02:36 | 16-05-2016

Minh bạch thu phí bằng công nghệ không dừng

minh bach thu phi bang cong nghe khong dung

Trạm thu phí BOT Toàn Mỹ 14 trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông đã lắp đặt hệ thống thu phí tự động ở hai làn đường giữa - Ảnh: Ngọc Hùng

Anh Trần Việt Phong nhà ở Quảng Trạch (Quảng Bình) chạy xe Dongfeng chở hàng thường xuyên đi qua Trạm thu phí Quảng Bình. Từ tháng 9/2015 đến nay, anh Phong đã mua vé tháng và tích hợp tài khoản vào thẻ E-Tag để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng ETC. Trao đổi với Báo Giao thông, anh Phong cho biết: “Nghề chạy xe hàng nhiều khi chỉ nhanh chậm vài phút là tình hình đã khác rồi. Vì thế, khi biết có dịch vụ thu phí không dừng, tôi đã đề nghị nhân viên tại trạm Quảng Bình lắp ngay và mua vé tháng”.

Cũng theo anh Phong, thủ tục dán thẻ khá nhanh, chỉ cần xuất trình chứng minh thư, khai theo mẫu là có thể lập tài khoản và sử dụng. “Giờ đây khi lưu thông qua trạm, tôi không còn phải dừng xe mua vé, trả tiền như trước. Hầu hết anh em làm vận tải ở đây đều đã sử dụng dịch vụ thu phí không dừng để thuận lợi hơn khi lưu thông”, anh Phong nói.

"Thẻ E-Tag được thiết kế nhỏ gọn, dán trên kính xe hoặc đèn xe. Chủ xe có thể tra cứu và quản lý việc trả phí trên trang web của đơn vị cung cấp. Thẻ này có nhiều ưu điểm nên hy vọng sau khi triển khai rộng rãi, người tham gia giao thông sẽ nhận thức được để mở tài khoản lưu thông cho nhanh. Việc dán thẻ định danh E- Tag không bắt buộc, tùy nhu cầu của chủ xe. Nếu không dán thẻ E-Tag, chủ xe sẽ đi trên làn thu phí một dừng do tới đây các trạm thu phí BOT sẽ áp dụng song song cả làn thu phí một dừng và không dừng”.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN

Anh Trần Hùng, một người dân có xe con tại Lệ Thủy (Quảng Bình) chia sẻ: “Vì công việc hay phải đi qua trạm thu phí Quảng Bình nên tôi dán thẻ E-Tag từ tháng trước. Giờ qua trạm, xe mình cứ đi băng băng tôi thấy thật phấn khích. Trong khi đó, ở làn xe thu phí một dừng, các xe xếp hàng dài chờ mua vé, nộp tiền”.

Anh Nguyễn Hoàng Ân, đội trưởng đội xe của một doanh nghiệp vận tải xe hợp đồng du lịch tại Quảng Bình cũng cho biết, đơn vị có hơn 10 đầu xe chạy các tuyến du lịch. Trước đây, thu phí như cũ rất khó kiểm soát việc nộp phí, vì lái xe về khai thế nào biết vậy. Giờ gắn thẻ E-Tag thông qua tài khoản có sẵn nên cứ qua trạm thông tin nộp phí sẽ truyền về hệ thống nên rất minh bạch. “Có dịch vụ thu phí tự động chúng tôi bớt đi khâu thẩm định chứng từ thu phí của lái xe. Xe chạy qua trạm nào, chúng tôi biết luôn hành trình của xe đang ở đâu. Quan trọng nhất là anh em lái xe với nhân viên kế toán cũng bớt nghi ngờ nhau”, anh Ân nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, Cục Đăng kiểm VN đã thí điểm dán thẻ định danh tại 3 trạm đăng kiểm ở Hà Nội là 29-03V, 29-05V, 29-06V và sẽ triển khai trên toàn quốc trong tuần tới. Các chủ xe sau khi khai thông tin phương tiện, lập “tài khoản giao thông” sẽ được dán một thẻ định danh miễn phí (E-Tag) trên kính trước xe. Chủ xe nạp tiền qua “tài khoản giao thông”, phương tiện sẽ được trừ phí tự động khi qua các trạm mà không phải dừng xe mua vé. Số phí được báo về điện thoại của chủ xe.

“Thời gian tới, chủ xe có thể tiếp cận với dịch vụ thu phí tự động không dừng bằng cách đến các trung tâm đăng kiểm để được dán thẻ E-Tag và mở tài khoản giao thông ETC miễn phí“, ông Trí cho biết.

Theo ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Liên danh TASCO - VETC, sau ký kết và tập huấn dán thẻ với các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc, việc thu phí tự động không dừng sẽ triển khai đại trà tại 28 trạm thu phí trên QL1 và QL14. Hiện đã có khoảng hơn 1 nghìn thẻ E-Tag được gắn trên xe. Việc áp dụng công nghệ này mới chỉ thực hiện tại hai cửa thu phí nhưng đến năm 2018 sẽ áp dụng đối với tất cả các làn thu phí.

minh bach thu phi bang cong nghe khong dung

Thẻ E-Tag được dán trước kính xe và miễn phí lần đầu

Chấm dứt tình trạng thất thu phí giao thông

Ông Nguyễn Hữu Trí cũng cho biết, việc thu phí tự động không dừng có giá trị rất lớn. Cơ quan đăng kiểm thông qua thẻ E-Tag có thể nhận dạng các xe có đến đăng kiểm hay không. Đặc biệt, công nghệ này giúp việc kiểm soát vi phạm giao thông, tiến tới chủ xe có thể nộp phạt qua “tài khoản giao thông” mà không cần đến kho bạc. Nhà đầu tư BOT và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tránh thất thoát tiền thu phí vì 100% các xe đều trả tiền tự động, được ghi nhận trên phần mềm và hệ thống theo dõi. Nếu 100% phương tiện sử dụng thẻ này, sẽ chấm dứt tình trạng thất thoát phí giao thông, giúp nhà đầu tư BOT và Nhà nước không bị thất thoát nguồn thu này.

Các bước để tạo “tài khoản giao thông”

Để tạo tài khoản giao thông, chủ phương tiện chỉ cần mang theo CMTND/hộ chiếu. Chủ phương tiện sẽ điền thông tin vào tờ khai giấy đề nghị mở tài khoản giao thông cho phương tiện. Sau khi có tài khoản, chủ phương tiện có nhu cầu sử dụng dịch vụ sẽ nộp tiền vào tài khoản thu phí bằng cách tạo tài khoản tại Ngân hàng BIDV hoặc có thể chuyển tiền mặt hoặc chuyển khoản từ tài khoản khác vào tài khoản này thông qua các kênh giao dịch khác nhau như: Internet banking, nộp tài quầy, chuyển tiền qua banknet...

Giải thích thêm về tính minh bạch của hệ thống, ông Trí cho biết, khi thu phí, hệ thống sẽ tự đọc ra phương tiện đi qua là loại xe gì và thu bao nhiêu. Toàn bộ hệ thống được thực hiện tự động và thu qua tài khoản nên đều lưu các thông tin của phương tiện cũng như mức thu trên mạng. Điều này khác với thu vé như hiện nay có thể nhân viên thu phí không phát vé và chỉ nhận tiền mà xe vẫn đi qua còn thu qua tài khoản không thể thất thoát được.

Trên thực tế, hệ thống thu phí không dừng được thực hiện hoàn toàn tự động. Tất cả các số liệu, thông tin dữ liệu thu phí được lưu trữ vĩnh viễn, các hình ảnh của phương tiện đi qua trạm cũng được lưu trữ tối thiểu trong 5 năm. Bên cạnh đó, video toàn cảnh trạm thu phí tự động được lưu trữ tối thiểu là 1 năm. Việc chiết xuất dữ liệu và báo cáo với Bộ GTVT sẽ được thực hiện định kỳ hàng tháng.

Nhằm đảm bảo tính minh bạch và chính xác, nhà đầu tư dịch vụ sẽ cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN, Bộ Công an một cổng kết nối trực tuyến với mục đích giám sát toàn bộ các trạm thu phí, dữ liệu thu phí mọi lúc, mọi nơi. Với cơ chế hoạt động như trên, cơ quan Nhà nước hoàn toàn có thể kiểm toán trong và sau quá trình thu phí bất kỳ lúc nào.

Cơ quan GTVT và Đất đai Singapore (LTA) cho hay, từ quý II/2016, bắt đầu triển khai hệ thống thu phí đường bộ điện tử (Electronic Road Pricing - ERP) thế hệ mới dựa trên công nghệ định vị vệ tinh (GNSS).Dự án có tổng trị giá 556 SGD (gần 400 triệu USD). So với hệ thống ERP cũ được Singapore áp dụng từ 1998, hệ thống mới có những ưu điểm vượt trội như: Thay vì sử dụng các cổng thu phí đặt trên các con đường như trước đây, hệ thống mới sử dụng định vị vệ tinh để nhận diện quãng đường đi của xe; Giảm ùn tắc giờ cao điểm mà nhà quản lý vẫn có thể tính phí đường bộ một cách chính xác và công bằng hơn cho tài xế.Với công nghệ định vị vệ tinh, lái xe lập tức có đầy đủ thông tin về hành trình, điều kiện giao thông, thông tin bãi đậu xe, đoạn đường nào đang làm hay đang sửa chữa, chi phí quãng đường… thông qua duy nhất một thiết bị thông minh đặt trên xe.

Minh Hồng

Theo Báo Giao thông

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận