Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sức mua của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng tăng cao và có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%...
Điều này là minh chứng cho thấy nhận thức của người Việt đã dần thay đổi, đồng thời, không chỉ là vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà hàng Việt đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt. Trong đó, nhiều thương hiệu Việt không những chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn đến nhiều thị trường trên thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, cần mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”. Bên cạnh đó, tập trung giải pháp hỗ trợ, định hướng, giúp chuẩn hóa có truy xuất nguồn gốc những mặt hàng thiết yếu gắn liền với đời sống hàng ngày; xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ, lưu thông hàng hóa hiệu quả xuyên suốt từ hoạt động nuôi trồng, sản xuất đến phân phối.
Mặt khác, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cung ứng, phân phối hàng hóa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt nhanh chóng, thuận tiện.
Vào ngày 7/3/2023, Bộ Công Thương cũng đã ra Quyết định số 576/QĐ-BCT về việc ban hành Kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2023.
Trong đó, mục tiêu chính của Kế hoạch nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, từ đó tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng;
Vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào các doanh nghiệp ngành Công Thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam
Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó tập trung triển khai nội dung về truyền thông, xây dựng hệ thống phân phối với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam”. Tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng hóa gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Nguồn: vietq.vn