07:24 | 17-05-2022

Nền tảng, động lực thúc đẩy Hà Tĩnh bứt phá trong hơn 30 tái lập tỉnh

Hơn 30 năm tái lập tỉnh, giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn, bằng những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, Hà Tĩnh đã khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí cách mạng để vươn lên chiến thắng đói nghèo, từng bước xây dựng, phát triển. Trong hồi ức về những năm đầu tái lập tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu luôn tâm đắc về ý chí quyết tâm to lớn và sức mạnh đoàn kết để tỉnh thực hiện thành công những quyết sách xóa đói giảm nghèo như: xây dựng công trình thủy lợi, thay đổi giống lúa, xóa nhà tranh tre dột nát, làm giao thông nông thôn… Là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo vào diện cao nhất cả nước (trên 58% vào năm 1991), Hà Tĩnh đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở cho người dân (giai đoạn 2001-2005). Từ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh, Trung ương đã vận dụng và đề ra chủ trương xây “nhà đại đoàn kết” trong cả nước thời điểm đó.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh Phan Xuân Biên cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho các hộ dân làng vạn chài thôn Tiền Phong (xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ). Ảnh: PV

Chịu thương, chịu khó, sống yêu thương, đùm bọc, luôn có ý thức cố kết cộng đồng - truyền thống văn hóa quý giá đó cũng là ngọn nguồn sức mạnh để người dân trên vùng đất “chảo lửa túi mưa” kiên cường nắm tay nhau đứng dậy sau những “cuồng nộ” của thiên nhiên. Lũ kép, lũ quét, triều dâng càng dữ dội, tàn khốc thì sức mạnh của tình đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, đùm bọc càng mạnh mẽ, ân tình càng bền sâu và ý chí tự lực, tự cường càng mạnh mẽ. Chỉ gần đây thôi, vào cuối năm 2020, cơn lũ lịch sử xảy ra đã nhấn chìm các xã vùng hạ du của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Trong khó khăn, hoạn nạn, truyền thống đoàn kết “lá lành đùm lá rách” của người Hà Tĩnh đã phát huy cao độ. “Khó có thể diễn tả hết tinh thần đoàn kết, quyết tâm của người dân trong những ngày vật lộn với nước lũ, trong ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, khôi phục các tiêu chí NTM sau lũ. Từ trong tan hoang, chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, khi đoàn công tác Trung ương về thẩm định các tiêu chí NTM đã cảm nhận nơi đây như chưa hề có cơn lũ đi qua. Tất cả đã bừng lên sắc xanh tươi mới. Đó chính là động lực, là ý chí tự cường để Cẩm Xuyên bứt phá phục hồi, phát triển KT-XH và đạt huyện NTM”, bà Hà Thị Việt Ánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Xuyên chia sẻ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng dự lễ ra mắt và tham gia các hoạt động tại nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn). Ảnh: Hữu Trung

Trong khó khăn, Hà Tĩnh đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái, ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy những nguồn lực mới và tạo ra những giá trị mới. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm Hà Tĩnh đã bày tỏ sự tâm đắc với mô hình nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ và nhà ở kiên cố cho hộ chính sách, hộ nghèo của Hà Tĩnh. Hơn 1 năm qua, 43 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ; 3.446 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai đã được hoàn thành. Với nhiều địa bàn vùng lũ, chủ trương nhân văn này không chỉ tạo nguồn lực lớn giúp gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà kiên cố mà còn mang lại những ngôi nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão lũ, ngôi nhà trí tuệ với những giá trị văn hóa tinh thần to lớn.

Đúc kết về những giá trị to lớn của văn hóa, con người Hà Tĩnh, ông Bùi Đức Hạnh - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng: “Hà Tĩnh là mảnh đất có bề dày truyền thống bởi con người cần cù, hiếu học, nhân nghĩa, thủy chung. Từ thuở khai sơn phá thạch, người Hà Tĩnh đã đi đầu. Hà Tĩnh cũng đóng vai trò là phên trấn của đất nước và bàn đạp để cha ông mở rộng bờ cõi. Trong chặng đường mới, người Hà Tĩnh vẫn luôn “đi đầu bước trước”, luôn sáng tạo và biết khai mở, dám nghĩ, dám làm, dám chinh phục khó khăn để phát triển”. Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh có thêm 4 đơn vị hành chính cấp huyện mới (TX Hồng Lĩnh, huyện Vũ Quang, TX Kỳ Anh, huyện Lộc Hà); Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng được đầu tư và phát triển mạnh mẽ, trở thành KKT trọng điểm quốc gia; KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được hình thành, đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, đối ngoại của tỉnh và cả nước. Trong xây dựng NTM, Hà Tĩnh là điểm sáng của cả nước với những bước đi đột phá, sáng tạo… Tất cả đều được bắt nguồn từ sức mạnh văn hóa, con người của vùng núi Hồng - sông La.

KKT Vũng Áng năm 2000. Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ

Đánh thức tiềm năng cảng biển, tạo bước đột phá của KKT Vũng Áng là kết quả của ý chí dám làm, dám chịu trách nhiệm, sự đoàn kết, thống nhất và cũng rất nhân văn của người Hà Tĩnh. Trước hết là tầm nhìn chiến lược và những bước khai mở quyết liệt của thế hệ lãnh đạo những ngày đầu tái lập tỉnh, để đến giữa năm 1994, Hà Tĩnh đón Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt về thăm cảng Vũng Áng. Ngày 23/10/1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 904/1997/QĐ-TTg phê duyệt định hướng quy hoạch chung khu công nghiệp - cảng biển Vũng Áng. Năm 2008, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của KKT khi dự án FDI lớn nhất Việt Nam - Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa chính thức được triển khai tại Hà Tĩnh. Cơ hội lớn chưa từng có đi cùng thử thách cam go khi phải tiến hành di dời 4 xã (Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên và Kỳ Phương) với hơn 2.500 hộ dân, trên 2.000 ngôi mộ, 56 nhà thờ lớn và nhà thờ họ… lên các vùng tái định cư; GPMB hơn 3.000 ha mặt đất và mặt nước biển để bàn giao cho nhà đầu tư trong vòng 2 năm. Nhớ về những ngày khó khăn đó, ông Lê Trọng Bính - nguyên Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh chia sẻ: “Cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc, các đoàn công tác đã không kể ngày đêm tiếp cận từng nhà để tuyên truyền, vận động; tiến hành kiểm đếm, đền bù và lắng nghe, giải quyết những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Sự lăn lộn, hy sinh của đội ngũ cán bộ, sự đồng thuận và trách nhiệm của người dân đã giúp Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng đúng thời hạn để triển khai dự án trọng điểm”.

Formosa Hà Tĩnh những năm 2010 (ảnh 1,2,3) và hiện nay (ảnh 3,4,5) , sau hơn 10 năm đã trở thành đơn vị hoạt động SXKD hiệu quả, là “đầu kéo” dẫn dắt, thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng . Ảnh: PV-CTV

“Sau GPMB dự án Formosa, huyện tiếp tục bắt tay thực hiện nhiệm vụ chia tách địa giới huyện Kỳ Anh, rồi thành lập TX Kỳ Anh để thành lập bộ máy chính quyền đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Đây là những bước đi đột phá để tạo động lực lớn cho sự phát triển của một thị xã trẻ cũng như của tỉnh. Nhiệm vụ đặt ra hết sức khó khăn, nặng nề, nhưng vì sự phát triển chung, chúng tôi xác định cần khơi dậy truyền thống văn hóa, lịch sử của huyện Kỳ Anh, xem đây là nền tảng, sức mạnh tinh thần để hóa giải từng khó khăn, vướng mắc, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng KKT động lực của tỉnh” - ông Bính khẳng định.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng nguyên lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh và chủ đầu tư nhấn nút khởi công xây dựng Nhà máy Sản xuất Pin VinES (tháng 12/2021) . Ảnh: PV

Từ đó đến nay, KKT Vũng Áng dù có những thời điểm đầy thách thức do sự cố môi trường nhưng đã từng bước lấy lại nhịp độ phát triển, vươn mình khẳng định vị thế KKT trọng điểm quốc gia với 153 dự án lớn nhỏ đến thời điểm này, trở thành thỏi nam châm trên bản đồ đầu tư của cả nước. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Trọng Canh (Đại học Vinh), những bước bứt tốc của Hà Tĩnh, ngoài nhờ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và biết phát huy sức mạnh của Nhân dân, còn là bởi nét tính cách rất trội như: cương trực, kiên trinh, thủy chung, trọng tình, giữ chữ tín, chân tình, cởi mở của con người ở vùng đất này đã được phát huy trong giai đoạn mới.

Nhấn mạnh về khát vọng bứt phá của Hà Tĩnh, tại lễ tổng kết 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM của Hà Tĩnh (tháng 9/2019), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội) đã đánh giá: “Chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh có ý chí lớn, khát vọng cháy bỏng và quyết tâm rất cao trong xây dựng NTM. Mặc dù xuất phát điểm thấp và gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nhưng đến nay, Hà Tĩnh có kết quả tốt nhất trong cả nước về xây dựng NTM”.

Chứng kiến cuộc cách mạng rộng lớn, sôi động của chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh, nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là khi các giá trị văn hóa, tính cách đặc trưng của con người Hà Tĩnh như sự kiên gan trong chiến tranh, mạnh mẽ trong thời bình, xả thân vì quê hương, đoàn kết, gắn bó và cố kết cộng đồng... được khơi dậy và phát huy cao độ.

