Dù vậy, việc mở cửa dữ liệu của khu vực công vẫn là một bài toán thận trọng. Ông Nguyễn Trọng Khánh, phụ trách phòng Cơ sở dữ liệu của Cục chuyển đổi số quốc gia tiết lộ, hiện nay các cơ quan nhà nước đang rất cần thu thập ý kiến thảo luận và phản hồi từ phía người dân, doanh nghiệp và cộng đồng để tìm ra cách mở dữ liệu một cách phù hợp nhất.
Khoa học mở không có nghĩa là khoa học miễn phí
Nếu như tín hiệu về mở cửa dữ liệu nghiên cứu có vẻ đạt được sự đồng thuận thì những vấn đề liên quan đến truy cập mở (Open Access) lại gây tranh cãi hơn trong cộng đồng khoa học và giới quản lý Việt Nam.
Khác với xuất bản khoa học truyền thống khi nhà khoa học gửi bài đăng miễn phí và người đọc sẽ phải trả tiền để tiếp cận bài báo cuối cùng, xuất bản mở lại hoàn toàn đảo lộn: người đọc sẽ được truy cập miễn phí vào bất kỳ bài báo nào mà họ mong muốn, và lợi ích của họ sẽ được bù đắp bằng các khoản phí xuất bản truy cập mở mà nhà nghiên cứu phải trả.
Chính phủ và các trường đại học ở Việt Nam hiếm khi tài trợ cho các khoản phí xuất bản bài viết này. Hầu hết các nhà khoa học không đủ khả năng tự chi trả cho các khoản phí “gấp 2-3 lần lương tháng của cấp bậc giáo sư” như vậy.
Nhiều người tiết lộ, mặc dù rất ủng hộ nhưng họ không thể lựa chọn xuất bản mở vì còn đang phải “vật lộn với ngân sách cực kỳ eo hẹp, thậm chí còn chẳng đủ để làm nghiên cứu”, trong khi chi phí cho xuất bản mở hai bài báo khoa học “có thể trang trải học phí và chi phí thực địa cho nghiên cứu sinh trong gần một năm”.
Một số nhà khoa học khác thậm chí còn phản đối gay gắt việc truy cập mở vì họ coi đây là chiêu trò “làm tiền” của các nhà xuất bản, và việc “trả tiền để xuất bản” sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến chất lượng nghiên cứu, làm hệ thống khoa học trở nên yếu ớt trước các hành vi săn mồi trắng trợn của những tạp chí chất lượng kém mang danh “mở”.
Để biến truy cập mở thành hiện thực là một điều hết sức tốn kém. Các tổ chức và quốc gia giàu có có thể đủ khả năng để làm điều này tốt hơn so với những nước ít nguồn lực.
Ở Mỹ và châu Âu, Chính phủ các nước đều ban hành những chính sách rất cụ thể về truy cập mở. Họ lập luận rằng người đóng thuế không nên trả hai lần cho một kết quả khoa học – và yêu cầu các nhà nghiên cứu nhận tài trợ phải xuất bản các bài báo và dữ liệu khoa học của họ trong những kho lưu trữ trực tuyến mà mọi người có thể truy cập dễ dàng hoặc miễn phí.
Để đạt được điều này, các tổ chức tài trợ cho nghiên cứu phải cho phép nhà khoa học dành một phần ngân sách của dự án cho việc xuất bản mở, hoặc cung cấp những khoản tài trợ gián tiếp cho các tạp chí mở để họ có đủ kinh phí vận hành và tồn tại.
Song song với đó, các tổ chức, viện trường công lập cũng đạt được thỏa thuận với các nhà xuất bản thương mại để có được mức giá ưu đãi hơn cho việc truy cập vào các ấn phẩm mất phí. Điều này cho phép hàng ngàn sinh viên, nghiên cứu viên, trung tâm thư viện có thể dễ dàng tiếp cận vào những kho tri thức có giá trị cao của thế giới. Cách làm này đã được triển khai ở các nước phát triển và đang phát triển trong nhiều năm.
Ở Việt Nam, những nỗ lực như vậy hiện còn khiêm tốn. TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho biết từ những năm 2015, Bộ KH&CN đều dành ngân sách khoảng một triệu USD để mua bản quyền truy cập vào một số cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế như Thomson Reuters, Elsevier và cấp phát tài khoản cho một số tổ chức lớn. Các tài khoản này không hoàn toàn miễn phí nhưng vẫn ở mức người dùng có thể chi trả được. Tuy nhiên, nếu các sở ngành địa phương hoặc toàn bộ hệ thống trường học muốn truy cập vào thì [Bộ KH&CN] hầu như không có đủ kinh phí.
Hơn thế nữa, khu vực công của Việt Nam hiện chưa có những cơ chế rõ ràng để các nhà tài trợ nghiên cứu trả tiền cho việc xuất bản trên các tạp chí mở. Họ cũng không buộc các nhà nghiên cứu phải chia sẻ dữ liệu hoặc xuất bản kết quả trên những trang truy cập mở.
“Do vậy, nếu lựa chọn khoa học mở thì các nhà quản lý phải chuẩn bị thật tốt cho việc sửa một số luật như Luật KH&CN, Luật ngân sách nhà nước, v.v”, ông Nguyễn Quân nhận xét.
Nếu được áp dụng, tác động của chính sách khoa học mở sẽ rất lớn, vì Chính phủ hiện tài trợ cho phần lớn nghiên cứu khoa học trong nước.
Nguồn: khoahocphattrien.vn