Khi phân tích các nghiên cứu từ năm 2012 tới 2022, nhóm ba nhà khoa học Hope Dillarstone, Laura Brown và Elaine Flores phát hiện những người quan tâm tới khủng hoảng khí hậu thường muốn có ít con, hoặc không sinh con. Những lo lắng về vấn đề quá tải dân số, tiêu dùng quá mức, tương lai bất ổn, và làm sao đáp ứng nhu cầu của gia đình nằm trong số những yếu tố thúc đẩy xu hướng này.
Quá tải dân số và tiêu thụ quá mức
Bạn có cảm thấy tội lỗi về lượng phát thải cacbon của đứa con mà mình có thể sinh ra? Bạn có thất vọng về xã hội hiện đại đề cao giá trị vật chất và tình trạng tiêu thụ vô tội vạ? Những vấn đề này cũng xuất hiện trong một số nghiên cứu mà nhóm xem xét.
Đằng sau ý tưởng cho rằng Trái đất đang bị quá tải dân số là một lịch sử lâu đời, nan giải và nặng tính chính trị. Dưới nhiều hình thức khác nhau, ý tưởng này đã xuất hiện ít nhất là từ cuối thế kỷ 18 và dẫn tới những biện pháp “kiểm soát dân số” phi đạo đức ở một số quốc gia.
Một số người lập luận hành tinh này đang có quá nhiều người sinh sống, và tình trạng này gây ra khủng hoảng khí hậu. Nhưng các lập luận của họ thường bỏ qua một điều: vấn đề không chỉ là bao nhiêu người đang sống trên hành tinh này, mà quan trọng hơn là lối sống của chúng ta có bền vững không.
Lựa chọn không sinh con vì lo lắng khủng hoảng khí hậu là không đủ và không hiệu quả. Dù cho mức sinh có giảm thì dân số vẫn sẽ tiếp tục đà tăng. Hiện nay số người trong độ tuổi sinh sản trong dân số toàn cầu vẫn rất lớn, vì thế ngay cả khi tỷ lệ sinh đang giảm thì vẫn có nhiều trẻ em được sinh ra hơn số người chết đi.
Chúng ta cần nhanh chóng thực thi nhiều giải pháp cấu trúc hơn, chẳng hạn như giảm mạnh lượng khí thải carbon. Và những giải pháp này hứa hẹn đem lại những tác động hiệu quả hơn là giảm quy mô gia đình.
Dự cảm về một tương lai bất định
Hẳn sẽ có những người lo lắng con cái mình không được tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp do các hệ sinh thái bị hủy hoại. Có người sợ rằng kết quả còn thảm khốc hơn nữa, như sự sụp đổ hoàn toàn của xã hội loài người. Trong các nghiên cứu, đây là những chủ đề phổ biến ảnh hưởng tới quyết định sinh ít con, nhất là với người dân Mỹ, Canada, New Zealand và châu Âu.
Những lo ngại này hoàn toàn chính đáng. Theo báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, chúng ta chỉ có 14% cơ may đạt được mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. Nhiều khả năng toàn cầu sẽ nóng lên 3
o
C trước khi thế kỷ này kết thúc.
Cùng lúc đó, hàng trăm triệu người trên toàn cầu đã và đang phải hứng chịu những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu trong cuộc sống hằng ngày. Ở Zambia và Ethiopia, những lo ngại về biến đổi khí hậu đang trực tiếp ảnh hưởng tới quyết định sinh con.
Trong nghiên cứu năm 2021 về tác động của hạn hán đối với an sinh xã hội – tài chính của phụ nữ Zambia và đời sống sinh sản của họ, một người tham gia chia sẻ: "Sáu đứa con mà tôi muốn sinh ra sẽ chẳng có đủ lương thực để ăn”. Nhưng để sinh ít con hơn, con người cần được tiếp cận các biện pháp tránh thai, mà nguồn cung những biện pháp này có thể bị gián đoạn, nhất là trong các thời kỳ khủng hoảng.
Đồng thời, một số người được hỏi khác cho biết họ đang cân nhắc sinh nhiều con hơn, với niềm tin rằng thêm con thì thêm sức lao động và hỗ trợ tài chính. Điều này nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu đang trực tiếp cản trở công bằng sinh sản – quyền có con, hay không sinh con, làm cha mẹ trong môi trường an toàn và lành mạnh – nhất là ở những nước
có thu nhập thấp ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin.
Sinh con là một lựa chọn chính trị
Xét cho cùng, cuộc khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng tới tất cả loài người, và vì thế đây cũng là khủng hoảng chính trị. Nhiều khả năng, chúng ta có thể tránh được những kết quả tồi tệ nhất về khí hậu nếu đồng lòng yêu cầu chính phủ giảm mạnh lượng khí thải do ngành công nghiệp và người tiêu dùng tạo ra, hơn là tập trung thay đổi hành vi của cá nhân đơn lẻ.
Một nghiên cứu được xem xét trong công trình của nhóm tác giả University College London đã làm rõ quan điểm này. Nó phân tích cách các nhà hoạt động môi trường tiếp cận quyết định sinh con như thế nào. Một số người chọn không sinh con để gây áp lực chính trị và vận động chính sách, chẳng hạn như phong trào BirthStrike nổ ra ở Anh vào tháng 3/2019, tập hợp những người từ chối sinh con cho tới khi các vấn đề xã hội/ môi trường/kinh tế được giải quyết.
Còn với những người khác, lựa chọn này được đưa ra để giải phóng thời gian và sức lực cho các hoạt động chính trị và vận động chính sách xoay quanh khủng hoảng khí hậu.
Ngoài ra, một số người nhìn nhận việc sinh con như một cách để nuôi dạy các nhà hoạt động tương lai.
Nguồn:
khoahocphattrien.vn