09:04 | 11-01-2017

Mùa Xuân của khởi nghiệp

alt

Năm Quốc gia khởi nghiệp 2016 thực sự là một năm khởi sắc của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sự khởi sắc này thể hiện trên mọi bình diện. Lần đầu tiên Việt Nam có một đề án quốc gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/5/2016.

Đề án nhấn mạnh sự gắn kết giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm phát triển từng thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp một cách đồng bộ và thúc đẩy sự liên kết của các thành phần để phát triển hệ sinh thái một cách bền vững. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó dành một chương cho doanh nghiệp khởi nghiệp với các điều khoản đã cơ bản hoàn thành. Hàng loạt các sự kiện có quy mô lớn cũng đã được tổ chức dành cho cộng đồng khởi nghiệp trẻ của Việt Nam như: Ngày hội khởi nghiệp 2016 (Techfest 2016); Hội nghị khởi nghiệp quốc tế (ISUM 2016); Hội nghị khởi nghiệp (HATCH!FAIR 2016)… Các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… đều có các hoạt động ý nghĩa và thiết thực dành cho các nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như tổ chức các hội thảo, cuộc thi, thành lập quỹ hỗ trợ…

Cùng với sự vào cuộc, quan tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cũng đang chứng tỏ sự trưởng thành với hàng loạt tin vui như: Beeketing (doanh nghiệp cung cấp nền tảng marketing tự động cho các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh online) đã vinh dự được Quỹ đầu tư 500 startups tại Thung lũng Silicon, Mỹ lựa chọn đầu tư 150.000 USD và được định giá 2,5 triệu USD; Lozi (nền tảng online về tìm kiếm địa điểm đồ ăn uống… tiện lợi) đã gọi được số vốn 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư Nhật Bản và Singapore; Ví điện tử MoMo được quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs rót vốn 28 triệu USD; VNTRIP hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên của mình với 3 triệu USD...

Mới đây, tại Lễ phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Môi trường và cơ hội khởi nghiệp hiện nay ở nước ta rất thuận lợi để ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ nảy mầm, lớn mạnh. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam mặc dù còn non trẻ, nhưng hiện nay đã đứng thứ 3 trong ASEAN, và sẽ còn mạnh hơn nữa. Thị trường trong nước của Việt Nam đủ lớn và tăng trưởng nhanh để những sản phẩm của người khởi nghiệp có thể tiêu thụ được. Chúng ta đang có một nền kinh tế đa dạng và đầy đủ nguồn lực để giúp các bạn thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, dù đó là vốn đầu tư, công nghệ hỗ trợ, nguyên liệu hay các yếu tố để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp”. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ “Coi khởi nghiệp là đột phá để thực hiện 3 đột phá chiến lược. Coi kết quả các chương trình khởi nghiệp là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo”.

Hòa chung không khí ấy, trong những ngày đầu xuân mới, đại diện Lãnh đạo Bộ KH&CN và đặc biệt là các startup với tuổi đời rất trẻ đã có những chia sẻ với Tạp chí về những ước mơ và mong muốn trên con đường khởi nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Bộ KH&CN tiếp tục sát cánh cùng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

alt

Việt Nam không đi quá chậm trong phong trào khởi nghiệp. Đây là thời điểm thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp nói chung cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia khởi nghiệp thành công như Israel, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Chúng ta đi sau nhưng có một điều rất quan trọng khi làm khởi nghiệp chính là nguồn nhân lực. Khởi nghiệp thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào con người trong khi nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay được đánh giá là có chất lượng vàng.

Bên cạnh các vấn đề về chính sách, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025”. Riêng đối với việc hỗ trợ thu hút đầu tư cho các startup, Bộ KH&CN đã và đang huy động nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa: đề nghị các Quỹ như Quỹ Đổi mới sáng tạo quốc gia, Dự án First… dành sự hỗ trợ cho các nội dung khởi nghiệp; tạo ra các hoạt động liên kết với các quỹ của nước ngoài; đưa các nhóm khởi nghiệp sang các như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Isarel… để học tập, trao đổi và đi đến những hợp tác đầu tư hỗ trợ cho các startup Việt Nam.

Phạm Quang Huy (Lozi): nên có thêm các chương trình đào tạo kỹ năng cho các startup trẻ

alt

Năm 2016 là một năm bận rộn và khá thành công của Lozi khi trở thành cộng đồng đăng bán được yêu thích nhất Việt Nam. Có thời điểm ứng dụng của Lozi vượt trên ứng dụng Facebook trên bảng xếp hạng các ứng dụng của iOS và Android trong nhiều tuần liền. Trong năm 2017, Lozi sẽ mở rộng các hạng mục đăng bán để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người sử dụng.

Đã từng nhận được sự hỗ trợ từ Đề án VSV ngay từ khi Đề án bắt đầu, chúng tôi nhận thấy sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng, đặc biệt trong việc hỗ trợ các startup tiếp cận với các doanh nghiệp lớn và nhà đầu tư. Từ kinh nghiệm của bản thân, chúng tôi thấy nên có nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho các startup trẻ, việc xây dựng mạng lưới cũng như kết nối các start tup trẻ với các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong và ngoài nước cần được quan tâm duy trì và phát triển hơn nữa.

Hoàng Ngọc Thanh (FermenTech - VFT): mong có thêm sự cố vấn của các nhà khoa học và hỗ trợ về phòng thí nghiệm

alt

VFT rất vui khi giành được giải Nhất cuộc thi “Hành trình khởi nghiệp - Startup journey 2016” với ý tưởng “Lên men ngũ cốc với các chủng nấm dược liệu quý tạo nguyên liệu dùng cho ngành công nghiệp dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm”. Với công nghệ lên men hiện đại, khép kín, đội ngũ nhân sự có chuyên môn sâu về R&D, VFT sẽ giúp các đơn vị sản xuất dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm… chủ động nguồn nguyên liệu, đáp ứng xu hướng tiêu dùng và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc sinh học, tự nhiên, an toàn.

Môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay rất thuận lợi cho các bạn trẻ, có rất nhiều chương trình, cuộc thi được tổ chức giúp mọi người định hình tốt hơn về ý tưởng của mình, đồng thời được hỗ trợ phát triển ý tưởng để thành hiện thực. Tuy nhiên, hiện nay các startup chủ yếu phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, do đó sự hỗ trợ cũng thiên về lĩnh vực này. Các lĩnh vực khác, đặc biệt là công nghệ sinh học thì môi trường khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là thiếu sự cố vấn của các nhà khoa học và phòng thí nghiệm để giúp các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này có thể thực nghiệm nghiên cứu mới.

Đặng Xuân Trường (Hachi): ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội cho các startup

alt

Sản phẩm chính của Hachi là Hệ thống thuỷ canh thông minh nhà phố. Hệ thống tự động giám sát các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông qua ứng dụng trên smartphone. Người dùng tự động tải dữ liệu của từng loại cây trên server của Hachi về để kích hoạt chế độ chăm sóc thông qua mạng WIFI. Việc ứng dụng giải pháp của Hachi có thể giúp tăng 30 đến 50% tốc độ sinh trưởng của cây, đảm bảo sạch, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài và trồng được những loại cây trái vụ, khó trồng ở điều kiện tự nhiên.

Trong năm vừa qua, Hachi đã đạt được một số thành tích đáng kể như: Giải thưởng Dự án nông nghiệp xuất sắc nhất cuộc thi Startupwheel 2016; Giải thưởng Dự án Tiềm năng nhất cuộc thi khởi nghiệp Lotte 2016 do tập đoàn Lotte, BKholding và Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV) tổ chức; Giải Startup triển vọng của Giải thưởng Nhân tài đất Việt. Gần đây nhất là trong sự kiện Techfest 2016, Hachi đã dành được một vé đi Mỹ tham quan mô hình thung lũng Silicon. Hiện tại, Hachi đang hoàn thiện bộ thiết bị giám sát cho trang trại thông qua ứng dụng trên smartphone và phát triển chi nhánh ở phía Nam. Hy vọng năm 2017, Hachi sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hoàn thiện hơn nữa.

Hiện tại, Việt Nam là nơi có cơ hội khởi nghiệp rất tốt. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vườn ươm khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần đều đang tham gia vào khởi nghiệp tại Việt Nam. Bản thân chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Đề án VSV (do Bộ KH&CN quản lý).

Trần Thị Mai Hương (Mediknow): mong muốn có nhiều hơn nữa những cuộc thi hữu ích như Startup journey 2016

alt

Dù mới đang đi những bước đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp, nhưng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, tôi đã cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, đặc biệt là sau khi tham gia cuộc thi “Hành trình khởi nghiệp - Startup journey 2016” và giành được giải Nhì cùng Giải tài trợ của Tập đoàn GFS. Sản phẩm Mediknow là phần mềm ứng dụng y tế trên điện thoại, nhằm cung cấp cho người dùng 2 dịch vụ chính là tra cứu và tư vấn online, và y tá tận nhà (người dùng có thể đặt lịch chăm sóc sức khỏe được cung cấp bởi đội ngũ y tá của Mediknow. Phương thức hoạt động này sẽ giống Uber, Grab).

Khó khăn lớn nhất của tôi trong quá trình bắt đầu khởi nghiệp là sự chuẩn bị về tài chính và xây dựng mô hình kinh doanh hoàn hảo từ cung đến cầu. Rất may là sau khi đoạt giải tại Startup journey 2016 tôi sẽ được tham gia vào khóa hỗ trợ đào tạo 4 tháng về kỹ năng thành lập và vận hành doanh nghiệp, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN). Tôi được biết có rất nhiều bạn trẻ khác có ý tưởng rất tốt, độc đáo nhưng không thể phát triển do khó khăn, lúng túng trong việc quản lý và lựa chọn mô hình kinh doanh, vì vậy tôi rất mong trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những sân chơi bổ ích như Startup journey để các bạn trẻ có cơ hội tự hoàn thiện mình.

Lê Xuân Tùng (Cyfeer): mong muốn tinh giảm các thủ tục hành chính và miễn giảm thuế cho các startup

alt

Cyfeer là công ty công nghệ trong lĩnh vực phần mềm quản lý các tòa nhà, được thành lập bởi 6 bạn trẻ. Trong năm 2016, Cyfeer đã nhận được sự đầu tư của Đề án VSV, đoạt giải từ quỹ đầu tư VIISA tại Techfest 2016 và đặc biệt sản phẩm của Cyfeer đã bắt đầu có khách hàng.

Trong những năm gần đây phong trào khởi nghiệp Việt Nam diễn ra rất sôi nổi, số lượng các doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng, các startup thành công cũng ngày càng nhiều hơn nhưng số lượng chưa nhiều. Trong thời gian tới, để khuyến khích các startup phát triển, theo em cần tinh giảm các thủ tục hành chính và miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời giúp các startup tiếp xúc với các mô hình khởi nghiệp của các nước khác cũng như tiếp cận các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Trong năm 2017 Cyfeer sẽ cố gắng phát triển thị trường tốt hơn, xây dựng cộng đồng người ở chung cư đủ lớn để có thể tạo các lợi ích cho những cư dân.

Theo http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận