Hiện nay, chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì vậy, xu hướng khởi nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành hướng đi đúng đắn, tạo tác động tích cực đến xã hội, mang lại các lợi ích kinh tế và kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.
Để tạo động lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thì việc tạo thêm các cơ chế sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia tích cực hơn vào mô hình này.
Thời gian qua, nhiều thị trường phát triển đã quan tâm hơn đến thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển bền vững và đã lồng ghép cam kết liên quan đến nội dung này trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Do đó, doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng kinh tế tuần hoàn nếu từng bước nâng cao nhận thức, tận dụng lợi thế thì cơ hội phát triển sẽ mở rộng không chỉ tại thị trường trong nước mà các thị trường xuất khẩu cũng rất tiềm năng.
Chia sẻ với báo chí, ông Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tại châu Âu lấy định hướng kinh tế tuần hoàn hướng vào người tiêu dùng, hoàn thiện các tiêu chuẩn quy chuẩn thúc đẩy quyền lợi người tiêu dùng. Từ kinh nghiệm này, khi chúng ta triển khai kinh tế tuần hoàn giá trị cốt lõi nhất của người kinh doanh là hướng về người tiêu dùng, hướng đến sản phẩm bán được cho người sử dụng.
Về mặt chính sách, Đảng và Chính phủ cũng luôn khuyến khích thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn. Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đề án nêu rõ mục tiêu tổng quát chính là phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Nguồn: vietq.vn