09:59 | 05-07-2016

'Mặc áo' cho trái cây lợi cả đôi đường.

Bác Hồng đang "mặc áo" cho vườn ổi của mình

Đó chính là việc đeo vào những trái cây sắp thu hoạch những túi ni-lông nhỏ để tránh mưa, tránh úng nước. Công việc tưởng như đơn giản ấy lại khá vất vả và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nếu muốn có một mùa quả ngọt bội thu. Bác Nguyễn Văn Hồng ở Tân Phong (Cái Bè, Tiền Giang) trồng 4 công ổi. Khi mùa thu hoạch ổi bắt đầu cũng là lúc mùa mưa đến. Đặc điểm của giống ổi là dù cây thích nghi với thời tiết mưa nhiều ngày nhưng trái của nó lại không chịu được mưa. Cụ thể, trái ổi rất dễ bị sâu đục ở trong ruột qua đêm mưa. Và chỉ chừng 2-3 ngày sau, sâu sẽ ăn lan ra hết cả trái, làm nó héo đi, rụng xuống và tất nhiên không bán được. Vì thế, bác phải mua hơn 10 ký lô bao ni-lông để bọc từng trái một. Mặc dù rất mất thời gian nhưng không còn cách nào khác. Việc bao ni-lông không ảnh hưởng đến trái bởi nó vẫn hấp thụ dưỡng chất từ gốc, khả năng quang hợp một cách bình thường, ngược lại nhờ tránh được mưa gió và sâu bệnh hại xâm nhập nên mã trái đẹp hơn. Theo anh Nguyễn Văn Hai, người trồng sầu riêng ở Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) thì hiện nay, nông dân trồng cây ăn trái thường đối diện với nhiều loại sâu bệnh. Phun thuốc trừ sâu bệnh là việc phải làm. Để tránh trái cây bị ảnh hưởng hóa chất BVTV, nông dân dùng bao ni-lông chuyên dụng bọc trái lại, vừa an toàn lại đảm bảo cho người tiêu dùng. Như vườn sầu riêng nhà anh, mặc dù đã thu hoạch gần hết nhưng vẫn còn một số cây được anh điều tiết ra trái nghịch mùa. Mùa mưa về, hơn 40 gốc sầu riêng nghịch vụ đó bắt đầu chín. Anh phải dùng từng chiếc áo ni-lông một để che trái cây, nhằm giữ chúng không bị nước mưa làm hỏng. Đây là một công việc cần thiết và thường xuyên của những người trồng trái cây chuyên nghiệp hiện nay. Theo ông Kiều Mạnh Tuấn, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang), nông dân “đeo áo” cho trái cây lợi cả đôi đường khi vừa bảo vệ sản phẩm vừa khiến khách hàng tin cậy. Nhiều công ty, siêu thị thu mua trái cây họ còn bắt buộc nhà vườn phải bao trái để đảm bảo chất lượng. Thực tế cũng chứng minh rằng, với những loại trái như xoài, sầu riêng, sapoche, mít… thì nếu không đeo áo cho trái, hầu hết chúng sẽ bị hư hỏng trong mùa mưa, gây thất thu rất lớn. Tương tự, các chủ vựa trái cây cũng cho rằng, họ luôn cảm thấy an tâm về chất lượng trái ở những vườn mà chủ có đeo áo cho trái cây. Làm như vậy chắc chắn trái sẽ không bị hư, bị nhiễm độc hoặc bị kém chất lượng. Ngoài ra, nếu mua những vườn trái cây đã được mặc áo, khi hái và vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ, các chủ vựa lại không phải mất thêm công sức để bao bọc, bảo quản trái cây

NongNghiep.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận