09:01 | 25-04-2016

Kiểm soát lạm dụng kháng sinh chăn nuôi

Kiểm soát lạm dụng kháng sinh chăn nuôi

Bộ NN-PTNT đang quyết liệt đẩy lùi vấn nạn lạm dụng kháng sinh chăn nuôi
Sau một thời gian dài ứng dụng kháng sinh làm thức ăn bổ sung, các nước bắt đầu có những nhìn nhận khác nhau về mối nguy với sức khỏe con người, bên cạnh những lợi ích tích cực của chúng.
Có quan điểm lo ngại rằng, sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN) sẽ dẫn đến kháng thuốc ở động vật và xa hơn nữa sự tồn dư kháng sinh trong thực phẩm gây nên sự kháng thuốc ở con người.

Vì thế, vào những năm 1980, một số nước phát triển đã xây dựng lộ trình kiểm soát và tiến tới cấm sử dụng kháng sinh như chất kích thích sinh trưởng trong TĂCN.

Tại VN đã ban hành “Danh mục cấm sử dụng một số loại kháng sinh trong TĂCN” (Thông tư số 81/2009/TT-BNNPTNT và Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT). Các loại kháng sinh hóa chất quy định tại Thông tư này cũng đã được cấm ở hầu hết các nước trên thế giới.

Theo các quy định hiện nay, VN có 46 loại kháng sinh, hóa dược được phép sử dụng trong TĂCN, trong đó 24 loại được quy định hàm lượng tối đa cho phép và 22 loại có trong các sản phẩm TĂCN bổ sung được phép nhập khẩu vào VN. Trong 2 năm 2012 và 2014, Cục Chăn nuôi đã tổ chức điều tra tại 94 nhà máy sản xuất, kinh doanh TĂCN công nghiệp trên địa bàn 18 tỉnh/thành cả nước, kết quả như sau:

Thứ nhất, đối với TĂCN cho gà: Trong số 19 loại kháng sinh được phép sử dụng thì có 14 loại được các nhà máy dùng phổ biến. Loại dùng nhiều nhất là Chlortetracylin và Salinomycin, tiếp theo là Roxason và BMD. Đã có một số đơn vị công bố hàm lượng sử dụng cao hơn mức quy định, nhất là với 3 loại kháng sinh BMD, Salinomycin và Tylosin phốt phát.

Đặc biệt, có 4 loại kháng sinh ngoài quy chuẩn được công bố sử dụng là Colistin, Maduramicin, Neomycin Sunphate và Salinomycin Sodium (7/13 đơn vị công bố sử dụng). Ngoài ra, kết quả điều tra ngay tại các trại cũng cho thấy, tất cả các trại chăn nuôi gà có sử dụng kháng sinh đều dùng cao hơn quy chuẩn cho phép.

Cục Chăn nuôi đề nghị, các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo, đài ở trung ương và địa phương trong việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu tác hại của việc lạm dụng kháng sinh đến cả vật nuôi và con người. Đồng thời, ngành chăn nuôi đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi nhằm truy xuất nguồn gốc, xác định sản phẩm tồn dư kháng sinh để xử lý theo quy định pháp luật.

Thứ hai, đối với TĂCN cho heo: Có 8/9 loại kháng sinh trong quy chuẩn được các nhà máy sử dụng, trong đó Chlortetracylin được dùng nhiều nhất. Có 2 loại kháng sinh được công bố sử dụng cao hơn quy định là Chlortetracylin và Tylosin phốt phát.

Đặc biệt, có 4 loại kháng sinh ngoài quy chuẩn được công bố sử dụng là Colistin, Florfenicol, Kitasamycin và Monensin. Ngoài ra, kết quả điều tra tại các trại cũng cho thấy, hầu hết các trại đều tự dùng kháng sinh với mục đích phòng bệnh nhưng hàm lượng sử dụng cao hơn quy định từ 2 - 4 lần.

Như vậy, trên cả 2 đối tượng heo và gà, việc lạm dụng kháng sinh trong sản xuất TĂCN vẫn xảy ra. Việc làm này không những vi phạm quy định về quy chuẩn kỹ thuật, mà còn có nguy cơ làm tăng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm và lãng phí về mặt kinh tế.

Đề xuất biện pháp xử lý, Cục Chăn nuôi đề nghị, cần quy định về sử dụng kháng sinh trong trại chăn nuôi (chỉ sử dụng khi có bệnh, tuân thủ thời gian ngừng thuốc trước khi xuất bán, áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGAHP). Sớm thành lập nhóm công tác kiểm tra đột xuất việc lạm dụng kháng sinh ngay tại các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt lưu ý các nhóm hộ chăn nuôi tự phối trộn thức ăn, tận dụng thức ăn thừa của quán và bếp ăn tập thể.

Ngoài ra, thanh tra Bộ NN-PTNT phát huy đường dây nóng, phối hợp với Cục C49 và các đơn vị có liên quan tổ chức trinh sát, xác minh, thanh tra, kiểm tra đột xuất khi nhận được thông tin về các dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thanh tra Bộ cũng là cơ quan đầu mối trong việc thực hiện các đợt kiểm tra cao điểm, tổ chức giao ban định kỳ với các đơn vị liên quan.

Theo: nongnghiepvn.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận