Phiên họp toàn thể ngày 7/6/2023 của Quốc hội khóa XV với các nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực KH&CN đã thu hút được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Có lẽ, lâu nay người ta vẫn cho rằng, KH&CN là một lĩnh vực đặc thù, với những đặc điểm khu biệt so với nhiều lĩnh vực khác nên không được nhiều người quan tâm như những lĩnh vực “sát sườn” như y tế, giáo dục, giao thông vận tải… Tuy nhiên, sự chú ý của các đại biểu Quốc hội, với những câu hỏi liên quan đến các vấn đề quan trọng và cốt lõi của hoạt động KH&CN, cho thấy sự quan tâm của xã hội với lĩnh vực này ngày một gia tăng. Việc đón nhận những kiến nghị và đề xuất của cử tri cả nước thông qua các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội sẽ là cơ hội để những người làm khoa học và quản lý khoa học nắm bắt được những yêu cầu của thực tiễn, đồng thời trao đổi những vấn đề tồn tại khiến KH&CN chưa phát huy được năng lực của mình. Do đó, ngành KH&CN có thể căn cứ vào đó để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng triển khai nhiệm vụ đề ra trong tương lai gần.
Trong số các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên họp chất vấn ngày 7/6, có thể thấy tựu trung lại là hai nhóm vấn đề lớn liên quan đến mọi khía cạnh phát triển KH&CN: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển giao công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ; quản lý và sử dụng ngân sách đầu tư cho KH&CN, xây dựng nguồn nhân lực KH&CN thế nào cho hiệu quả. Mặc dù chỉ là hai nhóm vấn đề nhưng đây lại là những vấn đề căn cốt trong sự phát triển của KH&CN Việt Nam, liên quan chặt chẽ đến các ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội cũng như tiềm lực phát triển KH&CN nói riêng và tiềm lực đất nước nói chung. Nếu giải quyết được những vấn đề tồn tại trong hai nhóm vấn đề này thì ngành KH&CN sẽ có thêm nhiều cơ hội đóng góp vào sự phát triển của đất nước, đó cũng là nhận định chung của các nhà khoa học sau khi theo dõi toàn bộ phiên chất vấn vào buổi sáng và chiều ngày 7/6 vừa qua.
Công nghệ chưa đi vào cuộc sống?
Vấn đề mà phần lớn các đại biểu đặt ra đều xoay quanh vấn đề công nghệ, chuyển giao công nghệ, khuyến khích đầu tư vào R&D ở khu vực tư nhân và đo lường hiệu quả ứng dụng của nó trong thực tiễn… Nếu nhìn tổng quan, người ta sẽ thấy những câu hỏi của các đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh), Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng), Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình), Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông), Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên), Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội)…, đều phản ánh những khía cạnh khác nhau về chu trình đưa một sản phẩm công nghệ vào ứng dụng trong nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội cũng như tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Ở đây, câu chuyện công nghệ đã được nhìn nhận một cách gần gụi hơn và trúng đích hơn.
Với một nguồn lực đầu tư không đầy đủ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghiên cứu, nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN công lập, xây dựng nguồn nhân lực KH&CN trên thực tế chưa đạt tới mức như mong đợi. Trong khi đó, việc phân bổ và thực chi tài trợ cho các đề tài, dự án nghiên cứu còn gặp rất nhiều khó khăn do phải tuân theo quy trình thủ tục giấy tờ và các khung khổ tài chính. |
Khi xâu chuỗi các câu hỏi, ai cũng có thể thấy rõ trước mắt cả một chu trình tuyến tính thông thường: từ kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, qua các khâu trung gian trên thị trường KH&CN đóng vai trò “bà đỡ”, “bà mối” để đến với các doanh nghiệp và qua đó, hiện diện trong những sản phẩm mới hoặc làm mới những sản phẩm đã có. Đó là con đường mà hầu hết các sản phẩm công nghệ đều phải đi qua.
Dẫu có thể hình dung ra thực tại này nhưng con đường ấy lại bị nghẽn lại ở nhiều nút thắt cổ chai mà bản thân các nhà khoa học, hay nhìn rộng ra là cả lĩnh vực KH&CN, đều không thể tự mình tháo bỏ. Có thể điểm qua những nút thắt đó ngay trong các câu hỏi của các đại biểu “Giải pháp khuyến khích phát triển sáng chế từ công trình nghiên cứu trong nước trong bối cảnh việc đưa kết quả từ nghiên cứu khoa học vào sản xuất kinh doanh luôn tồn tại rủi ro”; “Thị trường KH&CN Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Vậy nguyên nhân vì sao mà thị trường KH&CN Việt Nam chưa phát triển? Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường KH&CN?”; “Việc liên kết, hợp tác giữa trường, viện và doanh nghiệp ở nước ta còn nhiều hạn chế. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?”; “Doanh nghiệp không mặn mà với việc trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp. Vậy giải pháp để khắc phục thực trạng này ra sao?”… Rõ ràng, các đại biểu cũng nhận thấy có những tồn tại và rào cản trên con đường đưa kết quả nghiên cứu và công nghệ từ phòng thí nghiệm tới tay doanh nghiệp.
