Chăn nuôi hươu sao lấy lộc nhung là nghề truyền thống của người dân Hương Sơn
Năm 2019, người nuôi hươu trên địa bàn huyện Hương Sơn đón nhận niềm vui “kép” khi cùng lúc sản phẩm nhung hươu Hương Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và là 1 trong 3 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt 4 sao. Để đạt kết quả này, ngoài sản phẩm truyền thống tự có của miền “núi thơm” từ lâu đời, phải kể đến nỗ lực của những hộ chăn nuôi, kinh doanh sản phẩm nhung hươu trên địa bàn.
Ông Trần Đình Chiến - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn cho biết, năm 2019, sau khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, nhiều cơ sở kinh doanh nhung hươu trên địa bàn như: Cơ sở nhung hươu Chiến Sơn (thị trấn Phố Châu), Hương Luật (xã Sơn Lâm), Hiền Ngọc (xã Sơn Giang), Thuận Hà (xã Sơn Trung)… đã đầu tư máy móc, thiết bị chế biến ra 7 sản phẩm dinh dưỡng từ nhung.
Nhờ thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nên giá thành và thời gian bảo quản, tiêu thụ sản phẩm được chủ động hơn trước, không lo “được mùa mất giá”, phải tiêu thụ cấp tốc trong thời gian nhất định. Mặc dù mùa vụ nhung hươu 2020 chưa kết thúc nhưng theo thống kê ban đầu, sản lượng nhung toàn huyện ước đạt khoảng 15 tấn, doanh thu 160 tỷ đồng.
Sau khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, nhiều cơ sở kinh doanh nhung hươu trên địa bàn đã đầu tư máy móc, thiết bị chế biến ra 7 sản phẩm dinh dưỡng từ nhung.
Cũng theo ông Chiến, từ khi tham gia OCOP, người chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm nhung hươu trên địa bàn không chỉ được tập huấn về xây dựng thương hiệu sản phẩm, các quy trình kỹ thuật chế biến sản phẩm mà đã “chấp nhận” đầu tư một nguồn vốn nhất định từ vài trăm đến 1 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng.
“Việc hộ kinh doanh đầu tư về thời gian nâng cao kiến thức kinh doanh, đầu tư về kinh phí để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm… thực sự là thành công lớn, làm thay đổi nhận thức kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ, thụ động từ bao đời nay” – ông Chiến khẳng định.
Hương Sơn là quê hương của đặc sản cam bù, cam chanh nổi tiếng thơm ngon. Đây cũng là một trong những sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao năm 2019. Với diện tích khoảng 1.000 ha cho quả, bình quân mỗi năm người trồng cam Hương Sơn thu về trên dưới 400 tỷ đồng.
Cam chanh Sơn Mai được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao
Để có được kết quả ấy là nỗ lực của bà con nông dân trong phát triển giống cây con đặc sản và sự đồng hành, hỗ trợ hết sức tích cực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, trong việc tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.
“Để được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cho sản phẩm cam chanh Sơn Mai là cả một hành trình khá dài, từ việc tuân thủ sản xuất theo qui trình VietGAP, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm đến tham gia các hội chợ quảng cáo sản phẩm…Tất cả đều hướng đến mục tiêu sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, giá trị gia tăng cao hơn” – anh Phạm Thái Hòa – Tổ hợp tác trồng cam Sơn Mai cho biết.
12 năm kiên trì với việc đưa sản phẩm nem chua ra thị trường và 5 năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, đến nay nem chua Ý Bình đã trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Hương Sơn nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung, được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Quả ngọt hôm nay được kết tinh từ niềm đam mê sáng tạo, sự nỗ lực không ngừng, từ mồ hôi và nước mắt của chủ cơ sở Lê Thị Bình ở tổ dân phố 7, thị trấn Phố Châu.
Sản phẩm nem chua Ý Bình được công nhận đạt chuẩn 3 sao, sản xuất theo qui trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc
Đến nay, cơ sở nem chua Ý Bình đã sản xuất được 7 loại nem chua đặc trưng, riêng có, gồm: Nem kẹp, nem trần, nem cau, nem bung, nem cây, nem quả và nem chiên. Mỗi loại có quy trình sản xuất riêng, hình thức, màu sắc và hương vị đặc trưng riêng. Song có 1 điểm chung là tất cả các loại nem Ý Bình đều tuân thủ “3 không”: không chất bảo quản, không hàn the, không chất tạo vị - tạo màu.
Vượt qua gian nan, thử thách, cơ sở nem chua Ý Bình đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với công suất từ 4 - 5 ngàn nem/ngày. Sản phẩm nem chua Ý Bình đã có mặt tại các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, doanh thu của cơ sở nem chua Ý Bình đạt trên 2,2 tỷ đồng.
Năm 2019, Hương Sơn là địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP nhiều nhất trong tỉnh với 18 sản phẩm, trong đó có 13 sản phẩm được chế biến từ nhung hươu.
Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện về sự nỗ lực của các hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ nơi miền “núi thơm” trong quá trình sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu... Cùng với đó là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc kết nối, tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện và ban hành những chính sách khuyến khích, động viên kịp thời.
Nuôi ong theo chuẩn VietGAP, đầu tư máy móc tinh chế hiện đại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chuyên nghiệp... là cách làm hiệu quả của HTX mật ong Cường Nga ở xã Quang Diệm (Hương Sơn - Hà Tĩnh), góp phần giải “bài toán” tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi ong.
“Để triển khai thành công OCOP, Hương Sơn đã xây dựng một số chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, khơi dậy sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh địa phương tham gia OCOP.
Năm 2020, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng 9 sản phẩm đề xuất tỉnh phân hạng đạt tiêu chuẩn 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao. Trong đó, huyện xây dựng sản phẩm nhung hươu, cam bù… đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng cho biết.
Với những kết quả bước đầu trong hành trình xây dựng đạt chuẩn OCOP, tin tưởng các đặc sản nông nghiệp của miền “núi thơm” Hương Sơn sẽ ngày càng vươn xa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn.
Theo baohatinh.vn