Sáng 2/4, Chi hội Di sản văn hóa dân gian (VHDG) Việt Nam tại Hà Tĩnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo “Một số giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của Di sản văn hóa làng Trường Lưu”.
Ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN, bà Phan Thư Hiền - Chi hội phó Chi hội Di sản VHDG Việt Nam tại Hà Tĩnh và GSTS Nguyễn Huy Mỹ, chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo.
Các đại biểu, nhà nghiên cứu tham gia hội thảo.
Dự hội thảo có: Bà Nguyễn Thị Nơ - Đại diện Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao. Một số nhà nghiên cứu đến từ Văn Miếu Quốc tử giám, Viện Hán nôm (Hà Nội)... Về phía tỉnh Hà Tĩnh có: Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải cùng đại diện các sở, ban, ngành. |
Báo cáo đề dẫn hội thảo, bà Phan Thư Hiền - Chi hội phó Chi hội Di sản VHDG Việt Nam tại Hà Tĩnh khẳng định, di sản văn hóa Trường Lưu không chỉ mang giá trị địa phương mà còn mang giá trị toàn cầu.
Năm 2016 và 2018, UNESCO đã công nhận “Mộc bản trường học Phúc Giang” và “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là hai di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP). Đây không chỉ là vinh dự đặc biệt của dân làng Trường Lưu mà còn là vinh dự của ngành di sản Việt Nam.
Bà Phan Thư Hiền - Chi hội phó Chi hội Di sản văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo.
Triển khai từ tháng 4/2020, mục tiêu chính của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu các giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của di sản văn hóa Trường Lưu” nhằm làm cơ sở cho việc lập hồ sơ đề cử di sản tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu của đề tài cũng góp phần vào việc phục vụ nhiệm vụ phát triển văn hóa và du lịch của Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng theo Nghị quyết số 93, ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo.
Tiến sỹ Nguyễn Huy Mỹ, chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tham luận “Tổng quan về di sản văn hóa làng Trường Lưu và những giá trị nổi bật”.
Hội thảo đã nhận được 30 tham luận của các học giả đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý văn hóa trong nước đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh.
Sau quá trình thẩm định, hội thảo giới thiệu 26 báo cáo, trong đó có 5 báo cáo từ nước ngoài (do dịch Covid-19, các nhà nghiên cứu nước ngoài chỉ gửi báo cáo không trực tiếp tham gia hội thảo).
Nhà nghiên cứu Huy Lê (Hà Nội) trình bày tham luận “Từ Hoàng Hoa sứ trình đồ và Phụng sứ Yên Đài tổng ca- Nguyễn Huy Oánh đến con đường đi sứ và đi giang hồ của Nguyễn Du”.
Các báo cáo tham luận tại hội thảo tập trung vào hai nội dung chính: Di sản văn hóa làng Trường Lưu - Giá trị nổi bật mang tính toàn cầu; cộng đồng với vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa Trương Lưu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trực tiếp nghe 5 báo cáo.
Nhà nghiên cứu Phạm Đình Hưng (Viện Hán Nôm - Hà Nội) trình bày báo cáo “Số hóa di sản Trường Lưu - Những việc đã làm và hướng đi tiếp theo”.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải nhấn mạnh giá trị to lớn của di sản văn hóa làng Trường Lưu đồng thời ghi nhận những nỗ lực và cống hiến của các nhà nghiên cứu trong việc tìm tòi nghiên cứu khoa học về dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu cũng như các di sản văn hóa làng Trường Lưu.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải phát biểu tại hội thảo
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, các nghiên cứu lần này cho thấy nhiều phát hiện mới mẻ và giá trị, làm sáng tỏ hơn giá trị của di sản văn hoá làng Trường Lưu.
Bế mạc hội thảo, Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn cảm ơn sự đóng góp tích cực của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu di sản văn hóa Trường Lưu.
Ông Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh bế mạc hội thảo
Ban Tổ chức đánh giá cao các tham luận, góp phần làm nên thành công Hội thảo “Một số giá trị tiêu biểu mang tính toàn cầu của Di sản văn hóa làng Trường Lưu”. Mong muốn thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ dành nhiều tâm huyết hơn nữa trong việc nghiên cứu di sản văn hóa làng Trường Lưu.
Thiên Vỹ - Báo Hà Tĩnh