08:00 | 05-08-2015

Lịch sử phát triển

I. SƠ LƯỢC QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/1954), nhiệm vụ chiến lược đặt ra cho Cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ là tập trung phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở để đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trước sự phát triển của sản xuất và yêu cầu của người lao động, vấn đề cải tiến kỹ thuật, đưa khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống đã trở thành một nhu cầu tất yếu. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khoá II - 1959) đã chỉ rõ “ Khoa học kỹ thuật là biện pháp và là phương tiện để giải quyết mâu thuẩn giữa người và thiên nhiên, là một điều kiện không thể thiếu được trong công cuộc xây dựng CNXH ”. Việc thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước và kiện toàn các cơ sở nghiên cứu khoa học là một vấn đề rất cần thiết, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng và tương lai phát triển của đất nước.

Ngày 4/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Chức năng chính của Uỷ ban Khoa học Nhà nước lúc này là tham mưu và quản lý các hoạt động khoa học trong phạm vi cả nước bao gồm khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Tiếp đó ngày 11/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 105/TTg về việc thành lập các Ban Kỹ thuật các tỉnh và thành phố; ngày 13/3/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 133/CT-TW về việc tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến, phát minh.

Chấp hành Chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ và xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà, ngày 05/6/1959 Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh đã ra Quyết nghị số 305/NQ-TU về việc thành lập Ban Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh, tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ bây giờ. Việc ra đời Uỷ ban Khoa học Nhà nước và các Ban Kỹ thuật cấp tỉnh đã đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong các hoạt động khoa học - kỹ thuật của cả nước và từng địa phương. Từ đây, các hoạt động khoa học - kỹ thuật đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và chính quyền các cấp, có cơ quan chuyên trách theo dõi, hướng dẫn hoạt động. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để tập hợp và phát huy trí tuệ sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân lao động, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế văn hoá, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Từ ngày thành lập đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh đã qua nhiều lần thay đổi tên gọi với chức năng và nhiệm vụ phù hợp với từng thời kỳ lịch sử: Năm 1959 - 1965: Ban Kỹ thuật Hà Tĩnh; Từ 1966 – 1975: Ban Khoa học - Kỹ thuật Hà Tĩnh; Từ 1976 -1983: Ban Khoa học và Kỹ thuật (Ban KHKT) Nghệ Tĩnh; Từ 1983 – 1991: Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nghệ Tĩnh; Từ 1991 – 1993: Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật (Uỷ ban KHKT) Hà Tĩnh; Từ 1993 -2003: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Hà Tĩnh (Sở KHCN&MT); Từ 2003 đến nay là Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh (Sở KH&CN).

II. SỰ PHÁT TRIỂN MỞ RỘNG VỀ CHỨC NĂNG , NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC, BỘ MÁY

Ngày đầu mới thành lập, Ban Kỷ thuật Hà Tĩnh nằm trong Văn phòng Uỷ ban Hành chính tỉnh,dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính tỉnh. Chức năng nhiệm vụ của Ban Kỷ thuật là giúp cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính tỉnh lãnh đạo phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tuyên truyền phổ biến khoa học- kỹ thuật,  vận động quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh (tháng 3/1959) về công cuộc cải tạo và phát triển kinh tế thông qua các phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến để đạt được mục tiêu cơ bản là tạo ra bước phát triển mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

Ngày 6/8/1960, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Thông tư số 341/TT về tăng cường lãnh đạo các Ban Kỷ thuật ở các tỉnh, thành phố. Cũng từ đó một số ngành đã tổ chức được Hội đồng khoa học- kỹ thuật như ngành Nông nghiệp, Công nghiệp, Lâm nghiệp, Giáo dục, Quân sự, Bưu điện. Từ đây Ban Kỷ thuật và các hoạt động khoa học - kỹ thuật của tỉnh đã được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp quan tâm hơn và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu triển khai, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất với mục tiêu là: đẩy mạnh sản xuất, giúp dân hiểu biết kỹ thuật và vận dụng vào thực tiễn sản xuất đời sống.

Đầu năm 1965, Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc trên quy mô lớn. Khoa học và kỹ thuật của nước ta đứng trước 2 nhiệm vụ lớn: Phục vụ đắc lực cho tiền tuyến và xây dựng hậu phương vững mạnh cả về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội.  Nhằm tăng cường tính chủ động và sáng tạo trong hoạt động, đầu năm 1966 Tỉnh uỷ quyết định tách Ban Kỹ thuật ra khỏi Văn phòng Uỷ ban Hành chính tỉnh và đổi tên là Ban KHKT. Từ đây Ban KHKT đã có đầy đủ các điều kiện để hoạt động độc lập với tư cách là cơ quan tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính tỉnh về công tác khoa học- kỹ thuật và trực tiếp tổ chức các hoạt động khoa học - kỹ thuật. Nhiệm vụ của Ban KHKT lúc này là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, nhất là sản xuất nông nghiệp thông qua tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, trình diễn v.v..., đồng thời hướng các hoạt động khoa học kỹ thuật vào phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải, chi viện tiền tuyến, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng vũ trang.

Thực hiện Công văn số 121/KH-ĐL, ngày 05/7/1966 của Viện Đo lường Trung ương về việc yêu cầu các tỉnh triển khai công tác quản lý đo lường, ngày 14/11/1966, Phòng Đo lường thuộc Ban KHKT tỉnh được thành lập. Từ đây Ban KHKT tỉnh được bổ sung thêm chức năng quản lý Nhà nước về công tác đo lường. Từ đây bộ máy Ban KHKT tỉnh được tăng cường lực lượng cán bộ vàđổi mới về tổ chức, bao gồm: Phòng Đo lường, Văn phòng hành chính, Bộ phận tổng hợp sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Hội phổ biến khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và  3 Hội cấp huyện: Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc.

Tháng 2/1973, Đế quốc Mỹ buộc phải ngừng ném bom Miền Bắc, Tỉnh uỷ có Nghị quyết chuyển hướng hoạt động của địa phương từ thời chiến sang thời bình, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, tập trung nỗ lực vào việc xây dựng tiềm lực mọi mặt cho địa phương, chi viện kịp thời cho tiền tuyến. Hoạt động của Ban KHKT được mở rộng, kinh phí đầu tư cho Ban cũng được tăng cường. Ban KHKT tỉnh có 4 phòng nghiệp vụ gồm: Phòng Đo lường, Phòng Tiêu chuẩn - Chất lượng sáng kiến - Quản lý khoa học, Phòng Thông tin và Phòng Hành chính. Nhiệm vụ của Ban KHKT lúc này là tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh đẩy mạnh phong trào quần chúng, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; tăng cường công tác quản lý đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá; tuyên truyền phổ biến, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống.

Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi, đất nước được hoà bình, thống nhất, các địa phương trên toàn quốc tập trung vào nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (khoá V) ngày 27/12/1975 đã quyết định hợp nhất tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh.

Cùng với việc ra quyết định sát nhập các ngành, ngày 28/01/1976, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh đã ban hành quyết định số 20/TC.CB.UB về việc thành lập Ban KHKT tỉnh Nghệ Tĩnh trên cơ sở sát nhập Ban KHKT Hà Tĩnh và Ban KH-KT Nghệ An. Tổng số cán bộ, nhân viên Ban KHKT Nghệ Tĩnh lúc mới nhập tỉnh có 41 người. Bộ máy tổ chức gồm: Phòng Tổng hợp, Phòng Đo lường, Phòng Tiêu chuẩn chất lượng, Phòng Thông tin và thư viện. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban lúc này là tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp để nhanh chóng giải quyết vấn đề về lương thực, thực phẩm, từng bước  ổn định đời sống cho nhân dân.

Để thực hiện tốt các nội dung Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 1983 - 1986 và nhanh chóng đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động khoa học và kỹ thuật, ngày 13/9/1983, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã ra Quyết định số 1191/QĐ.UB về việc chuyển Ban KHKT tỉnh Nghệ Tĩnh thành Uỷ ban KHKT tỉnh Nghệ Tĩnh. Uỷ ban KHKT tỉnh có chức năng quản lý Nhà nước về các hoạt động khoa học và kỹ thuật trong tỉnh với các nhiệm vụ: Nghiên cứu đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch và biện pháp phát triển khoa học và kỹ thuật; Hướng dẫn xây dựng và tổng hợp kế hoạch hoá về khoa học và kỷ thuật trong tỉnh; Tổ chức và quản lý điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường; Xây dựng hệ thống và thực hiện quản lý tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá; Tổ chức và quản lý kỹ thuật sản xuất, sáng kiến sáng chế; Tổ chức công tác thông tin và quản lý thư viện KHKT;  Tham gia quản lý tiềm lực KHKT gồm đội ngũ cán bộ KHKT, hệ thống trang thiết bị KHKT; Quản lý công tác hợp tác KHKT trong và ngoài nước; Thực hiện công tác kiểm tra Nhà nước về KHKT trên địa bàn tỉnh và thường trực Hội đồng KHKT tỉnh.

Tháng 6/1985, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được thành lập trên cơ sở sát nhập 2 phòng: Phòng Tiêu chuẩn chất lượng và Phòng Quản lý đo lường với chức năng quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trên địa bàn tỉnh. Tháng 12/1985, Trung tâm Hợp tác ứng dụng khoa học kỹ thuật được thành lập trên cơ sở chuyển thể từ Trạm Cơ - Lý - Hoá – Sinh, Phòng Thông tin thư viện chuyển thành Trung tâm Thông tin thư viện.

Bộ máy của Uỷ ban KHKT lúc này tiếp tục được kiện toàn, củng cố một bước, ngoài các phòng chuyên môn, Uỷ ban KHKT còn có các đơn vị trực thuộc như: Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Hợp tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, Trung tâm thông tin thư viện là những đơn vị hoạt động độc lập, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ cụ thể dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ nhiệm Uỷ ban KHKT tỉnh, có tài khoản con dấu riêng. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật ở các ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi cũng đã được bổ sung, tăng cường nhiều hơn so với những năm trước. Từ cuối năm 1986 trở đi, Uỷ ban KHKT được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao quyền chủ động trực tiếp quản lý vốn khoa học kỹ thuật của tỉnh. Các đề tài, dự án được triển khai thực hiện theo cơ chế ký hợp đồng kinh tế trực tiếp với Uỷ ban KHKT thay cho việc ra quyết định chỉ định như trước đây.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình, nhiệm vụ mới, tại kỳ họp thứ IX, Quốc hội khoá VIII đã quyết định chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngày 21/8/1991, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh ra quyết định số 1483/QĐ.UB về việc tách Ủy ban KHKT tỉnh Hà Tĩnh từ Ủy ban KHKT tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngày 7/9/1991, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 54/QĐ.UB về việc tổ chức bộ máy UBND tỉnh Hà Tĩnh trong đó có Uỷ ban KHKT Hà Tĩnh. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Tĩnh được tái lập theo quyết định số 84/CT.QĐ ngày 19/9/1991 và Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ được tái lập theo quyết định số 85.CT/QĐ ngày 19/9/1991 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày mới tái lập tỉnh, tổng số cán bộ cơ quan có 22 người (14 người trình độ đại học, còn lại là trung cấp và nhân viên hành chính), trong đó Văn phòng Sở 6 người, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 12 người, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật 4 người. Uỷ ban KHKT tỉnh lúc này có chức năng giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước các hoạt động khoa học và kỹ thuật, thực hiện chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Chính phủ ở địa phương nhằm nâng cao đời sống của nhân dân với các nhiệm vụ: Nghiên cứu đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch KHKT của địa phương phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Chính phủ trong từng thời kỳ; Hướng dẫn xây dựng và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch KHKT của các ngành các cấp trong tỉnh; Quản lý điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường của địa phương; Xây dựng hệ thống và thực hiện quản lý tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá; Tổ chức và quản lý kỹ thuật sản xuất, sáng kiến sáng chế; Tổ chức công tác thông tin phổ biến KHKT; Nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn, đôn đốc, kiện toàn hệ thống tổ chức hoạt động KHKT ở địa phương; Tham gia xét duyệt các dự án phát triển kinh tế xã hội; Tham gia xây dựng tiềm lực KHKT ở địa phương; Quản lý công tác hợp tác KHKT trong và ngoài nước; Thực hiện công tác kiểm tra Nhà nước về KHKT trên địa bàn tỉnh và thường trực Hội đồng KHKT tỉnh.

Ngày 27/12/1993, thực hiện chủ trương của Đảng và kế hoạch hướng dẫn của Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 1744/QĐ-UB về việc đổi tên Uỷ ban KHKT thành Sở KHCN&MT. Tổng số cán bộ công nhân viên của Sở KHCN&MT lúc này có 33 người trong đó có 1 Phó Tiến sỹ, 21 người có trình độ đại học, 5 người có trình độ trung cấp, còn lại là nhân viên hành chính. Bộ máy của Sở gồm: Phòng Hành chính-Tổng hợp; PhòngQuản lý Khoa học và công nghệ; Phòng Quản lý môi trường;  Phòng thông tin, sở hữu công nghiệp; Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ.

Hệ thống tổ chức Khoa học, công nghệ và môi trường ở các ngành, huyện thị cũng từng bước được hình thành, mỗi huyện có từ 1 đến 2 cán bộ chuyên trách về khoa học công nghệ và môi trường nằm trong Phòng Kế hoạch hoặc Phòng Nông nghiệp. Hầu hết các ngành đều có cán bộ chuyên trách công tác khoa học công nghệ và môi trường, Một số ngành đã thành lập Trung tâm Khoa học kỹ thuật, hoặc Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường như ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Quân sự.

Từ năm 1994 trở đi, Sở KHCN&MT thực hiện theo chức năng nhiệm vụ mới. Ngoài chức năng tổ chức quản lý nhà nước về các hoạt động khoa học và công nghệ còn thêm chức năng quản lý môi trường, với các nhiệm vụ cụ thể sau: Tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý các hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường trên địa bàn toàn tỉnh; Trực tiếp xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kế hoạch các nhiệm vụ khoa học công nghệ và môi trường; Hoạt động tham mưu tư vấn và tổ chức quản lý, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đời sống; Quản lý, phát triển công nghệ tại địa phương; Tổ chức hoạt động, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm; Quản lý sở hữu công nghiệp, sáng kiến sáng chế; Tổ chức các hoạt động thông tin KHCN&MT; Xây dựng kế hoạch và tạo nguồn vốn cho hoạt động KHCN&MT; Thực hiện thanh tra nhà nước về KHCN&MT; Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng KH&CN tỉnh; Xây dựng, phát triển, quản lý nhân lực, vật lực của ngành có hiệu quả.

Ngày 27/5/1995, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ký Quyết định số 719/ UB-KHCN chính thức thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là một tổ chức chính trị - xã hội có nhiệm vụ tập hợp, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ các hội thành viên và đội ngũ cán bộ trí thức phát huy vai trò năng động sáng tạo, tập trung thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương; thực hiện chức năng phổ cập kiến thức khoa học- kỹ thuật cho quần chúng nhân dân; tư vấn về chính sách KH&CN cho cấp uỷ, chính quyền; phản biện, giám định xã hội về các lĩnh vực Khoa học kỹ thuật.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hoạt động khoa học công nghệ và môi trường trong thời kỳ đổi mới, từ năm 1995 Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các ngành, các địa phương đã đặc biệt quan tâm đến các hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường. Công tác kiện toàn củng cố Sở KHCN&MT tiếp tục được chú trọng. Ngày 31/8/1995, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 1121/QĐ.UB về việc thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tiếp đó, ngày 01/10/1995, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ra Quyết định số 1241/QĐ-UB về việc thành lập Thanh tra Sở KHCN&MT thực hiện nhiệm vụ thanh tra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: tiêu chuẩn đo lường chất lượng, môi trường, đề tài, dự án, tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại của nhân dân. Ngày 01/11/1995, Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục ra Quyết định số 1388/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, bổ sung thêm chức năng hoạt động kỹ thuật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và môi trường trong thời kỳ mới và thực hiện thắng lợi Nghị Quyết 06/NQ-TU, công tác bồi dưỡng đào tạo cán bộ của Sở thời kỳ này cũng đã được quan tâm đúng mức. Đến cuối năm 1997, tổng số cán bộ công nhân viên của Sở KHCN&MT đã lên đến 53 người, trong đó có hơn 2/3 đã tốt nghiệp đại học và trên đại học, số còn lại là các nhân viên hành chính phục vụ. 100% cán bộ chủ chốt ở các phòng và các đơn vị trực thuộc Sở đều có trình độ đại học. Công tác tổ chức tiếp tục được kiện toàn và điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ như: chuyển nhiệm vụ quản lý sở hữu công nghiệp của phòng Thông tin sở hữu công nghiệp sang phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ, đổi tên phòng Thông tin sở hữu công nghiệp thành phòng Thông tin - Thư viện.

Ngày 11/9/2000 UBND tỉnh ra Quyết định Số 1745 QĐ/UB-TH về việc thành lập Hội đồng khoa học, công nghệ tỉnh. Hội đồng khoa học, công nghệ tỉnh là tổ chức tư vấn của Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác khoa học, công nghệ tại địa phương, có nhiệm vụ đề xuất tham gia ý kiến vào các vấn đề: Chiến lược, phương hướng phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh; Nhiệm vụ, nội dung chủ yếu của kế hoạch khoa học và công nghệ của địa phương, đặc biệt là nhiệm vụ nghiên cứu triển khai và áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; Phương hướng và biện pháp sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ tại địa phương; Kiến nghị khen thưởng các sáng kiến, các đề tài nghiên cứu có giá trị và những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống; Các giải pháp thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ của tỉnh; những nội dung và biện pháp phối  hợp lực lượng cán bộ khoa học, công nghệ của tỉnh và của các cơ quan Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-QH của Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ nhất về việc thành lập và chuyển chức năng nhiệm vụ của một số Bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó có việc đổi tên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 9/7/2003 Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 1333/2003/QĐ.UB.TC về việc đổi tên Sở KHCN&MT thành Sở KH&CN, nhiệm vụ quản lý môi trường chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cùng với việc đổi tên Sở và thay đổi chức năng nhiệm vụ, các đơn vị trực thuộc cũng được thay đổi tên gọi. Trung tâm Phát triển KH&CN đổi tên thành Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đổi tên thành Trung tâm Phân tích Thử nghiệm Hiệu chuẩn. Thanh tra Sở KHCN&MT đổi tên thành Thanh tra Sở KH&CN. Tách nhiệm vụ quản lý công nghệ ra khỏi phòng Quản lý KH&CN, đổi tên phòng Quản lý KH&CN thành phòng Quản lý Khoa học và thành lập Phòng Quản lý Công nghệ. Cơ cấu tổ chức Sở KH&CN lúc này gồm: Văn phòng, Phòng Quản lý Khoa học, Phòng Quản lý Công nghệ, Thanh tra, và 4 đơn vị trực thuộc là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và Trung tâm Phân tích Thử nghiệm Hiệu chuẩn. Tháng 7 năm 2007 thực hiện quyết định UBND tỉnh chuyển  bộ phận tin học thuộc Trung tâm Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin sang Sở Bưu chính viễn thông. Bộ phận Thông tin - Tư liệu về Sở và thành lập Phòng Thông tin - Tư liệu trực thuộc Sở KH&CN.

Thực hiện Quyết định số 27/2008/QĐ-UBND ngày 01/9/2008 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở KH&CN, tháng 12 năm 2008, phòng Kế hoạch – Tài chính được thành lập, phòng Quản lý công nghệ được đổi tên thành phòng Quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ.

Ngày 23/9/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành các quyết định: số 2955/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phân tích - Thử nghiệm - Hiệu chuẩn Hà Tĩnh và đổi tên thành Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, đồng chí Lương Đình Thành và đồng chí Biện Văn Sinh tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc và Phó Giám đốc; số 2956/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi tổ chức và hoạt động của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh, đồng chí Phan Trọng Bình - Phó Giám đốc Sở tiếp tục kiêm nhiệm làm Giám đốc Trung tâm, đồng chí Dương Thị Ngân làm Phó Giám đốc Trung tâm. Ngày 12/7/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2117/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu Hà Tĩnh, đồng chí Trần Đức Hậu - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Quyền Giám đốc Trung tâm, đồng chí Trần Hậu Khanh làm Phó Giám đốc Trung tâm.

Ngày 12/8/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ; đến ngày 09/01/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ, theo đó: tổ chức bộ máy được giữ nguyên, sửa đổi tên một số phòng, đơn vị cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ như: Phòng Quản lý Công nghệ - Sở hữu trí tuệ thành Phòng Quản lý Công nghệ - Chuyên ngành; Phòng Thông tin - Tư liệu thành Phòng Thông tin - Thống kê khoa học và công nghệ; Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu thành Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển nấm và tài nguyên sinh vật.

Thực hiện Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở Khoa học và Công nghệ ban hành kèm theo các Quyết định: số 37/2015/QĐ-UBND ngày 12/8/2015 và số 02/2019/QĐ-UBND ngày 09/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Phòng Kế hoạch Tài chính sát nhập với Văn phòng; Bổ sung chức năng nhiệm vụ phòng thông tin thống kê KHCN và sửa đổi tên phòng thành Phòng thông tin thống kê Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Theo đó phòng trực thuộc Sở  giảm từ 6 phòng còn 5 phòng: Văn phòng Sở; Thanh tra Sở; Phòng thông tin thống kê KHCN&ĐMST; Phòng quản lý Khoa học; Phòng Quản lý Công nghệ - Chuyên ngành;

Cùng với sự lớn mạnh về tổ chức bộ máy của Sở KH&CN, hoạt động khoa học công nghệ ở các ngành, huyện, thị, thành phố (gọi tắt là ngành, huyện) cũng thường xuyên được kiện toàn củng cố. Ngày 2/2/2005, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 14/2005/QĐ-UB-NV về tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý hoạt động khoa học và công nghệ đối với ngành, huyện. Đến nay hầu hết các ngành, huyện, thị, thành phố đều có tổ chức Hội đồng khoa học công nghệ, mỗi huyện có từ 1 đến 2 cán bộ chuyên trách về khoa học công nghệ nằm trong Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng, các ngành đều có cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu triển khai khoa học và công nghệ được bổ sung tăng cường.

tin khác

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận