Cách đây chưa lâu, đèn LED thắp sáng cuộc sống của chúng ta và là một sự thay thế hiệu quả hơn cho đèn sợi đốt cũ kỹ. Tuy nhiên, dường như những bóng đèn LED đã có đối thủ cạnh tranh mới. Các nhà nghiên cứu từ Viện Vật lý và Công nghệ Matxcơva (MIPT) và Viện Vật lý Lebedev của Viện Khoa học Nga đã đưa ra một loại đèn chiếu sáng mới - một công nghệ đã được nghiên cứu từ những năm 1980, nhưng gặp không ít trở ngại cho đến tận hôm nay.
Loại đèn mới do Nga chế tạo này dựa trên hiện tượng trường phát xạ và hoạt động theo cùng một nguyên tắc của bóng hình sử dụng trong thế hệ TV cũ - sử dụng ống tia âm cực.
Theo các tác giả của nghiên cứu, công nghệ này có nhiều lợi thế: Loại đèn mới có thể phát sáng với bất kỳ màu nào (từ đỏ đến cực tím) và chịu được hầu hết mọi điều kiện.
Giáo sư Evgenii Sheshin, phó chủ tịch của ngành điện tử chân không tại MIPT, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã thử đặt đèn trong nitơ lỏng ở âm 180 độ C - nó vẫn hoạt động! Sau đó, chúng tôi đã làm nóng nó lên 300 độ C - nó vẫn tiếp tục hoạt động.”
Ở Nga, loại đèn này bắt đầu nổi tiếng với tên gọi là đèn Sheshin, đèn âm cực phát sáng không suy giảm hiệu quả theo thời gian và không có ngày hết hạn.
Nếu được sản xuất hàng loạt, nó cũng sẽ có giá khá rẻ (khoảng 30 rúp hoặc 0,47 USD mỗi chiếc) và sẽ hoạt động trong tối đa 10.000 giờ.
Đèn Sheshin sẽ là một giải pháp thay thế sạch hơn cho các đèn tuýp huỳnh quang cực tím, mà theo Công ước Minamata của Liên Hợp Quốc sẽ sớm bị cấm lưu hành vì có chứa thủy ngân.
Theo: tienphong.vn