Luật Đầu tư năm 2014 có quy định, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe máy thuộc phụ lục 4, số thứ tự 217 trong danh mục Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát MBH từ sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.
Theo đánh giá của Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, việc đưa MBH vào Danh mục kinh doanh có điều kiện là một giải pháp hữu hiệu nhằm lập lại thị trường sản xuất, nhập khẩu cũng như kinh doanh, phân phối MBH trong cả nước ngày càng đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề MBH, việc đưa vào kinh doanh có điều kiện cũng chưa đủ mà cần có sự tham gia đồng bộ của các bên liên quan.
Cụ thể, về phía các doanh nghiệp sản xuất MBH, cần thành lập Hiệp hội MBH để tập hợp các cơ sở sản xuất có đạo đức, hạn chế và bài trừ các cơ sở kinh doanh vô đạo đức, chuyên kinh doanh MBH giả mạo, cố tình sản xuất, kinh doanh mũ kém chất lượng…
Về phía các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cần có sự thanh tra, kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm các vi phạm về MBH.
Về phía các cơ quan truyền thông cũng cần đẩy mạnh và vận động người tham gia giao thông sử dụng đúng MBH dành cho người đi mô tô, xe máy để bảo vệ tính mạng của mình, tránh hiện tượng đội mũ để đối phó như hiện nay.
Theo thống kê, vào năm 2013, tổng số lô MBH nhập khẩu đã đăng ký kiểm tra là 16 lô với số lượng 36.773 chiếc; qua kiểm tra có 14 lô đạt yêu cầu nhập khẩu với số lượng 35.621 chiếc, chiếm 87,5% số lượng MBH nhập khẩu; có 01 lô không đạt yêu cầu nhập khẩu, đã bị xử lý tái xuất.
Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 724 cơ sở kinh doanh MBH tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ.... Qua kiểm tra đã quyết định tạm dừng lưu thông 6.158 chiếc MBH vi phạm xử phạt hành chính 130 cơ sở vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan chức năng đã kiểm tra phát hiện và xử lý đối với hành vi sản xuất, kinh doanh giả mạo chứng nhận hợp quy và gắn dấu CR lên mũ không phải MBH của cơ sở sản xuất tại ngõ 86/20 Trại Cá, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và 02 cơ sở sản xuất tại thôn Quế Ô, Xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành thu giữ các phương tiện sản xuất vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, xử phạt hành chính, tiêu hủy hàng ngàn chiếc MBH giả và nhiều tem nhãn vi phạm...
Còn theo Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, 6 tháng đầu năm 2014, khi có thông tin từ ngày 01/7/2014 sẽ xử phạt người đội mũ không phải mũ bảo hiểm, tỷ lệ mẫu không đạt qua thử nghiệm chỉ là 8,3 %. Ngay sau đó lại có thông tin không xử phạt người đội mũ không phải MBH, tình trạng mũ bảo hiểm kém chất lượng lại bùng phát và tỷ lệ MBH không đạt qua thử nghiệm cả năm 2014 tăng vọt lên tới 56,8 %.
Cũng theo Cục này, trong thời gian qua đã chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan kiểm tra tại 408 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm, kiểm tra nhãn và CR tại hiện trường 3.412 mẫu MBH, trong đó đạt yêu cầu về nhãn và CR 2933 mẫu = 85,9%, vi phạm về nhãn và CR là 479 mẫu = 14,1% số mẫu được kiểm tra. Lấy 155 mẫu thử nghiệm, trong đó đạt yêu cầu 63 mẫu, chiếm 40,6 %, không đạt 92 mẫu, chiếm 59,4 % số mẫu thử nghiệm. Phát hiện 124 cơ sở vi phạm chất lượng và nhãn (30,4 % số cơ sở được kiểm tra).