Những câu hỏi này đều liên quan đến các vấn đề mà lâu nay các nhà quản lý khoa học cũng phải đau đầu tìm hướng dần dần tháo gỡ. Câu chuyện chuyển giao công nghệ không hề đơn giản, bởi lẽ, từ trước đến nay, ngoài các đề tài khoa học cơ bản, việc tài trợ cho các dự án hoặc đề tài KH&CN mới chỉ dừng lại ở việc làm ra những kết quả khoa học mang định hướng ứng dụng. Còn cần rất nhiều vòng tài trợ và thử nghiệm nữa để tinh chỉnh, đúc rút đưa những kết quả trở thành công nghệ. Tất cả những gì các nhà khoa học có trong tay đều ở dạng chưa hoàn chỉnh của công nghệ, do đó khó mà thu hút và mời chào được doanh nghiệp đón nhận chuyển giao. Giả sử, có doanh nghiệp nào đó háo hức với công nghệ mới và sẵn sàng đón nhận thì nhà khoa học cũng không thể tự thúc đẩy quá trình này, bởi lẽ các kết quả họ có lại không thuộc quyền sở hữu của mình. Hầu hết chúng đều là sản phẩm của đề tài với kinh phí từ ngân sách nhà nước, do đó quyền sở hữu thuộc về nhà nước. Đó chính là điểm nghẽn cơ chế.
Mặt khác, việc đi “chào hàng” hay rao bán công nghệ lại không phải là điểm mạnh của nhà khoa học, nó thuộc về chức năng của những tổ chức trung gian – một mắt xích không thể thiếu trên thị trường KH&CN nhưng lại còn khuyết thiếu trên thị trường KH&CN Việt Nam.
Một điểm không thể bỏ qua là năng lực hấp thụ của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến việc tiếp nhận công nghệ mới. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều ở mức nhỏ và siêu nhỏ nên không có kinh phí dành cho R&D và không đủ đội ngũ để đón nhận và làm quen công nghệ mới trong khi việc đưa một công nghệ mới vào quá trình sản xuất lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Những lát cắt đơn cử như thế đã cho thấy có quá nhiều thách thức trên con đường chuyển giao công nghệ. Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thẳng thắn cho rằng, dù Bộ KH&CN đã xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ công tác chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực hấp thu của doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ nhưng vẫn còn tồn tại các vướng mắc bởi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy thế mạnh của mình. Trên thị trường KH&CN, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả, một phần do nguồn lực từ ngân sách, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hạn chế, đặc biệt với công nghệ tiên tiến... Do đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, để tiếp tục tháo gỡ, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm và làm chủ công nghệ, tiến tới đưa công nghệ nước ngoài vào Việt Nam... Đây là giải pháp căn cơ nhất và phù hợp cho tình hình Việt Nam hiện nay.
Cốt lõi là đầu tư cho KH&CN hiệu quả
Nếu chỉ nhìn vào những kết quả ứng dụng trong đời sống, chắc hẳn người ta sẽ chỉ thấy được một khía cạnh nhỏ và dễ đập vào mắt nhất. Thông thường, người ta sẽ không biết rằng, các hoạt động KH&CN còn ở quy mô rộng lớn hơn nhiều. Muốn có nhiều công nghệ được ứng dụng, cần phải có nền móng vững chắc là các ngành khoa học cơ bản – đây là bài học đúc kết từ quá trình phát triển của tất cả các cường quốc công nghệ trên thế giới. Không ai có thể chối từ việc đầu tư cho KH&CN, và đặc biệt là khoa học cơ bản.
Dù có thể chưa hiểu tường tận về bản chất của hoạt động KH&CN, nhiều đại biểu cũng đã đặt câu hỏi về giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực cho KH&CN, các bất cập trong phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước hay cơ chế đặc thù cho nghiên cứu khoa học... Tham gia trả lời cùng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải thích, về bố trí ngân sách chi cho KH&CN, trong năm 2017, chúng ta chi ngân sách là 1.390 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 1,18% so với tổng chi ngân sách; năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%; còn năm 2023 chiếm 0,82% tổng chi ngân sách.
Điều này cho thấy, mặc dù trong Điều 49 về ngân sách nhà nước cho KH&CN của Luật KH&CN có ghi rõ “Nhà nước bảo đảm chi cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN”, tuy nhiên trên thực tế thì trong những năm trở lại đây, thực chi cho KH&CN chưa đạt được mức này.
Với một nguồn lực đầu tư không đầy đủ, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghiên cứu, nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN công lập, xây dựng nguồn nhân lực KH&CN trên thực tế chưa đạt tới mức như mong đợi. Trong khi đó, việc phân bổ và thực chi tài trợ cho các đề tài, dự án nghiên cứu còn gặp rất nhiều khó khăn do phải tuân theo quy trình thủ tục giấy tờ và các khung khổ tài chính. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho KH&CN chưa phát huy hết khả năng của mình. Trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh vào việc lĩnh vực KH&CN có tính đặc thù, nghĩa là có tồn tại sự rủi ro và độ trễ trong ứng dụng. Có những đề tài nghiên cứu ở nhiều dạng khác nhau - có những đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, nghiên cứu khoa học xã hội… - phải đến nhiều năm sau mới có thể phát huy giá trị đóng góp của mình. Vì thế, việc thống kê số liệu về việc bao nhiêu đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tiễn hay đánh giá định lượng sự đóng góp của KH&CN trong nền kinh tế hoặc trong các giải pháp xã hội thực sự là điều rất khó. Bộ trưởng cho rằng, điều quan trọng ở đây là làm sao xác định được những kết quả đó không chỉ phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội mà còn phục vụ việc nâng cao năng lực KH&CN của các trường, viện nghiên cứu, nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về việc làm thế nào tạo được sự bứt phá về KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng có nhiều giải pháp nhưng quan trọng hơn là cần đầu tư cho nghiên cứu KH&CN, theo nghĩa kinh phí và nguồn lực, cơ chế chính sách sao cho nhà KH có điều kiện và tâm thế sẵn sàng cống hiến cho khoa học. “Tôi rất tin tưởng vào năng lực của đội ngũ các nhà khoa học hiện nay. Nếu chúng ta đầu tư đúng mức và tạo điều kiện thích hợp thì chúng ta sẽ có điều kiện phát triển”, ông nói. Để khuyến khích hơn nữa các nhà khoa học, Bộ trưởng cũng kiến nghị các cấp chính quyền thêm tin tưởng các nhà khoa học thông qua việc giao nhiều trọng trách, nhiệm vụ, tạo nhiều điều kiện về cơ chế chính sách nhiều hơn một cách thỏa đáng. Đây sẽ là cách để đội ngũ các nhà khoa học và các tổ chức KH&CN phát huy được năng lực, đóng góp được nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước. Ý kiến này cũng được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tán đồng “Muốn có nhân tài để kích nổ thì phải có môi trường cho họ cống hiến tốt. Chúng ta phải có cơ chế chính sách hết sức phù hợp cho họ làm việc”.
Hiện tại, Bộ KH&CN đang tiến hành sửa các thông tư quy định về quản lý các chương trình, nhiệm vụ KH&CN một cách đồng loạt để đảm bảo các thông tư có tính liên thông, đồng bộ với nhau. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thông báo, Bộ KH&CN đã bãi bỏ quy định các nhà khoa học là chủ nhiệm có nghiệm thu không đạt thì không được tiếp tục tham gia nhiệm vụ KH&CN trong hai năm tiếp theo. Điều này thể hiện Bộ rất quan tâm đến tính đặc thù, tính rủi ro, độ trễ của ngành KH&CN để có những quy định tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Cũng tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội, cả Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đều cam kết hợp tác để chỉnh sửa, bổ sung một số vấn đề liên quan đến thanh quyết toán đề tài sử dụng ngân sách theo hướng mở hơn và thông thoáng hơn. Theo đó, thông tư liên tịch số 27 về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các thủ tục mua sắm, thanh toán để giảm bớt hồ sơ, thủ tục thanh toán, để khoán chi đúng nghĩa đến sản phẩm cuối cùng. “Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định số 95 ngày 17/10/2014 quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN và Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, các nhà quản lý, nhân dân để sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng chủ động và căn cứ vào kết quả đầu ra của sản phẩm, công việc để thực hiện hiệu quả”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Liên quan đến sự rủi ro trong phát triển công nghệ ở các tổ chức KH&CN ngoài công lập, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng chia sẻ “cần có cơ chế thưởng, cơ chế hỗ trợ, có cơ chế mua lại phát minh sáng chế, có cơ chế về chuyển giao và ứng dụng. Trong trường hợp có rủi ro xảy ra thì chúng ta có thể thu hồi lại máy móc đã mua sắm về cho nhà nước, còn đối với các chi phí đã tiêu hao trong quá trình nghiên cứu thì có thể thôi không truy cứu”.
Nếu tất cả những điều đó thực sự được triển khai trong thực tiễn, thì chắc hẳn các nhà khoa học sẽ được khuyến khích sáng tạo nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn và ngành KH&CN sẽ xây dựng được nền móng vững chắc, tạo điều kiện cho những sản phẩm giá trị cho xã hội.