07:10 | 26-12-2023

Nâng cao năng suất lao động: Những giải pháp khả thi?

Theo các chuyên gia, việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là một số giải pháp có thể giúp thúc đẩy năng suất lao động cho Việt Nam.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê vào năm 2023, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất khu vực. Anh: ITN
Câu chuyện về năng suất lao động thấp của Việt Nam vẫn luôn là một chủ đề nóng khi các báo cáo về năng suất lao động giữa các quốc gia được công bố. Theo báo cáo “Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp” được Tổng cục Thống kê công bố năm 2023, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp nhất khu vực, chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần), Myanmar (1,6 lần) và Lào (gấp 1,2 lần), cho dù đây là yếu tố quyết định việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp cũng như có ý nghĩa quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
“Năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu dài thì nó gần như là tất cả, có khả năng cải thiện mức sống của một quốc gia theo thời gian”, ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Trưởng ban EFI, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam dẫn lại lời của một nhà kinh tế học từng được trao giải Nobel Kinh tế, tại Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 do Bộ KH&CN và các bộ, ngành, Trung ương và các địa phương phối hợp tổ chức vào ngày 12/12 vừa qua. “Đây là một câu nói mà tôi cho rằng rất phù hợp với bối cảnh của Việt Nam”.

Những thách thức

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. “Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đề ra mục tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Bên cạnh đó, Việt Nam xác định quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết tại Diễn đàn. “Đây là những định hướng quan trọng và rất thách thức đối với một nước đang phát triển”.

Theo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng năng suất bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015).

Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam cũng đã thực hiện không ít hoạt động, chính sách để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, trong thập niên chất lượng lần thứ nhất, giai đoạn 1996-2005, các hoạt động thúc đẩy năng suất tại Việt Nam đã bắt đầu được hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm tới cải tiến năng suất và đã có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và hội nhập quốc tế. Tới giai đoạn thứ hai, từ năm 2010 - 2020, chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp 712 (QĐ số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010) đã đánh dấu bước chuyển biến trong việc thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất tại Việt Nam.
“Một điểm rất quan trọng là chúng ta đã tổ chức đào tạo cho hàng chục nghìn người lao động trong các doanh nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp đã được đào tạo các công cụ, giải pháp năng suất”, TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) từng cho biết tại Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án về giải pháp Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động” vào tháng năm. Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng thí điểm việc đưa năng suất vào dạy thử trong 40 trường và nhận được phản hồi tốt từ các cơ sở giáo dục này. Và với chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, hoạt động năng suất chất lượng tại Việt Nam tiếp tục được triển khai theo chiều sâu và bắt đầu đưa năng suất vào trường đại học, cao đẳng, trường nghề như một môn học chính thức.
Anh minh họa. Ảnh: VGP

uy nhiên, theo TS. Indra Pradana Singawinata - Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO), dù đã đạt được nhiều bước tiến đáng khích lệ, hiện nay Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều thách thức trong việc nâng cao năng suất, “chẳng hạn như chất lượng và hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo còn thấp, thiếu nguồn nhân lực con người, các khung thể chế còn chưa nhất quán,...”.

Qua quá trình nghiên cứu với chuyên gia của Tổ chức năng suất châu Á (APO), theo chia sẻ của TS. Hà Minh Hiệp tại hội thảo tháng năm, có bốn trụ cột liên quan đến năng suất mà Việt Nam còn yếu và cần phải tăng cường thúc đẩy, đó là: khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; hệ thống giáo dục và đào tạo; và mối liên kết giữa tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa. Theo đó, về KH&CN, các giải pháp không thể chỉ dừng lại ở các hệ thống quản lý mà phải đi sâu vào vấn đề hấp thụ công nghệ, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để tạo ra động lực tăng trưởng mới về năng suất.

Phân tích thêm về những vấn đề liên quan năng suất lao động tại Việt Nam, PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, Chuyên gia Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho rằng, mặc dù năng suất lao động còn thấp nhưng chúng ta lại chú trọng thiên lệch về phát triển mở rộng hơn là tăng năng suất lao động, và một trong những ví dụ tiêu biểu là ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam. “Công nghệ chế tạo của chúng ta mặc dù đóng góp khá lớn vào GDP nhưng chủ yếu dựa vào việc mở rộng lao động ở trên các ngành nghề thâm dụng lao động. Do đó, đóng góp về năng suất của ngành chế tạo rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng hơn 10%, mặc dù đóng góp về GDP của ngành lên đến 25%”, ông cho biết. “Trong khi ở Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc - nơi mà ngành chế tạo thường phải là ngành mũi nhọn để đẩy năng suất đi lên thì ngành này ở Việt Nam lại có năng suất thấp, nên đến một lúc nào đó thì sự cạnh tranh của chúng ta sẽ yếu dần và không duy trì được”.

Giải pháp nào khả thi?

Từ góc nhìn của PGS.TS Vũ Minh Khương, Việt Nam cần có kế hoạch chiến lược cụ thể về các yếu tố tăng trưởng TFP, và đưa ra năm khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, đó là: Thúc đẩy tư duy năng suất; phát triển một chiến lược năng suất quốc gia thông qua các tiếp cận toàn diện, toàn quốc; thành lập các tổ chức chuyên trách chịu trách nhiệm xây dựng, điều phối, khuyến khích và giám sát các sáng kiến trên toàn quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất ở mọi cấp độ; khởi động nỗ lực nâng cao năng suất quốc gia để thu hút và huy động các nỗ lực trên toàn quốc nhằm tăng năng suất ở tất cả các cấp; tạo động lực và khuyến khích những bước đi mang tính chiến lược, đột phá để tăng năng suất. “Hiện nay chúng ta mới có kế hoạch dài hạn chứ chưa rõ chiến lược. Chiến lược là lựa chọn hướng đi như thế nào, nguyên tắc ra sao, các địa phương phối hợp với nhau như thế nào”, ông cho biết.

Việc điều chỉnh và triển khai các chính sách về năng suất như vậy cũng là điều mà TS. Indra Pradana Singawinata khuyến nghị. “Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như tăng cường mối liên kết và hợp tác giữa các cơ quan của chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp. Tất nhiên để tăng cường được các khuyến khích ưu đãi cũng như hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và nguồn vốn nhân lực thì Việt Nam cũng cần phải cải thiện chất lượng và sự phù hợp của các hệ thống giáo dục thông qua việc thống nhất các chương trình đào tạo cũng như các tiêu chuẩn với cả nhu cầu ngành, nhu cầu của thị trường lao động”, ông cho biết.

Còn theo ông Andrea Coppola, việc đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao chính là chìa khóa để giải quyết các thách thức cả về phía cung và phía cầu. Những năm tới đây, nhu cầu về lao động tay nghề cao sẽ xuất hiện, trong khi đó hiện nay, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn lao động như vậy trong lĩnh vực cơ khí, đặc biệt là ngành bán dẫn. “Trong những năm qua, Việt Nam thu hút đầu tư FDI rất nhiều, đặc biệt là trong các ngành lắp ráp và có giá trị gia tăng thấp cũng như thâm dụng lao động - việc này có thể tạo ra việc làm nhưng lại tạo ra ít nhu cầu đối với lao động có tay nghề cao. Nếu thu hút được FDI công nghệ cao thì có thể hỗ trợ Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng mới cũng như nâng cao được giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị, đồng thời tạo ra nhu cầu với lao động có tay nghề cao, đòi hỏi chúng ta cũng phải nâng cao được kỹ năng”.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước như một giải pháp để nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp nội địa. “Các doanh nghiệp trong nước có năng suất bình quân tương đối thấp so với các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp FDI. Phần lớn những doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ, thiếu khả năng để tiếp cận được các công nghệ tiên tiến cũng như đầu tư công nghệ. Do đó, cần kết nối họ với các doanh nghiệp FDI để nâng cao được tiêu chuẩn sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ cũng như xây dựng các kỹ năng thông qua việc đào tạo cho người lao động cũng như những người quản lý trong các doanh nghiệp trong nước”.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận