Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định phát triển khoa học và công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm đột phá, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trên cơ sở định hướng của Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ; qua đó đã hình thành, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Nhiều chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là việc ban hành nhiều Đề án và Nghị quyết của HĐND tỉnh về khoa học và công nghệ, với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, tạo điều kiện để khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh có sự phát triển bứt phá trong những năm gần đây, nhất là các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, phát triển công nghệ sinh học, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đ/c Đặng Quốc Khánh cùng Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia tham quan nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Trong những năm qua, mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các Tổ chức quốc tế; sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cán bộ, nhân dân tỉnh nhà; sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ các nhà khoa học, của cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, nỗ lực vượt qua thách thức, ổn định tình hình, đạt được thành quả quan trọng và tiếp tục phát triển đúng hướng theo mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm 2016 - 2021. Công tác khoa học và công nghệ đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh như: Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ; nhiều đề tài, dự án khoa học giúp các nhà quản lý hoạch định chủ trương, chính sách, lập kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Một số dự án đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, nâng cao niềm tin và ý thức của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Qua đó, đã chuyển giao được nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo thêm được việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân, giúp các địa phương trong vùng tiếp nhận, làm chủ các công nghệ, cải thiện chất lượng giống cây con, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả; thúc đẩy phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh như cây ăn quả có múi, phát triển nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến nông, lâm, hải sản; tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và giải quyết nước sạch quy mô hộ gia đình và cụm dân cư; khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống và nghề phụ; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; sản xuất giống và nuôi thủy sản với các hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi sinh thái; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn, xử lý môi trường, rác thải; cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo các sở ngành tham quan mô hình trồng nấm của các hộ dân
Công tác hỗ trợ xác lập, quản lý và khai thác giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu, sản phẩm đặc sản và làng nghề được quan tâm; đã tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm như: Cam Thượng Lộc, Nhung hươu Hương Sơn, Cam Khe Mây, Mộc Thái Yên, Kẹo cu đơ, … góp phần quan trọng quảng bá sản phẩm và hình ảnh quê hương Hà Tĩnh, nâng cao giá trị và thị trường tiêu thụ. Đến nay đã hỗ trợ thiết kế logo, nhãn hiệu cho 500 mẫu hàng hóa/dịch vụ; hỗ trợ đang ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho hơn 1.300 đơn của tổ chức và cá nhân. Các tổ chức, cá nhân đăng ký thương hiệu đã quan tâm khai thác, sử dụng và mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; ý thức, nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp cũng dần thay đổi, đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế hiện nay.
Công tác kết nối cung cầu công nghệ ngày càng được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được du nhập, ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, như: Công nghệ sản xuất gạch ngói không nung; Công nghệ sản xuất các cấu kiện bê tông công nghệ cao; Công nghệ sản xuất cơ khí chế tạo sản xuất các sản phẩm cơ khí, kết cấu thép lớn; Công nghệ sản xuất các sản phẩm ván ghép thanh, MDF, HDF từ gỗ rừng trồng; Công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh... góp phần gia tăng sản lượng sản xuất, chất lượng các sản phẩm, năng lực sản xuất trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 - 2018, trên địa bàn tỉnh có trên 100 hợp đồng chuyển giao công nghệ và thiết bị được ký kết thực hiện.
Có thể khẳng định rằng, khoa học và công nghệ tỉnh nhà đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, tăng thị phần năng suất tổng hợp (TFP) trong tổng thu nhập của tỉnh, đưa Hà Tĩnh là tỉnh nằm trong số 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước trong giai đoạn 2011 - 2017, đặc biệt năm 2018 tốc độ tăng trưởng đạt 20,8%, cao nhất cả nước.
Hiện nay, đất nước ta đang bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; do đó, một trong những giải pháp chính để phát triển nền kinh tế - xã hội là phải đặt mối quan tâm đúng mức đến công tác khoa học và công nghệ. Thời gian tới, trước nhu cầu thực tiễn, nắm bắt cơ hội, định hướng khoa học và công nghệ, Hà Tĩnh cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Tổ chức thực hiện triển khai các Nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước; hiểu rõ mọi thách thức phát triển khoa học và công nghệ gắn với các quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển của tỉnh. Thúc đẩy nhanh lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, hiện đại; chuyển giao, làm chủ những công nghệ mới nhằm tạo bước tăng trưởng mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả nền kinh tế. Tập trung xây dựng và phát triển có trọng điểm các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá, chế biến/chế tạo, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và năng lượng mới, nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm khoa học và công nghệ phải có sức cạnh tranh trên thị trường; những sản phẩm mới, nghiên cứu khoa học phải đến được các doanh nghiệp.
2. Xây dựng, phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ đủ mạnh, đảm bảo đủ khả năng tiếp thu, ứng dụng, làm chủ và phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp.
3. Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ và thị trường khoa học công nghệ; áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và quốc tế đối với sản phẩm hàng hóa của tỉnh để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.
Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ với các thành tựu làm thay đổi nền sản xuất và đời sống của nhân loại, đồng thời cũng phải đối phó với các thách thức to lớn trong quá trình phát triển. Trong sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay của Hà Tĩnh, khoa học và công nghệ có vai trò rất quan trọng và quyết định để tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng có tính đột phá, nâng cao đời sống cho nhân dân, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã đề ra, đưa Hà Tĩnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững./.
TS. Đặng Quốc Khánh
Uỷ viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng,
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh,
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh