Hưởng lợi từ công nghệ
Rất ít nơi được hưởng lợi từ những tiến bộ công nghệ nhiều như bệnh viện. So với một thế kỷ trước, bệnh nhân đang được chăm sóc y tế tốt hơn và có khả năng sống sót cao hơn. Những gì từng được coi là phép lạ - như các công nghệ soi chiếu vào trong cơ thể, xét nghiệm sinh học phân tử, phẫu thuật hay chẩn đoán sớm có sự hỗ trợ của AI - giờ đây được xem là những thực hành thường xuyên với các y bác sĩ.
Giờ đây, kính thực tế tăng cường, một trong những công nghệ có khả năng cách mạng hóa lĩnh vực y tế từ xa (Telemedicine), đã bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam.
Công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality) cho phép phủ một lớp nội dung kỹ thuật số lên các đối tượng trong thế giới thực. Chúng bao gồm các đồ họa, hiệu ứng, âm thanh, văn bản và phản hồi cảm ứng để cải thiện trải nghiệm người dùng theo thời gian thực.
Đối với kính AR, các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đã khéo léo tận dụng những ưu điểm này để vừa cải thiện triệt để hiệu suất của các bác sĩ tuyến dưới, vừa giúp bệnh nhân thăm khám tốt nhất mà không phải chuyển tuyến.
Một trong những lợi ích chính của việc sử dụng kính AR là chúng cho phép các bác sĩ và y tá cộng tác theo thời gian thực ở các địa điểm khác nhau.
Bác sĩ Bùi Trung Dũng, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai, mô tả: “Với kính AR, một bác sĩ chuyên môn ở Hà Nội hầu như có thể nhìn thấy những gì bác sĩ hoặc y tá ở Yên Bái đang thấy và đưa ra các hướng dẫn, chỉ dẫn trong thời gian thực. Vì kính đeo trên đầu nên bác sĩ ở Yên Bái, không bị ảnh hưởng đến các thao tác như sờ nắn, gõ nhẹ, thậm chí là phẫu thuật. Họ có thể dùng hai ngón tay để kéo mở file ảnh X-quang, ảnh CT hoặc bất kỳ chỉ số xét nghiệm quan trọng nào trong bệnh án điện tử EMR của người bệnh. Nhờ đó, bác sĩ ở hai đầu có thể đồng thời xem xét cả người bệnh và dữ liệu để đưa ra các chẩn đoán tốt nhất”.
Điều này đặc biệt hữu ích với các vùng nông thôn không đủ các y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao để cung cấp dịch vụ chăm sóc tại chỗ. “Các bệnh viện tuyến Trung ương luôn luôn gặp phải tình trạng quá tải trong khi bệnh viện tuyến dưới thì vắng vẻ. Có nhiều nguyên nhân trong đó nhưng một phần nằm ở việc trình độ chuyên môn và cập nhật của những của cán bộ y tế tại cơ sở chưa được tốt”, PGS. BS. Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, giải thích.
Trong thực hành y khoa, việc đào tạo tốt nhất là học qua từng ca bệnh. Chẳng hạn như thay vì giảng cho học viên một bài chung về bệnh hen phế quản thì khi gặp một bệnh nhân đến khám nghi là mắc hen, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm, đưa ra kết luận chẩn đoán và cho điều trị bệnh, đồng thời giảng giải cho học viên các nội dung liên quan đến hen đối với ca bệnh này và bài học rút ra từ đó để lần sau học viên có thể biết cách xử lý nếu gặp những trường hợp tương tự.
“Với kính AR, mỗi lần thăm khám là một lần các bác sĩ ở Trung ương có thể ‘cầm tay chỉ việc’ cho các bác sĩ ở địa phương về những triệu chứng, lập luận chẩn đoán, chỉ định cận lâm sàng, kết luận chẩn đoán và phác đồ điều trị. Thông qua những thực hành như vậy, kiến thức và trình độ chuyên môn của các bác sĩ tuyến y tế cơ sở sẽ được cải thiện và nâng cao rõ rệt”, Bác sĩ Giáp nói.
Còn lợi ích với người bệnh thì sao? Điều dễ nhận thấy nhất là những người bệnh ở vùng sâu, vùng xa và nông thôn không cần phải chịu thêm chi phí đi lại mà vẫn có thể tiếp cận được với những dịch vụ y tế tốt nhất. Ý tưởng đằng sau kính AR và tất cả công cụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe từ xa đang được triển khai ở Việt Nam là “thay vì đưa bệnh nhân đến với các chuyên gia tại bệnh viện, bệnh viện sẽ đưa các chuyên gia đến với bệnh nhân”.
Trong dự án của Bệnh viện Bạch Mai, hệ thống kính AR đã được áp dụng cho 94 người bệnh tại tám bệnh viện ở Yên Bái, bao gồm hai bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, bốn trung tâm y tế tuyến huyện và hai trạm y tế xã. “Hãy tưởng tượng có gần 100 người không cần phải đi lên Hà Nội mà vẫn được tư vấn khám tại chỗ, điều này giúp mỗi gia đình và xã hội tiết kiệm được bao nhiêu nguồn lực? Rất nhiều người bệnh lên tuyến Trung ương chỉ để khám tim mạch, cao huyết áp, và các bệnh lý thông thường mà nhiều cơ sở y tế tại địa phương có thể đáp ứng”, Bác sĩ Giáp nhận xét.
Lợi ích này sẽ càng rõ rệt khi mạng sống của bệnh nhân bị đe dọa, đòi hỏi sự can thiệp ngay lập tức của bác sĩ chuyên khoa. Các nghiên cứu trên thế giới thời kỳ COVID-19 chỉ ra, một hệ thống AR di động có thể tăng tỷ lệ sống sót của những ca bệnh tại phòng ICU khi bệnh nhân không thể di chuyển được vì lệnh lockdown. Mối đe dọa virus khiến các nhân viên y tế không thể vào phòng bệnh một lúc. Tuy nhiên họ có thể cho phép một người mặc đồ bảo hộ và đeo kính vào quan sát, từ đó giúp cho nhóm bác sĩ ở ngoài và các chuyên gia quốc tế cách đó hàng ngàn cây số có thể nắm bắt tình hình và cung cấp các giải pháp chuyên môn hữu ích.
“Thực tế là những công nghệ như kính thông minh AR sẽ không đội thêm quá nhiều chi phí khám bệnh cho người bệnh. Ngược lại nó có thể cứu sống và giúp họ giảm được rất nhiều phiền hà”, Bác sĩ Giáp nói thêm.
Chấp nhận sử dụng
Dự án của Bệnh viện Bạch Mai là một dự án nhỏ, kéo dài một năm (từ 9/2021 đến tháng 9/2022), trị giá khoảng 390.000 AUD (~6,2 tỷ đồng) do Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang Australia CSIRO tài trợ.
Đối tác của họ, Đại học Tasmania, đã phát triển một hệ thống hỗ trợ thực tế tăng cường từ xa tích hợp trên nền kính HoloLens VR của Microsoft để đánh giá trong nhiều năm trước khi chuyển giao cho các cơ sở y tế tại Việt Nam.
“Ban đầu, các thiết bị thực tế tăng cường được thiết kế chủ yếu cho những kỹ sư cần sửa chữa máy móc dưới hướng dẫn từ xa. Sau đó, xu hướng áp dụng công nghệ này trong telemedicine đã xuất hiện và lan tỏa dần toàn cầu. Nhiều công bố khoa học trên các tạp chí uy tín trên thế giới gần đây đã xác nhận những hiệu quả tích cực của các hệ thống sử dụng công nghệ AR này, ví dụ như trong việc theo dõi và điều trị người bệnh COVID tại một số cơ sở y tế tại Vương quốc Anh. Tuy nhiên ở Việt Nam thì công nghệ này mới được áp dụng lần đầu.” Bác sĩ Bùi Trung Dũng, người đang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Tasmania, tiết lộ.
Nhưng ngay cả những công nghệ y tế tốt nhất trên thế giới cũng sẽ không tạo ra sự khác biệt nếu không ai muốn sử dụng chúng. Bác sĩ Bùi Trung Dũng cho rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc chấp nhận kính AR trong chăm sóc sức khỏe, ví dụ: Nó trông như thế nào? Có dễ sử dụng không? Bác sĩ có thoải mái khi đeo trong suốt thời gian dài? Liệu người bệnh có cảm thấy phiền toái khi đối diện với bác sĩ đeo kính?
Anh chỉ ra một số ưu nhược điểm trong khi sử dụng thiết bị. Khác với một số hệ thống telemedicine hiện có cần máy móc thiết bị lớn hoặc phải ngồi cứng trong phòng họp, kính AR hết sức gọn nhẹ và phù hợp với các thực hành lâm sàng. Các bác sĩ đeo kính có thể di chuyển khắp nơi và được giải phóng đôi tay. Họ truy xuất thông tin và tương tác với hình ảnh ngay lập tức mà không cần phải tháo găng tay vô trùng hoặc chạm đến các thiết bị khác.
14 nhân viên y tế tại Yên Bái đã tiếp thu rất nhanh và sử dụng thành thao hệ thống chỉ trong thời gian ngắn, cho thấy khả năng thích ứng cao với công nghệ.
Người bệnh đồng thời không quá e ngại với việc bác sĩ đeo kính trên đầu và nói chuyện. Thậm chí, họ còn hào hứng vì bác sĩ sử dụng công nghệ mới và ủng hộ việc nhân viên y tế của mình được kết nối với tuyến Trung ương mà không cần phải di chuyển, Bác sĩ Dũng tiết lộ.
Thêm vào đó, kính AR đòi hỏi tốc độ mạng 3G/4G/WiFi không cao, từ 1,5 đến 10Mbps - bằng khoảng 1/5 so với tiêu chuẩn kết nối Internet mà các cơ sở y tế tuyến dưới đang được đầu tư trong các dự án quốc gia về y tế từ xa. Từ kinh nghiệm dự án, các bác sĩ nhận thấy đôi khi những yếu tố thiên nhiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ thống, ví dụ mất điện do mưa bão tại vùng núi.
“Về mặt kỹ thuật, bệnh viện tuyến nào cũng sử dụng được hệ thống AR này. Tuy nhiên chúng tôi khuyến cáo các cơ sở y tế cần cân nhắc giữa lợi ích của hệ thống với tình hình khám chữa bệnh thực tế tại cơ sở. Hệ thống này sẽ phát huy tốt ở những cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa có nhu cầu được tư vấn lớn với các bác sĩ tuyến trên hoặc trên những ca bệnh cần được hỗ trợ trong quá trình thực hiện các thủ thuật lâm sàng trong khi chuyên gia lại không có sẵn tại chỗ”, Bác sĩ Dũng gợi ý.
Tuy nhiên, vì đây là dự án đầu tiên sử dụng công nghệ AR trong khám chữa bệnh từ xa tại Việt Nam nên nhóm nghiên cứu phải liên tục cập nhật phản hồi của người dùng, đặc biệt là những phản hồi về việc xây dựng cơ chế cụ thể để hỗ trợ triển khai.
Việc duy trì sử dụng hệ thống trong lâm sàng và phát huy những ưu điểm của công nghệ cũng là một bài toán cần giải đáp sau khi dự án kết thúc hỗ trợ tài chính. Nếu mạng lưới kết nối tới các bệnh viện khác được mở rộng thì lãnh đạo của các bệnh viện ít nhất sẽ phải tính đến việc đầu tư cho thiết bị.
Mỗi chiếc kính AR trong dự án có giá khoảng 5.000 AUD (~80 triệu đồng). Tuy nhiên, với tốc độ phát triển công nghệ hiện nay, khi các công ty toàn cầu như Google, Apple, Oculus VR, Sony, Seiko Epson, Lumus, Meta, Vuzix v.v đang dốc sức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tốt hơn thì giá thành của những chiếc kính AR tương lai có thể giảm. Thực tế, so với phiên bản đầu tiên năm 2017, chiếc kính Hololens phiên bản hai của Microsoft hiện nay đã có giá thấp hơn tới 30%.
Ngoài chi phí cho phần cứng, chi phí để duy trì bản quyền của các phần mềm dù không lớn nhưng cũng là một điểm cần lưu tâm trong ngân sách hoạt động hàng năm của từng đơn vị.
Mở rộng mô hình
Là người dẫn dắt cho dự án tiên phong này ở Việt Nam, PGS. BS. Vũ Văn Giáp tin rằng công nghệ AR hoàn toàn có thể nhân rộng ở Bệnh viện Bạch Mai cũng như nhiều trung tâm y tế khác. Các lãnh đạo của Bệnh viện đang trong tiến trình thúc đẩy với các đối tác Úc và Việt Nam để đưa công nghệ này áp dụng phổ biến hơn, hoặc gắn chúng vào các hoạt động của Đề án khám chữa bệnh từ xa và Đề án chuyển đổi số của Bộ Y tế.
Sẽ mất thời gian để công nghệ AR được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên các bệnh viện có thể phát huy những tiềm năng mà chúng mang lại.
Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai có hơn 500 điểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và phải tổ chức hàng nghìn buổi hội chẩn cấp cứu và hội chẩn các ca bệnh thường quy theo chuyên ngành mỗi tuần. Trong dự án kính AR, các bác sĩ đã chứng minh được hiệu quả khi chẩn đoán hai nhóm bệnh hô hấp và tim mạch. PGS.BS Vũ Văn Giáp tin rằng họ hoàn toàn có thể mở rộng việc áp dụng AR trong nhiều chuyên khoa khác, tùy theo mức độ.
Thông qua dự án, Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng được một bộ tài liệu học tập toàn diện nhằm đào tạo nhân viên kỹ thuật và các chuyên gia y tế về cách thiết lập và ứng dụng thiết bị AR khi tư vấn lâm sàng cho bệnh nhân. Những tài liệu này dựa trên mô hình tư vấn từ xa theo tình huống do nhóm nghiên cứu thiết lập, được xuất bản trên tạp chí Medical Teacher và PLoS ONE.
“Đối với y tế từ xa, việc đào tạo là hết sức quan trọng. Nếu người dùng có đầy đủ hiểu biết về ưu, nhược điểm của công nghệ, họ sẽ là người quyết định chính xác nhất hiệu quả trong thực tế lâm sàng. Họ sẽ biết được trường hợp nào sử dụng hệ thống chính xác nhất và tránh được những điểm chưa phù hợp của công nghệ”, Bác sĩ Giáp nhấn mạnh.