X ã nông thôn mới Xuân Trường (Nghi Xuân). Ảnh: Đậu Hà

Trên hành trình bước lên nấc thang mới - xây dựng tỉnh NTM đầu tiên trong cả nước, Hà Tĩnh tiếp tục xác định những giá trị riêng trong tổng thể chung. Bà Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân cho biết: “Trong chương trình xây dựng NTM, huyện Nghi Xuân đã sáng tạo tiêu chí thứ 11 tại các khu dân cư kiểu mẫu, theo đó, yêu cầu mỗi thôn có ít nhất 1 CLB văn nghệ dân gian. Đây là các địa chỉ nhằm tìm kiếm hạt nhân để tiếp tục thúc đẩy phong trào, vừa góp sức xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, hấp dẫn để cổ vũ bà con thêm đoàn kết, yêu quê hương, chung sức thực hiện thành công đề án xây dựng Nghi Xuân thành huyện NTM điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch vào năm 2025”.

Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra quan điểm đột phá: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX khẳng định: phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Năm 2022, cụ thể hóa chuyên đề toàn khóa về học tập và làm theo Bác giai đoạn 2021-2026 của Bộ Chính trị, BTV Tỉnh ủy đã xây dựng chủ đề riêng của năm là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng và truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh, phục hồi và phát triển KT-XH”.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh trao bằng khen cho các đảng bộ xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, giai đoạn 2016-2021. Ảnh: Thu Hà

Khát vọng viết tiếp truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn phát triển mới đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương nỗ lực thắp sáng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. TP Hà Tĩnh xác định nội dung quan trọng trong chủ đề phát triển năm 2022 là tạo bước đột phá mạnh mẽ về xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục nhằm tiếp tục lộ trình xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương có nhiều hoạt động ý nghĩa như: khôi phục và nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa: Hào Thành, Võ Miếu, Khu di tích Núi Nài, Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, Khu lưu niệm danh họa Nguyễn Phan Chánh; phục dựng các lễ hội truyền thống, như: lễ hội Văn Miếu (tháng 2 ÂL), lễ hội sen thành phố (tháng 6), đua thuyền bơi chải trên sông Phủ, sông Cụt… để nhân lên những giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh, tạo nguồn sáng tạo và quyết tâm mới trong mỗi công dân thành phố. Huyện Vũ Quang tập trung các hoạt động kỷ niệm 175 năm ngày sinh Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng với chủ đề “Hào khí Cần Vương - khát vọng Vũ Quang; tổ chức tốt sự kiện trình diễn bay khinh khí cầu “Cuộc dạo chơi của Sao la - Kỳ lân châu Á” chào mừng SEA Games 31, góp phần nhân lên niềm tự hào về đất nước, quê hương trong mỗi người dân.

Trong chuỗi hành trình các sự kiện chào mừng SEA Games 31, tỉnh Hà Tĩnh tự hào khi được Ban tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á chọn làm địa điểm trình diễn bay khinh khí cầu với chủ đề “Cuộc dạo chơi của Sao la - Kỳ lân Châu Á”. Ảnh: Huy Tùng - Văn Chung

Tất cả nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh; phản ánh những đổi thay, sự phát triển của quê hương Hà Tĩnh và đặc biệt là cổ vũ Nhân dân chung sức, đồng lòng tạo nên những giá trị mới. Tác giả văn xuôi Trần Thị Tú Ngọc (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 175 năm ngày sinh Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng cho biết: Tham gia trại sáng tác, tôi có thêm những kiến thức, trải nghiệm quý giá và những cảm xúc tươi mới để tạo nên dấu ấn trong các tác phẩm. Từ đó, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Tĩnh đến với người dân.

Thành phố Hà Tĩnh trong diện mạo đô thị loại II . Ảnh: Khôi Nguyễn

Khát vọng về một Hà Tĩnh ngày càng phát triển mạnh mẽ và vững chắc, rạng rỡ và tươi đẹp được lan tỏa không chỉ trong nước mà còn ở khắp năm châu. Như cách giới thiệu về văn hóa, con người Hà Tĩnh qua chương trình nghệ thuật ấn tượng: “Người Hà Tĩnh muôn phương” do UBND tỉnh phối hợp với các đơn vị xây dựng được trình chiếu trên nhiều kênh truyền hình trong và ngoài nước dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần. Đạo diễn Hà Thanh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Chương trình nghệ thuật chuyển tải đến khán giả thông điệp: mạch nguồn văn hóa núi Hồng - sông La đã tạc nên dáng hình hiên ngang, hùng dũng nhưng cũng vô cùng mềm mại, uyển chuyển và đầy chất thơ, làm nên cốt cách, tâm hồn riêng có của người Hà Tĩnh. Cũng vì đó, con người Hà Tĩnh qua nhiều thế hệ đã không ngừng vươn lên xây dựng quê hương và đi muôn phương để cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại. Quá trình thực hiện chương trình, không chỉ riêng tôi mà tất cả các thành viên trong ekip đều cảm nhận và yêu mến nét đẹp tinh tế, quyến rũ và đầy chất thơ của mảnh đất và con người Hà Tĩnh”.

Văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần và là mục tiêu, động lực cho sự phát triển của Hà Tĩnh qua các thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời kỳ mới, bên cạnh những cơ hội rộng mở thì sự phát triển của văn hóa đã bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế cần phải được nhận thức sâu sắc, từ đó có giải pháp nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, con người Hà Tĩnh đối với sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Theo BHT

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận