Thiếu hệ thống xay xát tân tiến đã ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo Hà Tĩnh.
Chịu thiệt thòi khi tiêu thụ
Thị trường bấp bênh, luôn bị tư thương ép giá, thậm chí phải đội lốt nhãn hiệu để tiêu thụ… là thực trạng đáng buồn của hạt gạo Hà Tĩnh hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Gạo Hà Tĩnh tuy có chất lượng nhưng do chưa tạo được thương hiệu riêng nên khó cạnh tranh trên thị trường. Để tiêu thụ, HTX phụ thuộc rất lớn vào đối tác và không tránh khỏi tình trạng bị ép giá liên tục. Vì thế mà gần 3 năm thu mua, chế biến, phân phối, song lợi nhuận thu về không đáng kể”.
3 năm thu mua, chế biến nông sản cũng là ngần ấy thời gian chị Tô Thị Nhài – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhài Duy (xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh) xuất lúa, gạo Hà Tĩnh sang Trung Quốc. Chị Nhài chia sẻ: “Mỗi năm, chúng tôi thu mua hàng nghìn tấn lúa của nông dân Hà Tĩnh. Sau đó, HTX nhập cả lúa và gạo cho một công ty ở miền Bắc để xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, lúa, gạo Hà Tĩnh lúc này đều phải đội lốt bao bì Trung Quốc và tất nhiên những loại gạo có chất lượng như: P6, gạo thơm… cũng bị đánh tráo tên gọi”.
Một cán bộ Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Tỉnh ta có hàng chục HTX, tổ hợp tác thu mua, chế biến nông sản nhưng đầu ra gặp rất nhiều khó khăn. Điều này rất thiệt thòi cho nông dân Hà Tĩnh”.
Số lúa này sau khi xay thành gạo sẽ được HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhài Duy (Kỳ Anh) nhập cho một công ty ở miền Bắc để xuất đi dưới nhãn mác bao bì Trung Quốc.
“Ở đâu có thương hiệu, ở đó có chỗ đứng”
Trong khi nhiều HTX thu mua, chế biến nông sản trên địa bàn gặp khó trong tiêu thụ thì HTX Sản xuất, kinh doanh giống - Thương mại dịch vụ - Chế biến nông sản Đức Lâm (Đức Thọ) đã tìm kiếm được những đối tác lâu dài. Có được điều này bởi từ khi thành lập (năm 2012) đến nay, HTX đã xây dựng được thương hiệu gạo riêng.
Giám đốc Nguyễn Thị Châu vui mừng: “P6, lúa thơm… là các giống chất lượng khá của Hà Tĩnh. Tuy vậy, muốn người tiêu dùng tin chọn, rất cần chỉ dẫn thông tin cụ thể nên khi bước chân vào kinh doanh, điều đầu tiên HTX nghĩ đến là vấn đề thương hiệu. Dù khó khăn nhưng chúng tôi đã cố gắng, nỗ lực hoàn thiện các thủ tục, xây dựng thành công thương hiệu gạo Đức Cường. Sản phẩm ngon, xuất xứ rõ ràng nên hàng năm chúng tôi thu mua, chế biến từ 8-10 ngàn tấn lúa và xuất bán cho các đại lý, đơn vị bộ đội, xuất đi Hà Nội… Nhờ đó, doanh thu năm 2017 đạt khoảng 15 tỷ đồng, đem lại nguồn lợi khá cho các thành viên. Và điều quan trọng hơn cả là gạo Hà Tĩnh phần nào đã được khẳng định trên thị trường”.
Bà Nguyễn Thị Nhuần – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh “Muốn xây dựng thành công thương hiệu gạo Hà Tĩnh, Nhà nước cần quan tâm đầu tư nguồn giống tốt gắn với việc quản lý chặt chẽ về chất lượng. Ngoài ra, cần quy hoạch cánh đồng lớn trên cùng một loại giống và cần tạo cơ chế, chính sách về bảo quản, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn mác… Còn người nông dân cần thay đổi quan niệm từ lối sản xuất tự do, tự cung, tự cấp sang quy trình sản xuất khép kín trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch”. Ông Phan Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Tĩnh “Để xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu gạo Hà Tĩnh thì phải gắn với doanh nghiệp, HTX. Và tất nhiên, không thể thiếu sự kiểm tra, giám sát, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, cũng phải gắn thương hiệu sản phẩm vào cơ quan quản lý nhà nước để tạo niềm tin cho người tiêu dùng”. Bà Nguyễn Thị Châu - Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh giống - Thương mại dịch vụ - Chế biến nông sản Đức Lâm “Điều HTX đang trăn trở là chưa có hệ thống máy móc xay xát tân tiến để tạo ra hạt gạo đẹp hơn, chất lượng hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần đầu tư máy sấy để có thể thu mua hết lúa gạo cho bà con, nhất là trong vụ hè thu, tránh tình trạng ẩm mốc. Tuy nhiên, nguồn vốn hạn hẹp nên HTX rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ các cấp, ngành”. |
Theo baohatinh.vn