Dưa chuột Nhật Bản được chị Võ Thị Loan trồng trong nhà lưới.
Sau thiệt hại của vụ dưa lưới trong cơn bão tháng 10/2020, chị Võ Thị Loan ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc đã quyết định trồng dưa chuột Nhật Bản trong diện tích nhà lưới rộng 2.900 m 2 .
Ưu điểm của việc trồng dưa chuột trong nhà màng là giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, đồng thời chủ động chế độ dinh dưỡng nên dưa sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình chị Võ Thị Loan còn sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn, giảm chi phí sản xuất.
Chỉ sau khoảng 2 tháng gieo giống, gia đình chị đã bắt đầu thu hoạch lứa dưa chuột đầu tiên ngay từ trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Đặc điểm của dưa chuột Nhật Bản là nhanh cho thu hoạch và mật độ quả dày, thời vụ thu hoạch kéo dài.
Chị Loan cho biết: “Giống dưa chuột Nhật Bản phát triển tốt, quả sai nên năng suất cao, ước tính hơn 2 tấn/1 sào. Như thế, với diện tích 2.900 m 2 nhà màng, tổng sản lượng vụ dưa đầu tiên của gia đình tôi sẽ đạt khoảng 12 tấn. Với giá bán trung bình 20 ngàn đồng/kg, trừ chi phí giống, phân bón, nhân công chăm sóc, chúng tôi có thêm nguồn thu ước đạt hơn 100 triệu đồng".
Thu hoạch từ 26 tết, đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình chị Loan xuất bán khoảng 200 kg dưa chuột.
Đây là năm đầu tiên, dưa chuột Nhật Bản “bén duyên” với nhà màng của nông dân Can Lộc, nhưng sản phẩm thu hoạch đến đâu được tiêu thụ đến đấy. Ngoài thương lái ở các chợ quê, dưa chuột của gia đình chị Loan còn được cung cấp cho các quầy hàng nông sản sạch ở Hà Tĩnh và bếp ăn bán trú của một số trường học trên địa bàn.
Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao này không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình chị Loan mà còn mở ra hướng đi mới trong sản xuất cho các nhà vườn ở Can Lộc.
Theo baohatinh.vn