Thâm canh liên vụ, thời tiết có nhiều biến động, lạm dụng thuốc BVTV làm mất cân bằng hệ sinh thái... dẫn đến dịch hại cây trồng nhiều. Trước tình hình trên, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh thái (CNST) vào đồng ruộng để quản lý dịch hại cây trồng dựa trên cơ sở cân bằng hệ sinh thái là rất cần thiết, góp phần đa dạng hóa sinh học trên đồng ruộng, bảo vệ môi trường là hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện một số tỉnh ở ĐBSCL đã mạnh dạn áp dụng mô hình CNST trong chương trình “1 phải 5 giảm”, nhằm tạo ra một sản phẩm không có tồn dư hóa chất, thuốc BVTV, nâng cao chất lượng và giá trị lúa hàng hóa đáp ứng nhu cầu XK. An Giang là tỉnh phát triển mạnh mô hình CNST nhiều năm qua đã được nông dân đồng tình tham gia. Hàng năm, ngành nông nghiệp tỉnh phát động thi đua khen thưởng cho nông dân tham gia canh tác lúa theo CNST. Ông Cao Vĩnh Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục BVTV An Giang cho biết: SX lúa theo CNST là hướng đi bền vững giúp nông dân giảm chi phí SX, tăng năng suất, chất lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường. Cần phải ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa, từng bước hướng dẫn nông dân thực hiện nhiều giải pháp như san phẳng mặt ruộng, tưới tiết kiệm, giảm giống, phân bón hóa học, thuốc BVTV. Cụ thể hóa giải pháp canh tác lúa trên nền "1 phải 5 giảm" thành một quy trình cụ thể thống nhất để đảm bảo phát triển SX theo hướng bền vững, giảm ô nhiễm môi trường đồng ruộng mang tính công nghệ cao, hướng đến giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận đi vào thực tiễn và đời sống nông dân. Bên cạnh đó, nhằm quy chuẩn hóa cụ thể quy trình SX theo hướng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP và GlobbalGAP. Ông Nguyễn Văn Bé Năm canh tác 1,6ha ở xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn cho biết: “Trước đây, ruộng lúa của tôi luôn được sạ dày, năm 2009, được Trạm BVTV huyện tổ chức lớp tập huấn từ chương trình "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm". Đến năm 2010, tôi được hướng dẫn trồng hoa trên ruộng lúa thấy mỹ quan rất đẹp, dẫn dụ được thiên địch nên mấy năm nay canh tác giảm được 2 - 3 lần phun thuốc ở giai đoạn đầu và giai đoạn trước khi thu hoạch mà năng suất lúa luôn đứng ở mức 6 - 7 tấn/ha, tiết kiệm từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha/vụ”. Nông dân Nguyễn Thanh Sang ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới đoạt giải Nhất trong phong trào thi đua ứng dụng CNST ở vụ lúa ĐX 2014-2015 vui mừng cho biết: “Từ khi áp dụng CNST trong SX lúa, tôi thấy ruộng mình trở nên đẹp hơn đồng thời còn tiết kiệm hơn 3 triệu đồng/ha/vụ. Vụ ĐX năm nay, với diện tích canh tác 1,2 ha lúa, trồng các loại hoa dọc theo các tuyến bờ đê gồm sao nháy, đậu bắp, cúc và hướng dương. Nhờ áp dụng chương trình “1 phải 5 giảm” nên hiệu quả tăng lên rõ rệt, năng suất mô hình trồng hoa đạt 7,2 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so với ngoài mô hình, lợi nhuận gần 18 triệu đồng/ha, trong khi đó ngoài mô hình chỉ hơn 10 triệu đồng/ha. Không những tiết kiệm được chi phí mà còn hạn chế tiếp xúc với thuốc trừ sâu, bảo vệ sức khỏe. Các vụ lúa tiếp theo gia đình sẽ tiếp tục thực hiện và cùng phát động nông dân trong xóm để chương trình ngày càng ứng dụng mạnh mẽ”