Theo TS. Cao Anh Đương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường, việc lột lá mía có thể đem lại một số lợi ích sau: - Làm cho đồng ruộng luôn sạch sẽ, thông thoáng, tạo vi khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của cây mía. - Hạn chế các lá mía già không còn khả năng quang hợp nhưng lại tiêu thụ sản phẩm quang hợp của các lá xanh. Tập trung dinh dưỡng nuôi cây và nâng cao hiệu quả tích lũy đường của cây mía. - Tạo ra nguồn chất hữu cơ đáng kể khi lá mía được lột khỏi cây bị phân huỷ, cung cấp dinh dưỡng trở lại cho cây mía và làm cho đất được tơi xốp hơn. Với trung bình từ 7-10 tấn/ha lượng lá mía để lại sau khi lột, nếu được tủ lại ruộng, rải đều trên mặt ruộng, sau một thời gian sẽ phân hủy tạo thành một lượng phân hữu cơ khá lớn cho đất, giúp đất thêm tơi xốp và màu mỡ, làm tăng mật độ giun đất lên 2,5 lần so không tủ lá và giảm được khoảng 2 triệu đồng/ha/vụ tiền mua phân bón hữu cơ (theo tính toán của một số nông dân tỉnh Đồng Nai). - Loại bỏ nơi cư trú thuận lợi, làm lộ thiên một số loài sâu hại như rệp sáp, bọ phấn trắng, sâu đục thân... cho côn trùng thiên địch tấn công tiêu diệt, từ đó làm giảm bớt mức độ gây hại của chúng, giúp tăng năng suất và chất lượng mía nguyên liệu. Kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Nông nghiệp Tamil Nadu (Ấn Độ) cho thấy ruộng mía được lột lá 2 lần có tỷ lệ cây bị sâu đục lóng hại là 8,3%, tỷ lệ cây bị rệp sáp hại là 8,5% thấp hơn so với ruộng đối chứng không lột lá tương ứng là 9,4% và 10,6%, dẫn tới năng suất mía ở ruộng được được lột lá đạt 115,2 tấn/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng không lột lá chỉ đạt 106,0 tấn/ha. Đặc biệt đối với loài bọ phấn trắng hại mía (đang gây hại khá nặng ở tỉnh Phú Yên), biện pháp lột lá mía tỏ ra rất có hiệu quả. Cũng theo kết quả thí nghiệm của ĐH Nông nghiệp Tamil Nadu cho thấy ruộng mía được lột lá 2 lần có mật độ ấu trùng và nhộng giả của bọ phấn trắng giảm tương ứng là 86,9% và 79,6%, cao hơn rất nhiều so với ruộng không lột lá chỉ tương ứng là 7,5% và 5,9%, từ đó dẫn tới năng suất mía ở ruộng được lột lá đạt 66,4 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với ruộng không được lột lá chỉ đạt 17,7 tấn/ha. TS. Cao Anh Đương cho rằng: Lột lá mía thường xuyên giúp cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, tạo điều kiện cho việc vô chân, bón phân, chăm sóc, vun luống thuận lợi hơn, bộ rễ ăn sâu hơn, đồng thời ngọn lá mía nhẹ hơn nên khả năng chống đổ ngã tốt hơn. Nhất là ở các vùng đất thấp, nơi đất khá ẩm, thành phần cơ giới nhẹ như vùng đất thấp Tây Ninh và đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù chưa có số liệu thí nghiệm cụ thể về vấn đề này nhưng chỉ riêng việc hạn chế đáng kể tỷ lệ mía bị đổ ngã chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng suất và đặc biệt là chất lượng mía nguyên liệu. Ngoài ra, lột lá mía còn giúp hạn chế chồi nảy mầm, ra rễ do sự tích lũy của nước bên trong bẹ trong một số giống. Giúp loại bỏ các mầm, chồi vô hiệu không mong muốn vì nó sẽ cạnh tranh dinh dưỡng, làm giảm tốc độ tăng trưởng của các cây hữu hiệu và ảnh hưởng đến sự tích lũy đường. Đồng thời giúp việc kiểm tra đồng ruộng được thuận lợi, đặc biệt trong những trường hợp như kiểm tra sâu bệnh, tưới nước và bón phân. Việc lột sạch lá mía trước thu hoạch cũng tạo điều kiện cho việc chặt mía sát gốc hơn, giảm bớt thiệt hại về năng suất và chất lượng, đồng thời tiết kiệm được chi phí tề gốc, còn cây mía thì không bị tác động vào gốc, sinh trưởng sẽ tốt hơn. Riêng về thiệt hại do chặt gốc cao, theo tính toán, trung bình nếu chặt mía gốc để cao 3 - 5 cm sẽ mất khoảng 4,5 - 5 tấn mía/ha. Việc lột lá mía, nhất là lột sạch lá trước thu hoạch sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi trong thu hoạch mía, giảm chi phí thu hoạch mía, làm cho mía nguyên liệu sạch hơn, giảm lượng tạp chất đưa về nhà máy, tiết kiệm được một phần chi phí vận chuyển và chi phí chế biến vô ích, nâng cao tổng thu hồi và hiệu quả chế biến. Theo tính toán, cứ 1% tạp chất sẽ giảm đi 0,1 - 02,% tổng thu hồi trong chế biến có nghĩa là cứ tăng 1% tạp chất sẽ mất đi từ 2 - 4 kg đường/tấn mía ép. Các lá mía tạo thành lớp che phủ, hạn chế cỏ dại, giảm lượng nước bốc hơi (duy trì độ ẩm đất) trong điều kiện bị khô hạn, đồng thời giúp chống xói mòn, rửa trôi đất và dinh dưỡng ở những vùng đất dốc. Chỉ riêng chi phí làm cỏ, theo tính toán của một số nông dân trồng mía ở tỉnh Đồng Nai, mỗi vụ tiến hành bóc lá mía 2 lần sẽ tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng/ha/vụ tiền công làm cỏ. Như vậy, nếu cộng với số tiền tiết kiệm mua phân bón hữu cơ theo tính toán ở phần trên (khoảng 2 triệu đồng/ha/vụ), chúng ta hoàn toàn có thể bù đắp được toàn bộ chi phí lột lá mía. Ngoài ra, lá mía có thể được thu gom, tận dụng làm chất đốt, lợp mái nhà hoặc phối trộn đển sản xuất các loại phân hỗn hợp bón trở lại cho ruộng mía và các cây trồng khác. TS. Cao Anh Đương chia sẻ thêm, việc lột lá mía chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho người trồng mía, đặc biệt là cho nhà máy đường (như đã phân tích). Về hiệu quả của lột lá mía đến việc nâng cao chất lượng mía nguyên liệu, chủ yếu được thể hiện (theo thứ tự mức độ quan trọng) thông qua việc hạn chế tỷ lệ mía bị đổ ngã, tiếp đến là hạn chế mức độ gây hại của các loài dịch hại và cuối cùng là hạn chế tỷ lệ tạp chất trong mía nguyên liệu đưa về nhà máy đường chế biến. Hiện nay, biện pháp lột lá vẫn chủ yếu thực hiện bằng lao động thủ công, do vậy nhu cầu về lao động là rất rất lớn, trong khi nguồn cung và giá công lao động ngày càng khan hiếm và tăng cao do sự di chuyển của một lượng đáng kể lao động từ khu vực nông thôn sang các khu công nghiệp, dịch vụ và độ thị. Chính vì vậy, tùy theo điều kiện của người trồng mía và vùng sản xuất, chúng ta cần xem xét toàn diện, đánh giá kỹ tính khả thi trước quyết định khuyến cáo áp dụng trên diện rộng. Các Cty mía đường cũng nên có chính sách hỗ trợ một phần chi phí lột lá cho nông dân để khuyến khích họ thực hiện rộng rãi, chỉ khi được áp dụng rộng rãi thì việc lột lá mía mới đem lại lợi ích rõ rệt cho cả người trồng mía và nhà máy đường