09:45 | 06-01-2017

Nghiệm thu đề tài: "Nghiên cứu xây dựng từ điển thuật ngữ một số chuyên ngành Việt- Lào"

Ngày nay, mối quan hệ Việt - Lào  phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào từ lâu nay đã là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà nước Việt Nam nói chung và các trường đại học nói riêng, đặc biệt là các trường Đại học địa phương có chung đường biên giới với nước bạn như Trường Đại học Hà Tĩnh. Hiện nay số lượng lưu học sinh Lào đang theo học trên cả nước khoảng 12.000 người, trong đó ở trường Đại học Hà Tĩnh, trường Cao Đẳng Y tế, Trường Cao đẳng nghề Việt Đức có gần 3.000 em, gồm cả học tiếng việt và học chuyên ngành. Để nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào, mà trước hết là nâng cao trình độ tiếng Việt là khâu đầu tiên và có ý nghĩa quyết định, thì  bên cạnh những việc dạy và học trên lớp cần có nhiều phương tiện và công cụ hỗ trợ khác nhưng trong đó từ điển là phương tiện hết sức quan trọng không thể thiếu. Từ thực tế đó cần phải nghiên cứu xây dựng cuốn từ điển thuật ngữ một số chuyên ngành Việt - Lào giúp các lưu học sinh Lào đang học tập tại các trường Cao đẳng, đại học là hết sức cần thiết.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện đề tài được Hội đồng KH&CN nghiệm thu chuyên ngành đánh giá cao về kết quả và khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

- Đã biên soạn được một cuốn từ điển giải thích thuật ngữ chuyên ngành Việt - Lào với số lượng 1.600 thuật ngữ với 16 chuyên ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính, Ngân hàng, Du lịch - lữ hành, Luật, Giáo dục - Chính trị, Khoa học Môi trường, Công nghệ thông tin, Xây dựng, Triết học, Toán học, Điện - điện tử, Cơ khí và Y học.

- Ứng dụng Công nghệ thông tin số hóa Từ điển giải thích thuật ngữ chuyên ngành Việt - Lào.

Cuốn từ điển giải thích thuật ngữ chuyên ngành Việt - Lào lần đầu tiên được biên soạn phục vụ cho việc học tập và giảng dạy tiếng Lào thuộc các chuyên ngành đào tạo tại trường Đại học Hà Tĩnh và một số trường Đại học và cao đẳng khác trong cả nước có lưu học sinh Lào học tập. Không những vậy cuốn từ điển này còn làm tăng thêm sự hiểu biết hợp tác về ngôn ngữ, văn hóa, về kinh tế giữa 2 nước Việt Nam- Lào.

Hội đồng KH&CN chuyên ngành cấp tỉnh đề nghị Chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ trì chỉnh sửa báo cáo theo ý kiến góp ý của các thành viên tham gia Hội đồng và lấy ý kiến của một số chuyên gia tiếng Lào để báo cáo hoàn thiện hơn trước khi giao nộp sản phẩm.

Đề tài được đánh giá xếp loại: Đạt.

PT.

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận