03:38 | 02-12-2016

Lúa chất lượng Đại dương 2.

Vụ xuân 2013, giống ĐD2 được đưa vào sản xuất thử tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Cao Bằng với tổng diện tích 328ha. Nhờ năng suất lúa đem lại, bà con nhanh chóng mở rộng sản xuất lên đến 764ha tại Cao Bằng, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa trong vụ mùa 2013 và tiếp tục sản xuất thử trong vụ xuân 2014. Hồ hởi khi 80ha lúa ĐD2 cho năng suất trung bình đạt 67,4 tạ/ha trong vụ xuân 2013, tỉnh Hải Dương tiếp tục trồng 130ha trong vụ mùa tại 3 huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện và Kim Thành. Vụ này, huyện Tứ Kỳ cho năng suất 62,3 tạ/ha, trong khi lúa Khang dân 18 đối chứng chỉ đạt 55,6 tạ/ha, cao hơn 12,1%. Theo một số nông dân huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), giống ĐD2 có nhiều đặc điểm nông học tốt như cứng cây, thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 130 ngày trong vụ xuân và 101 - 103 ngày trong vụ mùa, thích hợp gieo cấy trong các vụ xuân muộn và mùa sớm tại các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, ĐD2 có tiềm năng năng suất cao và ổn định trong cả 2 vụ xuân và vụ mùa với số bông hữu hiệu của giống đạt 5,4 - 5,6 bông/khóm, tổng số hạt/bông từ 159 - 167 hạt với tỷ lệ lép thấp (khoảng 8,8% ở vụ xuân và từ 13,9 - 19,5% ở vụ mùa). Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Hải Dương, ĐD2 là giống cảm ôn, ngắn ngày nên phù hợp trà xuân muộn, mùa sớm. Năng suất lúa đạt trung bình vụ xuân 65 - 70 tạ/ha, vụ mùa 63 - 65 tạ/ha. Chất lượng gạo tốt, tỷ lệ gạo xát cao, gạo trắng trong, hơi bạc bụng. Hàm lượng amyloza thấp (17,53%) nên cơm mềm và dẻo. Cơm trắng, hơi bóng và ăn ngon hơn hẳn giống Khang dân 18. Đưa vào hệ thống khảo nghiệm Quốc gia trong 3 vụ: Vụ mùa 2011, vụ xuân 2012 và vụ mùa 2012 tại 9 tỉnh đại diện cho các vùng sinh thái phía Bắc như Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá... lúa ĐD2 được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia đánh giá là giống có triển vọng về năng suất và chất lượng. Hơn nữa, lúa có mức độ nhiễm các sâu bệnh hại chính như đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá và rầy nâu nhẹ, tương đương giống đối chứng Khang dân 18. Đặc biệt trong vụ mùa giống chỉ nhiễm sâu đục thân nhẹ.

Lúa Đại dương 2 năng suất cao, chất lượng tốt.

Kết hợp với hệ thống khảo nghiệm Quốc gia, tỉnh Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc tiến hành khảo nghiệm sản xuất trong vụ xuân và mùa. Kết quả thu được, lãnh đạo Sở NN - PTNT Thanh Hóa khẳng định, ĐD2 có mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ, chịu rét tốt, kháng sâu bệnh tốt đặc biệt là bệnh đạo ôn vụ xuân và bạc lá vụ mùa. Với chất lượng và năng suất giống ĐD2 vượt trội, theo đề xuất của Sở NN-PTNT các tỉnh Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình và Thanh Hóa, Bộ NN-PTNT đã công nhận chính thức giống lúa này. Để ĐD2 đạt tối đa năng suất, chất lượng, Cty Đại Dương khuyến cáo, quá trình chăm sóc cần chú ý kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng. Khi thấy các đối tượng gây hại phải phun phòng theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật. Phun đúng thuốc, đúng đối tượng sâu bệnh và đúng thời điểm. Bổ sung lượng phân bón như phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh (thay thế phân chuồng), phân đạm, NPK (16-16-8+TE) để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Lượng phân bón cho 1 sào: Phân chuồng: 200 - 300kg (nếu không có phân chuồng có thể thay thế bằng phân bón hữu cơ vi sinh, lượng bón bằng 1/3 PC); Đđạm urê: 6 - 7kg, lân supe (hoặc lân Văn Điển) 15 - 20kg; kali clorua 6 - 7kg. Nếu ruộng chua bón thêm vôi bột 15 - 20kg, bón ngay khi làm đất lần đầu. Có thể thay thế phân đơn bằng phân NPK chuyên dùng để lúa phát triển cân đối, giảm sâu bệnh, khi thay thế bằng phân chuyên dùng NPK phải căn cứ vào hàm lượng dinh dưỡng các chất ghi trên bao bì để quy đổi theo lượng phân đơn hoặc bón theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Nước tưới theo yêu cầu sinh lý của cây lúa. Khi lúa đạt 2 - 2,5 lá, đưa nước láng mặt ruộng, kết hợp bón phân thúc lần 1. Khi lúa đạt 5 - 6 lá, đưa thêm nước, bón thúc lần 2, kết hợp tỉa dặm định mật độ, giữ mực nước nông để lúa đẻ nhánh thuận lợi. Khi lúa đẻ đủ số dảnh cơ bản xung quanh 300 dảnh/m2, tháo cạn để ruộng khô nẻ chân chim, sau đó tưới tháo xen kẽ. Khi lúa bắt đầu phân hoá đòng, đưa nước trở lại, kết hợp bón đón đòng, giữ nước cho đến khi lúa chín đỏ đuôi, tháo cạn nước để thu hoạch.

Giống lúa thuần ĐD2 có nguồn gốc từ Trung Quốc do Cty TNHH Giống nghiệp Thục Hưng, Tứ Xuyên, Trung Quốc chọn tạo, ủy quyền cho Cty CP Đầu tư thương mại Đại Dương (Việt Nam) làm thủ tục công nhận chính thức để đưa vào phục vụ sản xuất đại trà.
Theo: NongNghiep.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận